09:08 01/09/2008

JBIC kiến nghị về đầu tư công ở Việt Nam

Yasuhisa Ojima

Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Việt Nam kiến nghị về đầu tư công ở Việt Nam

Chi phí là vấn đề đáng chú ý nhất trong suốt giai đoạn khởi động dự án. Dự toán chi phí nên được dựa trên mức giá thị trường. Dự toán theo giá quy định có thể dẫn đến vấn đề vượt quá giá trần.
Chi phí là vấn đề đáng chú ý nhất trong suốt giai đoạn khởi động dự án. Dự toán chi phí nên được dựa trên mức giá thị trường. Dự toán theo giá quy định có thể dẫn đến vấn đề vượt quá giá trần.
Ông Yasuhisa Ojima, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tại Việt Nam vừa có một số kiến nghị về lĩnh vực đầu tư công ở Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung ý kiến của ông để độc giả tham khảo.

Dựa trên lý thuyết về kinh tế công và kinh nghiệm làm việc của JBIC tại Việt Nam, tôi có những ý kiến đóng góp và một số kiến nghị đối với đầu tư công ở Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam nên đảm bảo tạo môi trường cho đầu tư công. Những nguyên nhân có thể có của lạm phát bao gồm: Sự tăng giá hàng hóa mạnh mẽ trên thị trường quốc tế; sự điều chỉnh giá các loại hàng hóa như xăng A92, than, thép và điện; những cú sốc từ nguồn cung trong nước do thiên tai, dịch bệnh; lượng cung tiền trong xã hội tăng lên do hỗ trợ từ nguồn vốn FDI, tăng trưởng tín dụng trong nước; mất cân đối tài khoá; chất lượng đầu tư.

Thứ hai, chúng ta cần có những đánh giá vĩ mô hơn về nguồn vốn công và đầu tư công. Nhiều người cho rằng chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn hay tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) là một trong những chỉ số hiệu quả để đo lường chất lượng đầu tư công.

ICOR ở Việt Nam đang tăng từ mức 3,7 trong gian đoạn 1996-2000 lên 4,6 trong giai đoạn 2000-2005. Con số này được ước tính sẽ lên đến mức 5,1 trong giai đoạn 2005-2010.

Trong khi đó, mức ICOR = 3,5 được nhiều ý kiến cho là mức độ “cất cánh”.

Tuy nhiên, ICOR là một chỉ số không hoàn hảo. Bên cạnh chỉ số này, để tính hiệu quả tích lũy của đầu tư, chúng ta còn phải phân tích những yếu tố khác, chẳng hạn, năng suất của cả nguồn vốn công và vốn tư nhân. Hãy chú ý rằng, để đo được mức tối ưu của vốn đầu tư công vẫn là câu hỏi ngay cả trong lý thuyết gần đây nhất.

Một câu hỏi nữa là cách phân bổ nguồn vốn đầu tư công như thế nào là hợp lý nhất xét về vị trí và khu vực. Chẳng hạn, vốn đầu tư công đổ vào khu vực thành thị có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn dựa vào nhiều quan sát mang tính kinh nghiệm, mặc dù nguồn vốn này có thể mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, xét về tính công bằng, đầu tư công vẫn nên được phân bổ cho cả khu vực nông thôn. Đây là câu hỏi mang tính đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế và công bằng. Các cuộc thảo luận trong Quốc hội để có câu trả lời cho vấn đề này cũng là cần thiết.

Thứ ba, chúng ta nên có thêm nhiều biện pháp giảm chi phí ở cấp độ vi mô. Phân tích chi phí-lợi ích là phương pháp cơ bản để nhận dạng đầu tư có hiệu quả kinh tế.

Hãy chú ý rằng, chúng ta có thể cắt giảm chi phí thông qua: quản trị tốt; hệ thống pháp lý hiệu quả; chia sẻ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Xét về mặt ý nghĩa của chi phí, chúng ta cần xem xét chi phí giao dịch và cả chi phí cơ hội.

Kinh nghiệm tham gia nhiều dự án tại Việt Nam của JBIC cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trì hoãn thực hiện dự án. Chi phí là vấn đề đáng chú ý nhất trong suốt giai đoạn khởi động dự án. Dự toán chi phí nên được dựa trên mức giá thị trường. Dự toán theo giá quy định có thể dẫn đến vấn đề vượt quá giá trần.

Gần đây, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc nâng cấp quy định về dự toán chi phí cho dự án. Chẳng hạn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 99, năm 2007, cho phép chủ dự án được áp dụng giá thị trường trong dự toán chi phí. Đây là thời điểm để xem xét nghị định này sẽ được thực thi như thế nào trong thực tế.

Giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trì hoãn dự án. Các chủ dự án đã gặp khó khăn khi đàm phán chi phí đền bù với các hộ gia đình. Nói chung, xu hướng của giá đất là đi lên, mặc dù thị trường này đang trầm lắng trong thời gian gần đây. Trong nhiều trường hợp các hộ gia định cố gắng trì hoãn quá trình giải phóng mặt bằng và tái định cư để có thể được đền bù với mức giá cao hơn.

Vì vậy, để đạt được quá trình giải phóng mặt bằng thông suốt, một cơ chế khuyến khích nên được giới thiệu. Chẳng hạn, người giao đất sớm sẽ được đền bù cao hơn.

Không có loại thuốc bách bệnh để đạt được hiệu quả đầu tư nhà nước cao. Tuy nhiên, Việt Nam rất cần những đánh giá sâu sắc hơn về hiệu quả của đầu tư công.