09:31 17/05/2012

Hướng dẫn cụ thể hơn về ưu đãi tiền đất cho doanh nghiệp

Lê Hường

Việc giảm, giãn tiền thuê đất và tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp khó khăn sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn

Ngày 16/5, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đang xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 và giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn theo Nghị quyết số 13 vừa được Chính phủ ban hành.

Bộ Tài chính cũng cho biết, ngày 18/5 cơ quan này sẽ có buổi làm việc với đại diện ủy ban ban nhân dân 10 tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến đất theo quy định tại Nghị quyết 13.

Theo giải thích của Bộ, việc quy định giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết 13 là nối tiếp Quyết định 2093 ngày 23/11/2011. Theo đó, Chính phủ cho phép giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm 2011 và 2012 đối với các tổ chức kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất trừ lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Việc ra đời Quyết định 2093 là để giải quyết một số bất cập mang tính thời điểm của Nghị định 121 do nghị định này làm tăng tiền sử dụng đất của doanh nghiệp đáng kể. Trong khi chi phí thuê đất là một phần đầu vào của doanh nghiệp.

Một quan chức của Cục Công sản khẳng định, Nghị định 121 đã được cân nhắc kỹ và đúng nhưng vì “nén” từ lâu nhưng tăng đột ngột với mức tăng lớn 5-10 lần, nên gây “sốc” cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn.

Để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nên Nghị quyết 13 áp dụng việc giảm tiền thuê đất 50% đối với cả tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, thay vì áp dụng cho 2 năm, Nghị quyết 13 chỉ cho phép áp dụng việc giảm tiền thuê đất 1 năm 2012.

Việc giảm tiền thuê đất cũng đã được tính đến yếu tố đại bộ phận doanh nghiệp sản xuất là thuê đất của Nhà nước và đất của khu công nghiệp. Phần thuê đất của tư nhân là khối dịch vụ thương mại rất nhỏ.

Theo đánh giá của Cục Công sản, chính sách giảm tiền thuê đất tác động đến kinh tế không lớn nhưng sẽ tác động tốt đến tâm lý và số lượng người thụ hưởng là khá lớn. Động thái này có tác động khuyến khích rất lớn vì bất động sản là lĩnh vực có sức lan toả đối với toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến các ngành vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm.

Về nội dung chỉ giới hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất, theo quan điểm của Cục Công sản là để ủy ban nhân dân các tỉnh linh hoạt trong việc đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. Theo đó, nguồn thu từ sử dụng đất đã được cân đối trong ngân sách các tỉnh, thành phố theo hướng cân đối đầu ra cho các dự án đầu tư với cách phân kỳ hợp lý.

Như vậy, với các quy định này, từng tỉnh sẽ lựa chọn cách phân kỳ, phân nhóm dự án để xử lý hài hoà với cân đối ngân sách. Mặt khác, quy định này cũng không ấn định nhóm dự án nào. Như vậy, có tỉnh làm cho từng dự án, có tỉnh sẽ phân nhóm với thời hạn tương ứng.

Về thủ tục cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng này sẽ làm đơn kèm theo hồ sơ liên quan gửi cục thuế. Cục thuế sẽ tổng hợp xem xét, cùng với sở tài chính địa phương xây dựng phương án. ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.

Cục Công sản cho biết, điểm đáng lưu ý là trong thời gian gia hạn không tính chậm nộp. Đây là một khoản đáng kể lên đến 0,02%/ngày.

Giải pháp này được đánh giá là tích cực cho thị trường bất động sản nhưng không phải là giải pháp mang tính giải cứu. Tuy vậy, việc đưa ra giải pháp này được đánh giá là khá chậm so với diễn biến mức độ khó khăn của thị trường.

Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho biết, thực chất các doanh nghiệp trong lĩnh vực này “kêu” rất nhiều nhưng lại không công bố thực trạng hoạt động cụ thể. Bộ Tài chính chỉ có thể đánh giá qua một kênh duy nhất là nợ tiền sử dụng đất. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn khó khăn cần thiết để sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém để giải pháp đúng đối tượng.