09:03 10/07/2007

“Hy vọng một sức bật mới về đầu tư”

Thanh Hà

Hỏi chuyện ông Dương Thời Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhân việc tỉnh này cùng Bắc Kạn và Cao Bằng tổ chức xúc tiến đầu tư

"Tiềm năng của Lạng Sơn là có nhưng một trong những điểm yếu của tỉnh là thực hiện công tác quảng bá chưa tốt, nhiều nhà đầu tư chưa biết đến tiềm năng đầu tư của Lạng Sơn."
"Tiềm năng của Lạng Sơn là có nhưng một trong những điểm yếu của tỉnh là thực hiện công tác quảng bá chưa tốt, nhiều nhà đầu tư chưa biết đến tiềm năng đầu tư của Lạng Sơn."
Hỏi chuyện ông Dương Thời Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhân việc tỉnh này cùng Bắc Kạn và Cao Bằng tổ chức xúc tiến đầu tư.

>>Ba tỉnh miền núi phía Bắc liên minh xúc tiến đầu tư

Đề nghị ông cho biết tình hình thu hút đầu tư vào Lạng Sơn trong thời gian qua?

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi đã dành được sự quan tâm của Nhà nước và các nhà đầu tư và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, hàng năm có trên 1.000 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của năm cao nhất đạt tới 700 triệu USD.

Có thể nói thu hút đầu tư nước ngoài của Lạng Sơn trong những năm qua đã có những bước khởi sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh thì vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Hiện Lạng Sơn đang gặp những khó khăn nào trong thu hút đầu tư, thưa ông?

Tiềm năng của Lạng Sơn là có nhưng một trong những điểm yếu của tỉnh là thực hiện công tác quảng bá chưa tốt, nhiều nhà đầu tư chưa biết đến tiềm năng đầu tư của Lạng Sơn.

Một vấn đề quan trọng là cơ sở hạ tầng giao thông còn kém. Dù đã được đầu tư và nâng cao hơn trước nhiều nhưng so với yêu cầu phát triển thì vẫn chưa tương xứng. Nhất là với khu vực cửa khẩu lại càng đòi hỏi phải có hạ tầng hoàn hảo, chi phí khá tốn kém mà một mình Lạng Sơn không làm được.

Bên cạnh đó, địa hình miền núi cũng gây nhiều khó khăn cho thu hút đầu tư, ví dụ như suất đầu tư luôn lớn hơn các tỉnh đồng bằng. Đặc thù miền núi cũng khiến chúng tôi rất khó tìm được những khu khoảng 150ha - 200 ha bằng phẳng và muốn làm được thì chi phí cũng khá tốn kém.

Ông có thể cho biết hướng cải thiện tình hình thu hút đầu tư trong thời gian tới của Lạng Sơn?

Chúng tôi thực hiện phương châm hết sức trân trọng các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn. Địa phương sẽ chủ động thông báo về tình hình của tỉnh để các nhà đầu tư biết, tạo điều kiện để các nhà đầu tư khảo sát, biết mọi thông tin về địa phương, cả thuận lợi và khó khăn, những việc sẽ làm trong thời gian tới. Quan điểm của chúng tôi là phải thông tin trung thực đến các nhà đầu tư.

Hướng đầu tư của Lạng Sơn trong thời gian tới là tập trung thương mại và dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển thương mại với các tỉnh biên giới Trung Quốc, phát huy lợi thế của kinh tế cửa khẩu, tạo động lực để phát triển.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xem là thế mạnh của tỉnh như khai khoáng, thủy điện, chế biến nông lâm sản, du lịch...

Thưa ông, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh có khác biệt gì so với các địa phương khác?

Lạng Sơn đã thực hiện một cơ chế ưu đãi đầu tư trong đó vận dụng tối đa những điều kiện thu hút đầu tư theo cơ chế chung của cả nước. Cụ thể, chúng tôi có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho các doanh nghiệp đầu tư để tăng cường sử dụng lao động tại chỗ.

Ngoài ra, về cải cách hành chính, Lạng Sơn cũng là một trong số ít các địa phương thực hiện một cửa liên thông sớm. Hiện Sở Kế hoạch và đầu tư là cơ quan đầu mối thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, tránh và hạn chế những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu và phiền hà.

Lạng Sơn hy vọng gì từ kết quả của hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức ngày 9/7 cùng với Bắc Kạn và Cao Bằng?

Đây là một cơ hội đáng mừng với Lạng Sơn. Nhưng vấn đề quan trọng là khai thác lợi thế từ hội nghị được tổ chức lần này. Sự quan tâm của các cấp các ngành, doanh nghiệp cả nước đối với 3 tỉnh còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư trong đó có Lạng Sơn là rất đáng quý và trân trọng.

Chúng tôi rất hy vọng sức hấp dẫn đầu tư của 3 tỉnh nói chung và Lạng Sơn nói riêng sau hội nghị này sẽ tăng lên và tạo ra một sức bật mới về đầu tư trên địa bàn.

Để Lạng Sơn thu hút đầu tư tốt hơn nữa, Lạng Sơn có kiến nghị, đề xuất gì với Nhà nước?

Chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để giải quyết những vấn đề khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Giao thông phía các tỉnh biên giới Trung Quốc đã được đầu tư rất tốt và do đó, chúng ta cũng cần phải có sự đầu tư tương xứng.

Lạng Sơn là tỉnh biên giới với điều kiện rất đặc thù, do đó chúng tôi cần có những cơ chế đặc thù mới mong có được những bước đột phá. Hiện nay Lạng Sơn đang quy hoạch khu kinh tế Đồng Đăng – Lạng Sơn rộng gần 400 ha, việc này cần những cơ chế đặc thù về giá đất, thuế... Cần có sự phân cấp, trao quyền chủ động cho địa phương ở một số lĩnh vực thì mới có thể quản lý và phát triển được.