16:26 14/01/2013

Jetstar Pacific: Lỗ 5 năm, vẫn phải làm!

Minh Anh

Sau 5 năm gia nhập thị trường hàng không Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific giờ vẫn chưa có lãi

Các lãnh đạo Jetstar Pacific tại buổi họp báo ngày 13/1 về việc chuyển đổi sang đội bay mới.<br>
Các lãnh đạo Jetstar Pacific tại buổi họp báo ngày 13/1 về việc chuyển đổi sang đội bay mới.<br>
Liệu sau khi chuyển đổi sang khai thác hoàn toàn bằng đội bay mới, sử dụng Airbus A320, bài toán kinh doanh của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific sẽ như thế nào?

Tại buổi họp báo ngày 13/1 về việc chuyển đổi sang đội bay mới, các lãnh đạo Jetstar Pacific, ông Dương Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific đã giải đáp về chiến lược kinh doanh và “con đường sắp tới” của Jetstar Pacific.

Ông Lê Hồng Hà: Trước đây, khi Jetstar thành lập và khai thác, có hai dòng máy bay là Boeing 737-400 thế hệ cũ và Airbus A320. Việc cùng lúc khai thác hai dòng máy bay khiến cho hãng phải tổ chức lực lượng sản xuất để phục vụ cả hai loại máy bay, vì thế đã làm cho chi phí cao hơn, trong đó chi phí cả người lái cho Boeing 737-400 và người lái Airbus 320 để duy trì hai đội bay.

Thứ hai, do đội máy bay Boeing 737-400 đã cũ và gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của Jetstar Pacific trong thời gian khai thác vừa qua. Do vậy, sau khi chuyển đổi cổ đông với Vietnam Airlines tại Jetstar Pacific thì các cổ đông, HĐQT quyết định thay đổi toàn bộ đội máy bay của mình sang một dòng Airbus A320, cùng với cả đội bay của Jetstar Group thì sẽ tiết kiệm được chi phí của Jetstar Pacific, đồng thời sử dụng chung được nguồn lực Jetstar Group và sự hỗ trợ của cổ đông Vietnam Airlines với kinh nghiệm khai thác từ dòng máy bay này.

Đội máy báy A320 trẻ tuổi hơn với số năm là 5-6 năm tuổi trong cả tuổi đời khai thác là 25 năm. Đội bay trẻ hơn, mới hơn và tiết kiệm được chi phí cho Jetstar Pacific để hãng nâng cao được hiệu quả kinh doanh hơn.

Cụ thể, chi phí chuyển đổi đội bay của Jetstar Pacific là bao nhiêu?

Ông Lê Hồng Hà: Trong đội bay Boeing 737-400, một số máy bay đến hạn trả lại nhà cho thuê, có 3 chiếc là bắt buộc phải trả sớm hơn so với hợp đồng đã ký. Trong 6 tháng cuối năm 2012, chúng tôi đã phải tập trung nhiều nguồn lực cả về tài chính và vật lực để đàm phán, trao đổi với nhà cho thuê để chấm dứt hợp đồng. Việc trả đội máy bay cũng tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Bình quân mỗi máy bay phải chuyển trả và làm thủ tục chuyển trả là mất 1,5 - 2 triệu USD và tổng cộng 8 - 10 triệu USD trên tổng số 5 máy bay chuyển trả.

Jetstar Pacific: Lỗ 5 năm, vẫn phải làm! 1Tôi phải nhắc lại, năm 2013 chỉ còn 5 chiếc máy bay là bước lùi nhỏ của Jetstar Pacific, nhằm để cân đối với thị trường đang khó khăn, tập trung cho các bước sau..  Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific

Sẽ… “xuất ngoại”

Trong bối cảnh thị trường hàng không cạnh tranh khá khốc liệt, trong khi bức tranh nhu cầu thị trường vẫn là một màu xám, vậy kế hoạch phát triển đội bay của Jetstar Pacific sẽ được tính toán như thế nào?

Ông Lê Hồng Hà: Chúng tôi xác định 2013 vẫn là một năm còn nhiều khó khăn và vì thế Jetstar Pacific có những điều chỉnh lại chiến lược của mình là chậm lại một chút để củng cố lực lượng đảm bảo hiệu quả hoạt động của hãng trong năm 2013 và ổn định khai thác 5 chiếc Airbus 320. Sau đó chúng tôi tiếp tục phát triển kế hoạch đội bay mà cổ đông đã phê duyệt, theo đó cuối năm 2015 sẽ có 15 chiếc, nghĩa là trong năm 2014 và 2015, mỗi năm chúng tôi phát triển đội bay khoảng 5 chiếc.

Thị trường nội địa đang rất khó khăn, thậm chí hãng VietJet Air đã “xuất ngoại”kinh doanh. Liệu tới đây, Jetstar Pacific có tính đến xuất ngoại để duy trì phát triển, cạnh tranh không?

Ông Lê Hồng Hà: Phải nói là ngay từ đầu năm 2013, thị trường hành khách yếu hơn rất nhiều so với cùng kỳ đầu năm 2012, dù điều này đã diễn ra từ cuối năm 2012. Qua số liệu tổng hợp thị trường hành khách đi lại trên các đường bay nội địa trong vòng 10 ngày đầu năm thì các hãng đâu đó đã sụt cỡ khoảng 7 - 10 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2013, để tập trung củng cố, khai thác hiệu quả, chúng tôi cũng sẽ khai thác quốc tế. Vì thị trường nội địa có những khó khăn do nhu cầu đi lại của hành khách chậm lại một chút, nên tuyến bay quốc tế sẽ đảm bảo cho sự phát triển của Jetstar Pacific và đem lại hiệu quả khai thác đường bay của hãng. Dự kiến cuối tháng 3 đầu lịch bay mua hè thì chúng tôi sẽ khai thác đường bay từ Tp.HCM đến Singapore, từ Singapore tới Jakarta (Indonesia) và ngược lại, với tần suất dự kiến là 1 chuyến/ngày.

Tại sao Jetstar Pacific lại chọn tuyến đường bay này?

Ông Dương Trí Thành: Thị phần Vietnam Airlines trên đường bay này hiện khoảng là 15%. Đây là thị trường rất mở. Còn tại sao không bay các tuyến khác thì chúng tôi đang đánh giá đường bay này là có hiệu quả nhất để bắt đầu. Cũng xin nhắc lại trước đây Jetstar Pacific cũng đã bay Đài Loan, Hồng Kông nhưng hết sức không hiệu quả nên dừng, bây giờ bay trở lại, vì thế cũng không hẳn xuất ngoại.

Cùng với việc đây là thị trường mở, nhiều tiềm năng, ngoài ra còn có Jetstar Asia có cơ sở, chương trình marketing,… mình tham gia vào thì thuận lợi.

Tôi phải nhắc lại, năm 2013 chỉ còn 5 chiếc máy bay là bước lùi nhỏ của Jetstar Pacific, nhằm để cân đối với thị trường đang khó khăn, tập trung cho các bước sau. Với kế hoạch bay quốc tế, chúng tôi sẽ nghiên cứu triển khai bay tất cả các đường trong khu vực Đông Nam Á.

5 năm kinh doanh, vẫn chưa có lãi

Có thực tế, trước khi “về” Vietnam Airlines, Jetstar Pacific gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi “chuyển về”, hãng có đã những chương trình khuyến mại giá rẻ với số lượng lớn, giá gây sốc, trong khi các hãng khác thì càng bay càng lỗ. Có những ý kiến cho rằng, việc “chuyển” Jetstar Pacific về  Vietnam Airlines và hãng này là cổ đông chi phối chính, thì mục đích chính là để đưa Jetstar Pacific trở thành hãng hàng không đi cạnh tranh với các đối thủ khác về mặt giá cả…

Ông Dương Trí Thành: Khẩu hiệu của Jetstart Group là “giá rẻ mỗi ngày, mọi người cùng bay”, và chưa vào đây thì họ đã thế. Khi vào đây cách đây 4 năm chưa có VietJet, chưa có Air Mekong thì họ vẫn thế. Năm 2012, các chương trình khuyến mại, quảng cáo của Jetstar Pacific gần như là dừng, tập trung chính là tái cấu trúc nội bộ, đặc biệt đội tàu bay, để chuẩn bị và hôm nay, coi như Jetstar Pacific khai trương lại.

Việc khai thác thị trường và các chính sách thương mại bên cạnh chiến lược dài hạn tiến tới hiệu quả, có một nội dung là xây dựng thị trường để đưa ra sản phẩm và làm quen với thị trường.

Tôi khẳng định con đường của tất cả các hàng không giá rẻ là tạo ra sản phẩm rẻ nhất và do đó bán được giá thấp nhất có thể, từ đó tạo động lực vào phân khúc thị trường mà sức mua chưa được đầy đủ, như hình đáy của tháp mà đáy là lớn nhất. Ví dụ như bài học phát triển của hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia trong mấy năm vừa qua, và mô hình này làm ăn rất tốt.

Jetstar Pacific: Lỗ 5 năm, vẫn phải làm! 2Bài toán hiệu quả của cạnh tranh và tại sao lỗ rồi mà vẫn phải làm, mà không phải lỗ thì bán tống bán tháo, vì nó vẫn là mô hình hoạt động kinh doanh và trên con đường đó thì giải pháp, đầu tư vào là vấn đề dài hạn và chiến lược, không phải nay vào mai lại đi.  Ông Dương Trí Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Jetstar Pacific

Còn để xây dựng thương hiệu, sản phẩm và thị trường thì phải có đầu tư và tất cả các hãng có sự chuẩn bị bao nhiêu năm thì phải chờ đợi. Vì thế, câu chuyện rất lớn là nguồn tài chính và cổ đông có đủ tiềm năng để theo đuổi không.

Nếu nhà đầu tư không có đủ tiềm năng, tiềm lực mà dừng giữa đường thì những hệ lụy cho người tiêu dùng là đầu tiên, bao nhiêu người mua vé bị bơ vơ… Vì thế, trong việc báo cáo các việc liên quan đến chính sách với Bộ Giao thông Vận tải, kể cả cấp cao hơn là Chính phủ, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này. Cần phải có sự rút kinh nghiệm, kinh tế thị trường cạnh tranh là mình khuyến khích nhưng không thể không có quản lý Nhà nước, để rút ra bài học như bất động sản.

Bốn năm qua Jetstar Pacific luôn luôn lỗ, và năm vừa rồi chúng tôi tiếp quản nhưng vẫn tiếp tục lỗ rất lớn. Quyết tâm của chúng tôi trong năm 2013 là giảm lỗ, tiến tới hòa, và hy vọng khi khai thác đường bay quốc tế có hiệu quả thì sẽ bắt đầu có lãi.

Nghĩa là đường bay nội địa vẫn chưa thể có lãi?

Ông Dương Trí Thành: Tôi khẳng định hệ thống đường bay nội địa năm nay là chưa cân đối được với giá đang bán và với chi phí đầu vào mặc dù đã rất cố gắng giảm những cái có thể giảm. Riêng chi phí xăng dầu chiếm tới 40% của tổng chi phí khai thác.

Nói chung, với hệ thống đường bay nội địa thì cả Vietnam Airlines, cả Jetstar Pacific, VietJet Air, Air Mekong là đều đang tình trạng xây dựng thị trường và lỗ, chưa bù đắp được và cọi như vẫn đang ở giai đoạn đầu tư.

Vì thế, bài toán hiệu quả của cạnh tranh và tại sao lỗ rồi mà vẫn phải làm, mà không phải lỗ thì bán tống bán tháo, vì nó vẫn là mô hình hoạt động kinh doanh và trên con đường đó thì giải pháp, đầu tư vào là vấn đề dài hạn và chiến lược, không phải nay vào mai lại đi.

Vậy xin hỏi thật, khoản lỗ rất lớn của Jetstar Pacific sau khi Vietnam Airlines tiếp quản đến nay là bao nhiêu?

Ông Dương Trí Thành: Nói chung là lỗ lớn. Còn tổng số thế nào thì phải chờ tổng hợp kiểm toán và tôi cho rằng đây là một thông tin tài chính và thương mại nhạy cảm. Dù gì khi Jetstar Pacific được tiếp quản là rất khó khăn và khó khăn tới mức trước phải xem lại về mặt tổ chức điều hành và trao lại cho người đúng nghề quản lý.