14:14 15/10/2012

“Hy Lạp có thể rời Eurozone trong 6 tháng nữa”

An Huy

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển, việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ không có ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính của châu Âu

Ông Anders Borg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển - Ảnh: Bloomberg.<br>
Ông Anders Borg, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển - Ảnh: Bloomberg.<br>
Hy Lạp có khả năng rời khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong 6 tháng nữa, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển. Nhận định này được đưa ra vào cuối tuần vừa rồi trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút chuẩn bị một hội nghị thượng đỉnh để cứu đồng Euro.

“Khả năng cao nhất là họ sẽ ra khỏi khối đồng tiền chung. Chúng tôi không loại trừ khả năng này xảy ra trong nửa năm nữa”, hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển Anders Borg khi vị quan chức này đang tham dự hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Tokyo.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã kéo dài 3 năm mà chưa tìm ra lối thoát. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục tuyên bố rằng, bà muốn Hy Lạp ở lại trong Eurozone.

“Bộ tam quyền lực” giám sát các chương trình giải cứu tài chính trong Eurozone, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) và IMF, đã nối lại các cuộc đàm phán với Hy Lạp sau khi các cuộc đàm phán tạm ngừng. Chính việc tạm ngừng đàm phán này đã tạo điều kiện để Athens tiếp tục cắt giảm thêm được 13,5 tỷ Euro, tương đương 17,5 tỷ USD trong chi tiêu công như một điều kiện để tiếp tục giải ngân tiền cứu trợ.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp tại Brussels, Bỉ, vào ngày 18-19/10 này để đàm phán các nỗ lực nhằm đưa ECB trở thành cơ quan giám sát hệ thống ngân hàng cao nhất của châu Âu, cũng như các kế hoạch nhằm thắt chặt các mối quan hệ về kinh tế và tiền tệ nội khối.

Hội nghị bộ trưởng tài chính châu Âu cách đây 1 tuần hoan nghênh quyết tâm cắt giảm chi tiêu và củng cố nền kinh tế của Hy Lạp, nhưng yêu cầu Athens phải cam kết thực hiện 89 bước đi chính sách trước khi hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra trong tuần này. Bên cạnh đó, khả năng khoản cứu trợ 31 tỷ Euro dành cho Hy Lạp sẽ được giải ngân luôn một lần hay sẽ bị xé lẻ vẫn còn để ngỏ.

Ông Borg cho rằng, việc Hy Lạp rời Eurozone sẽ không có ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính của châu Âu “vì trên thực tế, ai cũng đã hiểu gió đang thổi theo hướng nào”. Mặc dù vậy, theo vị quan chức này, việc Hy Lạp thiếu ngành công nghiệp có sức cạnh tranh và không có đủ khả năng thực hiện nhưng cải cách cần thiết đồng nghĩa với “không rõ nước sẽ sẽ giải quyết tình hình thế nào nếu không tăng cường sức cạnh tranh thông qua việc hạ mạnh tỷ giá hối đoái”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Điển từ lâu đã là một người bi quan về tương lai của Hy Lạp. Thụy Điển là một thành viên của EU, nhưng không nằm trong Eurozone. Hồi tháng 7, ông Borg đã cho rằng, “vỡ nợ dưới một dạng thức nào đó” là kịch bản có khả năng dễ xảy đến nhất đối với Hy Lạp. Tháng trước, ông tuyên bố, không thể loại trừ khả năng Athens phải rời Eurozone trong vòng 1 năm tới và các ngân hàng của châu Âu đã sẵn sàng cho một kết cục như vậy.

Không phải nhà quan sát nào cũng có cái nhìn u ám như ông Borg. Ngân hàng Citigroup nhận định, khả năng Hy Lạp rời Eurozone trong 12-18 tháng tới đã giảm xuống mức 60% từ mức 90% trước đó. Báo cáo của Citigroup đưa ra cơ sở cho nhận định này là sự thay đổi thái độ của những quốc gia chủ chốt trong Eurozone.

Cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố, nhiều nhà đầu tư “đang đánh cược là chúng tôi sẽ không có đủ sức mạnh chính trị để bảo vệ đồng Euro. Nhưng tôi quyết tâm làm việc đó, cho dù đó là việc khó”.

Mới đây, IMF nhận định, nếu châu Âu không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ, thì đó sẽ là một rủi ro “cao tới mức báo động” về sự suy giảm sâu hơn của nền kinh tế thế giới vốn đang có nguy cơ tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc suy thoái 2009 trong năm 2012 này.