17:00 11/12/2018

Kê khai tài sản với khu vực ngoài Nhà nước là "không khả thi"

Nguyễn Lê

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dù qua quy trình ba kỳ họp nhưng vẫn để lại nhiều băn khoăn

Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tiến Anh trả lời báo chí tại cuộc họp báo
Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tiến Anh trả lời báo chí tại cuộc họp báo

Dù khu vực ngoài Nhà nước được đưa vào diện điều chỉnh của Luật Phòng chống tham những, nhưng lại không quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc khu vực tư, không quy định hoạt động thanh tra kiểm tra, vậy thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật có nhiều ý nghĩa?

Đó là một băn khoăn được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo công bố luật tại Văn phòng Chủ tịch nước, sáng 11/12.

Trong số các luật được thông qua tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội vừa qua, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dù qua quy trình ba kỳ họp nhưng vẫn để lại nhiều băn khoăn.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, luật gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ 1/7/2019, trong đó dành một chương quy định về phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

So với luật hiện hành, luật mới không quy định công khai, minh bạch trong các lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mục này cũng quy định về trách nhiệm giải trình, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng và tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng…

Luật mới tiếp tục quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc tặng quà và nhận quà với một số chỉnh lý so với luật hiện hành và bổ sung quy định về kiểm soát sung đột lợi ích tại điều 23.

Quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thay đổi căn bản so với luật hiện hành.

Theo đó, luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm viên chức giữ chức vụ, chức danh quản lý để từng bước quản lý chặt chẽ về dữ liệu về dữ liệu tài sản, thu nhập, qua đó theo dõi, xác minh phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.

Luật cũng bổ sung căn cứ xác minh theo phương kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

Luật sửa đổi cũng cũng dành một chương quy định về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là việc mở rộng phạm vi ra ngoài khu vực Nhà nước có phải để đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệp định thương mại tự do CPTPP? Theo quy định, dù khu vực ngoài Nhà nước được đưa vào diện điều chỉnh của luật nhưng lại không quy định việc kê khai tài sản, thu nhập của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc khu vực tư, không quy định hoạt động thanh tra kiểm tra thì việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật không nhiều ý nghĩa?

Báo giới cũng dẫn chứng, hiện tại, mỗi năm có 1,1-1,3 triệu người phải kê khai tài sản. Thực tế, năm 2017, các cơ quan chỉ xác minh thẩm tra 44 trường hợp cán bộ kê khai tài sản, thu nhập, phát hiện 6 người kê khai không trung thực. Luật mới có quy định nào để biện pháp kê khai tài sản, thu nhập không chỉ là hình thức?

Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tiến Anh trả lời, luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực Nhà nước bao gồm cả quy định về hành vi, lĩnh vực được điều chỉnh bởi quy định pháp luật hình sự, chứ không chỉ áp dụng quy định phòng ngừa đối với các đối tượng, nên vẫn đảm bảo yêu cầu chống tham nhũng, không phải chỉ để phục vụ việc tham gia CPTPP.

"Còn việc kê khai tài sản, nếu áp dụng với các đối tượng như người quản lý doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhiều trường hợp là người nước ngoài thì không đảm bảo tính khả thi. Vậy nên quy định về kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với người có chức vụ trong khu vực Nhà nước", ông Nguyễn Tiến Anh giải thích.

Về thay đổi trong diện đối tượng kê khai tài sản, Phó vụ trưởng cho biết, luật xác định tất cả những người là cán bộ công chức phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, khi bắt đầu bước vào hệ thống công vụ. Số lượng đối tượng đó rất lớn. Tuy nhiên, luật giới hạn lại yêu cầu kê khai hàng năm (để đo đếm sự biến động tài sản, thu nhập) theo hướng chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng như cán bộ tương đương giám đốc sở trở lên.

"Như thế thì số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm sẽ giảm đi rất lớn, theo thống kê hiện tại thì chỉ khoảng 4.000-5.000 người", ông Nguyễn Tiến Anh cho biết.

Vị này cũng nói thêm, luật đã quy định trách nhiệm cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập với yêu cầu xác minh chủ động hàng năm, dựa trên việc lựa chọn ngẫu nhiên trên tổng mẫu. Với việc mở rộng quy định về quyền xác minh chủ động này, kỳ vọng đặt ra là biện pháp phòng ngừa tham nhũng ngày sẽ thiết thực, hiệu quả hơn.