09:56 29/08/2008

Kẻ được, người mất trong xuất khẩu gạo

Quang Trí

Vừa qua, mỗi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thu lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng

Chính phủ đã đồng ý chưa áp thuế tuyệt đối với gạo xuất khẩu giá dưới 800 USD/tấn.
Chính phủ đã đồng ý chưa áp thuế tuyệt đối với gạo xuất khẩu giá dưới 800 USD/tấn.
Trước biến động giá gạo trên thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị bỏ thuế xuất khẩu gạo hoặc nâng mức giá gạo xuất khẩu chịu thuế lên.

Theo VFA, giá gạo thế giới hiện nay còn khoảng 750-780 USD/tấn tùy loại, trong khi đó giá chào bán của Việt Nam luôn thấp hơn mức này. Nếu đánh thuế cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến hạn chế mua lúa vào, như vậy vô hình chung ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân.

VFA cũng cho biết, 7 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,7 triệu tấn gạo với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân theo phương thức giao hàng FOB đạt 574 USD/tấn.

Thời cơ vàng đã trôi qua trước mắt!

Chính phủ đã đồng ý chưa áp thuế tuyệt đối với gạo xuất khẩu giá dưới 800 USD/tấn. Từ ngày 15/8, các loại gạo xuất khẩu sẽ chịu thuế suất tuyệt đối từ 800 ngàn đồng đến 2,9 triệu đồng/tấn tùy loại. Riêng gạo có giá suất dưới 800 USD/tấn chưa nằm trong diện áp thuế.

Với mức quy định mới này Nhà nước khó thu thuế xuất khẩu gạo, vì hiện nay giá gạo thế giới chỉ còn khoảng 750-780 USD/tấn, tùy loại, trong khi đó giá chào bán của Việt Nam luôn thấp hơn mức này.

Nhìn lại công tác điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, dưới sự điều hành của Ban điều hành xuất khẩu gạo và Tổng công ty Lương thực miền Nam đối với các công ty thành viên, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước được thực hiện tốt.

Ban điều hành và các thành viên trong Ban đã phối hợp tốt để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo. Điều này được thể hiện trong việc sắp xếp thành viên đi dự thầu, VFA đã phối hợp với Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên có thực lực đi đấu thầu gạo ở Philippines. Những lúc cần xuất khẩu gạo nhiều, Ban điều hành cho phép các thành viên đi đấu thầu với số lượng lớn để Việt Nam có thể “ôm trọn” số lượng gạo mà phía Philippines đưa ra.

Nhưng có những lúc để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Ban điều hành điều phối cho Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên chỉ thắng thầu với số lượng nào đó, điều này được thể hiện ở hợp đồng Phil 4 và Phil 5, mặc dù Philippines yêu cầu số lượng lớn, nhưng Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng rất ít và có giá xuất rất cao.

Mặc dù ký xuất với số lượng gạo ít nhưng vì gạo có giá rất cao mang về lợi nhuận lớn, nên có lúc Việt Nam chỉ bán mấy chục ngàn tấn gạo cho Malaysia sau khi trừ tất cả chi phí, còn lại giá vẫn trên 1.000 USD/tấn.

Trong hợp đồng Phil 5, loại gạo 15% tấm có giá trên 800 USD/tấn, ở hợp đồng này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lãi “ăn trọn” từ 4.500-5.000 đồng/kg gạo. Lúc này các doanh nghiệp chỉ cần xuất vài ngàn tấn gạo trong hợp đồng Phil 4 và Phil 5 đã thu lãi tiền tỷ.

Phụ thu để lập quỹ dự phòng

Qua sự kiện trên cho thấy, khi xuất khẩu gạo lãi to thì không thấy doanh nghiệp nào tình nguyện xin nộp ngân sách Nhà nước, nhưng khi xuất khẩu có khó khăn, được Chính phủ kêu gọi mua lúa tạm trữ và giữ giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg giúp nông dân có lãi từ 40% trở lên, thì thực tế không có doanh nghiệp nào thực hiện vì họ viện lý do mua gạo theo giá theo thị trường.

Từ sự kiện trên nhìn lại công tác điều hành xuất khẩu gạo nhiều người cho rằng có hai việc mà Ban điều hành cần suy nghĩ.

Một là, có những lúc cần bán gạo với số lượng lớn thì có sáng kiến cho các công ty thành viên cùng với Tổng công ty tham gia quay vòng đi dự thầu, những lúc cần bán ít để đảm bảo an ninh lương thực và để giữ giá xuất khẩu gạo cao thu về lợi nhuận lớn, Ban điều hành cho giảm số công ty thành viên đi dự thầu.

Tuy nhiên, khi các nước trên thế giới bắt đầu thiếu lương thực và họ sẽ đẩy mạnh trồng lúa, thì chỉ trong vài tháng thị trường sẽ có lúa trở lại, “sốt nóng” gạo sẽ qua đi. Những lúc như vậy Ban điều hành đã không nhạy bén khi xử lý tình huống, không nắm bắt thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, vừa qua, mỗi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thu lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng từ các hợp đồng xuất khẩu gạo, Ban điều hành đã không quyết định phụ thu dùng số tiền này làm quỹ dự phòng, đề phòng trường hợp thiên tai hạn hán xảy ra, hoặc tái đầu tư cho nông dân bằng cách xây kho trữ lúa, sân phơi, hệ thống sấy lúa..., rồi giao lại cho địa phương quản lý, thu phí khấu hao trả dần và tái đầu tư.

Trên thực tế, trong các hợp đồng xuất gạo cho Philippines, ở Phil 1, Phil 2, do giá lúa trong nước tăng dần, nếu doanh nghiệp nào có vốn mua lúa trước thì không lỗ hoặc lỗ ít, ở Phil 3 thì doanh nghiệp đã lấy lại phần lỗ từ 2 hợp đồng trước, có doanh nghiệp có lãi chút ít, đến Phil 4 và Phil 5 sau khi trừ tất cả chi phí doanh nghiệp hưởng trọn tiền lãi bình quân 5.000 đồng/kg gạo. Hợp đồng xuất gạo cho Malaysia doanh nghiệp lại càng “trúng đậm” hơn.

Mặc dù Nhà nước đã bỏ lỡ cơ hội thu tiền từ xuất khẩu gạo, nhưng với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tự nguyện trích ra phần tiền lãi để lập quỹ dự phòng, hoặc vào thời điểm khó khăn này nhanh chóng triển khai thu mua hết lúa hàng hóa với giá giữ cho nông dân có lãi 40% như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là đạo đức kinh doanh thời kinh tế thị trường  định hướng xã hội chủ nghĩa...