10:14 31/08/2007

IPO Vietcombank sẽ lùi sang tháng 10

Minh Đức – Lan Hương

Nếu thuận lợi, đầu tháng 10 tới Vietcombank sẽ công bố đối tác chiến lược và tiến hành xác định thời điểm IPO

Cơ chế mới thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa ngân hàng.
Cơ chế mới thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa ngân hàng.
Chính phủ vừa phê duyệt đề án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với những nội dung mới. Ngân hàng này cũng đang gấp rút đàm phán để chọn các đối tác chiến lược nước ngoài.

Nếu thuận lợi, đầu tháng 10 tới Vietcombank sẽ công bố đối tác chiến lược và tiến hành xác định thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Một trong những nguyên nhân khiến lộ trình cổ phần hóa Vietcombank chậm hơn dự kiến là do vướng mắc trong các quy định pháp lý và những hướng dẫn cụ thể. Theo lãnh đạo ngân hàng, qua đề án phê duyệt, Chính phủ đã có những cơ chế mới thể hiện quyết tâm trong kế hoạch cổ phần hóa Vietcombank cũng như những cam kết chính trị liên quan.

Tháo gỡ những vướng mắc

Chính phủ chấp thuận kiến nghị của tư vấn và kiểm toán quốc tế về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Hiện công đoạn này có sự khác biệt bởi có nhiều phương pháp khác nhau. Những quy định hiện hành đã cho phép áp dụng một số phương pháp, nhưng khi triển khai cụ thể đòi hỏi phải có những hướng dẫn, trong đó có những hướng dẫn khó khăn, khó thực hiện.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho rằng nếu áp dụng các phương pháp của quốc tế thì không phải làm những việc đó, như kiểm kê tài sản, đánh giá lại tài sản, nhưng vẫn đánh giá rất chính xác. Mặt khác, sau khi xác định giá trị doanh nghiệp xong phải hạch toán, điều chỉnh giá trị sổ sách, có thể gây thắc mắc đối với nhà đầu tư.

Vietcombank sẽ không làm theo hướng này mà đánh giá giá trị theo phương pháp quốc tế, căn cứ trên cơ sở cung cầu của thị trường để đưa ra đấu giá. Khi đấu giá, thị trường sẽ xác định giá trị thực của doanh nghiệp. Thông qua đề án, Chính phủ cũng đã cho phép Vietcombank áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tốt nhất có thể, kể cả theo thông lệ quốc tế.

“Đây là sự tháo gỡ quan ngại của nhiều nhà đầu tư quốc tế trong những năm qua. Cho đến bây giờ, các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chịu sự điều tiết của Nghị định 49 của Chính phủ đối với quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó Luật doanh nghiệp 2005 cũng đã có nhiều thay đổi so với Luật các tổ chức tín dụng.

Và đặc biệt là Bộ Tài chính cũng đã có Quyết định 12 và Quyết định 15 về quản trị doanh nghiệp đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết cũng như điều lệ mẫu. Nếu Vietcombank niêm yết thì bắt buộc phải áp dụng những quy định đó và như thế trái với Nghị định 49”, lãnh đạo Vietcombank cho biết.

Mở “room” cho trường hợp Vietcombank?

Trong đề án cổ phần hóa, Vietcombank có đề nghị được niêm yết ở nước ngoài và Chính phủ đã đồng ý. Theo đó, khi niêm yết ở nước ngoài Vietcombank phải tuân thủ một số quy định về quản trị doanh nghiệp của thị trường quốc tế. Vietcombank cũng đề nghị nếu như Nghị định 49 có những điểm khác với Quyết định 12 và 15 thì cho phép Vietcombank áp dụng những quy định của Quyết định 12 và 15 mà không theo Nghị định 49.

Đề nghị thứ hai của Vietcombank cũng được Chính phủ đồng ý, đó là nếu thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp theo yêu cầu của thị trường Singapore hay Hồng Kông (hai điểm niêm yết mà Vietcombank đang nhắm tới) có những điểm tiến bộ hơn, khác với những quyết định trên và nếu không trái với luật hiện hành thì nên cho phép Vietcombank thực hiện.Lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh rằng đây là điểm quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Đây cũng là động lực để tạo ra thay đổi thực sự về cơ chế quản trị.

“Nếu không đạt được điều này thì mục tiêu cổ phần hóa thất bại. Mục tiêu cổ phần hóa của Vietcombank hiện nay không phải để nâng cao năng lực tài chính nữa mà thay đổi một cách căn bản cơ chế, phương thức quản trị doanh nghiệp, bởi năng lực tài chính Vietcombank hiện đã đạt chuẩn yêu cầu khu vực và quốc tế rồi. Việc chấp thuận của Chính phủ trong vấn đề này tôi cho là sự tháo gỡ một nút rất quan trọng, bởi thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng nhất”, vị lãnh đạo này giải thích thêm.

Về IPO quốc tế, Vietcombank đang tính toán những tỷ lệ thích hợp. Một số thị trường đòi hỏi phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu là 15%. Một số thị trường có thể xem xét tỷ lệ này thấp hơn vì quy mô Vietcombank tương đối lớn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng Việt Nam tối đa là 30%.

Nếu theo quy định này, Vietcombank có thể dành 10% cho IPO quốc tế, trong 20% còn lại sẽ phân bổ 15% cho đối tác chiến lược nước ngoài và 5% để niêm yết. Và một điểm đáng lưu tâm là Chính phủ cũng có định hướng nếu đối tác chiến lược nước ngoài có những cam kết tốt có thể mở “room” trong trường hợp của Vietcombank.

Chọn đối tác chiến lược trước, IPO sau

Điểm mà Chính phủ quan tâm nhất là phải chọn được nhà đầu tư chiến lược tốt. Trong các yêu cầu, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng, nhưng Chính phủ đề cao nội dung cam kết của nhà đầu tư nước ngoài, thời hạn của những cam kết đó. Họ phải có sự hợp tác, hỗ trợ Vietcombank lâu dài.

Về lịch trình, dự kiến đầu tháng 9 này, các nhà đầu tư chiến lược sẽ có bản chào cuối cùng. Và trong tháng 9, Vietcombank sẽ báo cáo kết quả lựa chọn đối tác chiến lược để Chính phủ quyết định. Nếu thuận lợi, đầu tháng 10 có thể công bố. Nhưng đây là quá trình không vội vàng, gò ép thời gian bởi liên quan đến quá trình đàm phán, quyền lợi giữa hai bên. Sau khi chọn đối tác chiến lược, thời điểm IPO mới được xác định.

Trong thời gian qua, một số nhà đầu tư nước ngoài đã chào giá rất cao khi tiếp xúc với Vietcombank. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng cần chú trọng ở những cam kết của họ bởi có những trường hợp cam kết “lỏng”, như một nhà đầu tư tài chính chứ không phải là nhà đầu tư chiến lược.

“Quan điểm của Vietcombank là nhà đầu tư chiến lược phải có tầm, tham gia hỗ trợ trực tiếp, cùng làm chứ không phải hỗ trợ một số tiền để đào tạo, tư vấn... Họ bỏ tiền vào là lời ăn lỗ chịu”, ông khẳng định.