Ít màu sáng trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng
Đa số lợi nhuận tiếp tục giảm và nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên
Năm 2014 khởi đầu ảm đạm đối với các nhà băng, qua kết quả cơ bản hoặc báo cáo tài chính quý 1 vừa công bố.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính, song năm nay Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) lại gây chú ý khi chủ động đưa ra kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2014 khá sớm.
Có lẽ kết quả khả quan là động lực để ngân hàng này đi trước. Cụ thể, sau khoảng hai năm Techcombank mới có một quý đạt lợi nhuận tốt, gợi mở khả năng trở lại của thành viên từng ở top đầu hiệu quả của khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo thông tin bước đầu, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank đã đạt 673 tỷ đồng trong quý 1/2014, tăng tới 69% so với cùng kỳ 2013 và thực hiện được 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Khá cùng hướng, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đang hé mở triển vọng trở lại với tốc độ tốt hơn vài năm qua.
Lợi nhuận trước thuế của VIB quý vừa qua chỉ đạt 52 tỷ đồng, nhưng theo ngân hàng này, nếu đánh giá lại danh mục trái phiếu Chính phủ đang nắm giữ (trên 19.000 tỷ đồng) theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì con số lợi nhuận trước dự phòng của VIB sẽ đạt trên 400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VIB là thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh trong quý 1, tăng tới 7,1% so với cuối năm 2013 và vượt trội so với bình quân hệ thống các tổ chức tín dụng (chỉ chớm dương sau 3 tháng đầu năm).
Với các thông tin công bố cập nhật đến thời điểm này, Techcombank và VIB có thể xem là hai điểm lạc quan hiếm hoi trong bức tranh đang rõ dần về kết quả kinh doanh khối ngân hàng quý 1/2014.
Hầu hết các thành viên còn lại đã ra tin hoặc báo cáo tài chính đều cho thấy xu hướng sụt giảm của lợi nhuận và nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên.
Với Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), tổng tài sản đến cuối quý 1/2014 đã tăng trưởng thêm 6% so với cuối 2013, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh, chỉ đạt 110,7 tỷ đồng trước thuế và giảm gần 60% so với cùng kỳ 2013. Và sau ba tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank đã tăng lên suýt soát mức 4%.
Tại Ngân hàng Á châu (ACB), mức tăng 4% của tổng tài sản trong quý vừa qua là đáng kể, nhưng tín dụng lại giảm nhẹ và nợ xấu đã chính thức vượt mốc 3% lên 3,27%. ACB vẫn chưa thể lấy lại phong độ tạo lãi từng mạnh mẽ nhiều năm trước; lợi nhuận trước thuế quý 1 chỉ được 318,25 tỷ, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2013.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ngân hàng thương mại cổ phần có sự trở lại nổi bật nhất trong năm 2013, nhưng kết quả bước đầu năm nay lại không thuận lợi. Tín dụng vẫn tăng trưởng khá với 3,6%, nhưng nợ xấu tại Sacombank đã tăng lên đáng kể từ 1,45% cuối 2013 lên 1,86%; lợi nhuận trước thuế cũng giảm hơn 11% so với cùng kỳ, đạt 793,8 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tốc độ tạo lãi những năm 2009-2011 vẫn chưa thể trở lại, nhưng cũng có cải thiện đáng kể trong quý 1/2014. Hiện Eximbank chưa công bố báo cáo tài chính, còn thông tin lợi nhuận đưa ra tại đại hội đồng cổ đông vừa qua là 441 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm.
Tại các ngân hàng nhỏ, hiện hầu hết vẫn chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục thể hiện rõ nét tại hai thành viên vừa công bố báo cáo tài chính.
Cụ thể, tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), quý vừa qua thực sự là khó khăn khi hầu hết các chỉ tiêu đều không như mong muốn. Tổng tài sản giảm khá mạnh 8,5%; tín dụng giảm 1,65%; lợi nhuận trước thuế 51,3 tỷ đồng; nợ xấu lại tăng lên khá cao với 4,07%, từ mức 2,97% cuối 2013.
Tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank), lợi nhuận trước thuế quý 1 vừa qua chỉ vẻn vẹn 3,15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 21,83 tỷ đồng.
Dự kiến từ nay đến cuối tuần sẽ có thêm nhiều ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý 1/2014, đặc biệt là ở khối đã niêm yết. Còn với một phần bức tranh đã định hình ở trên, có thể thấy các nhà băng vừa trải qua một quý kinh doanh khó khăn.
Thông thường, các kỳ nghỉ lễ kéo dài ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung trong quý đầu năm; các quý cuối năm thường có những con số tốt hơn.
Nhưng với các ngân hàng thương mại, “quy luật” trên lại có thể đảo ngược như từng thể hiện ở một số trường hợp những năm gần đây: khả năng bớt lãi hoặc thua lỗ xuất hiện cuối năm, khi kết chuyển để hạch toán các rủi ro.
Riêng năm nay, chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu dự báo tiếp tục là gánh nặng lớn, theo yêu cầu phân loại nợ và trích lập dự phòng của cơ chế mới (Thông tư 09) sắp áp dụng.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính, song năm nay Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) lại gây chú ý khi chủ động đưa ra kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2014 khá sớm.
Có lẽ kết quả khả quan là động lực để ngân hàng này đi trước. Cụ thể, sau khoảng hai năm Techcombank mới có một quý đạt lợi nhuận tốt, gợi mở khả năng trở lại của thành viên từng ở top đầu hiệu quả của khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo thông tin bước đầu, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank đã đạt 673 tỷ đồng trong quý 1/2014, tăng tới 69% so với cùng kỳ 2013 và thực hiện được 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Khá cùng hướng, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đang hé mở triển vọng trở lại với tốc độ tốt hơn vài năm qua.
Lợi nhuận trước thuế của VIB quý vừa qua chỉ đạt 52 tỷ đồng, nhưng theo ngân hàng này, nếu đánh giá lại danh mục trái phiếu Chính phủ đang nắm giữ (trên 19.000 tỷ đồng) theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì con số lợi nhuận trước dự phòng của VIB sẽ đạt trên 400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VIB là thành viên có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh trong quý 1, tăng tới 7,1% so với cuối năm 2013 và vượt trội so với bình quân hệ thống các tổ chức tín dụng (chỉ chớm dương sau 3 tháng đầu năm).
Với các thông tin công bố cập nhật đến thời điểm này, Techcombank và VIB có thể xem là hai điểm lạc quan hiếm hoi trong bức tranh đang rõ dần về kết quả kinh doanh khối ngân hàng quý 1/2014.
Hầu hết các thành viên còn lại đã ra tin hoặc báo cáo tài chính đều cho thấy xu hướng sụt giảm của lợi nhuận và nợ xấu vẫn không ngừng tăng lên.
Với Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), tổng tài sản đến cuối quý 1/2014 đã tăng trưởng thêm 6% so với cuối 2013, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh, chỉ đạt 110,7 tỷ đồng trước thuế và giảm gần 60% so với cùng kỳ 2013. Và sau ba tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank đã tăng lên suýt soát mức 4%.
Tại Ngân hàng Á châu (ACB), mức tăng 4% của tổng tài sản trong quý vừa qua là đáng kể, nhưng tín dụng lại giảm nhẹ và nợ xấu đã chính thức vượt mốc 3% lên 3,27%. ACB vẫn chưa thể lấy lại phong độ tạo lãi từng mạnh mẽ nhiều năm trước; lợi nhuận trước thuế quý 1 chỉ được 318,25 tỷ, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2013.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ngân hàng thương mại cổ phần có sự trở lại nổi bật nhất trong năm 2013, nhưng kết quả bước đầu năm nay lại không thuận lợi. Tín dụng vẫn tăng trưởng khá với 3,6%, nhưng nợ xấu tại Sacombank đã tăng lên đáng kể từ 1,45% cuối 2013 lên 1,86%; lợi nhuận trước thuế cũng giảm hơn 11% so với cùng kỳ, đạt 793,8 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tốc độ tạo lãi những năm 2009-2011 vẫn chưa thể trở lại, nhưng cũng có cải thiện đáng kể trong quý 1/2014. Hiện Eximbank chưa công bố báo cáo tài chính, còn thông tin lợi nhuận đưa ra tại đại hội đồng cổ đông vừa qua là 441 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm.
Tại các ngân hàng nhỏ, hiện hầu hết vẫn chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, khó khăn tiếp tục thể hiện rõ nét tại hai thành viên vừa công bố báo cáo tài chính.
Cụ thể, tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), quý vừa qua thực sự là khó khăn khi hầu hết các chỉ tiêu đều không như mong muốn. Tổng tài sản giảm khá mạnh 8,5%; tín dụng giảm 1,65%; lợi nhuận trước thuế 51,3 tỷ đồng; nợ xấu lại tăng lên khá cao với 4,07%, từ mức 2,97% cuối 2013.
Tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank), lợi nhuận trước thuế quý 1 vừa qua chỉ vẻn vẹn 3,15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 21,83 tỷ đồng.
Dự kiến từ nay đến cuối tuần sẽ có thêm nhiều ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý 1/2014, đặc biệt là ở khối đã niêm yết. Còn với một phần bức tranh đã định hình ở trên, có thể thấy các nhà băng vừa trải qua một quý kinh doanh khó khăn.
Thông thường, các kỳ nghỉ lễ kéo dài ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng và các doanh nghiệp nói chung trong quý đầu năm; các quý cuối năm thường có những con số tốt hơn.
Nhưng với các ngân hàng thương mại, “quy luật” trên lại có thể đảo ngược như từng thể hiện ở một số trường hợp những năm gần đây: khả năng bớt lãi hoặc thua lỗ xuất hiện cuối năm, khi kết chuyển để hạch toán các rủi ro.
Riêng năm nay, chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu dự báo tiếp tục là gánh nặng lớn, theo yêu cầu phân loại nợ và trích lập dự phòng của cơ chế mới (Thông tư 09) sắp áp dụng.