14:57 02/05/2007

“Kênh” mới nào sẽ dẫn vốn đầu tư?

Tuấn Hùng

Việt Nam cần phải có thêm những yếu tố mới để hấp dẫn dòng vốn nước ngoài trong những năm tới

Tỷ lệ lao động của Việt Nam qua đào tạo mới đạt 30% - Ảnh: Việt Tuấn.
Tỷ lệ lao động của Việt Nam qua đào tạo mới đạt 30% - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam cần phải có thêm những yếu tố mới để hấp dẫn dòng vốn nước ngoài trong những năm tới.

Đó là lời khuyên của một của chuyên gia dành cho Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua tại Tp.HCM. Vậy sự hấp dẫn mới của Việt Nam là yếu tố nào. Lời giải chính là từ nguồn lao động trẻ dồi dào của nước ta, song đó là phải là lao động có trình độ tay nghề cao, lành nghề.

Gần đây, Việt Nam đã chứng minh cho thấy tiềm năng to lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn này đã tăng nhanh chóng từ năm 2003, và trong năm 2006, Việt Nam đã thu hút được 10,2 tỷ USD từ FDI - mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Và việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm nay cũng chính là nhân tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục hút nguồn vốn này, mà kết quả 4 tháng đầu năm 2007 là một minh chứng.

Tuy nhiên, không thể chắc chắn được rằng nguồn vốn FDI ồ ạt vào Việt Nam sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu nữa để hỗ trợ cho Việt Nam phát triển các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra.

Thời gian qua cho thấy lợi thế mà Việt Nam hấp dẫn vốn FDI chính là nguồn lao động giá rẻ. Sự hấp dẫn này luôn được nhà đầu tư lựa chọn khi hạ mục tiêu chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tư. Vì thế cũng dễ hiểu một báo cáo của một tổ chức Nhật Bản công bố cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất Nhật coi Việt Nam là một trong những quốc gia đầy hứa hẹn trong tương lai gần xuất phát từ sự hấp dẫn là nhân công lao động giá rẻ.

Hay, theo thông tin báo chí nước ngoài vừa đưa tin, Satyam - công ty xuất khẩu dịch vụ nhu liệu lớn hàng thứ tư của Ấn Ðộ - sắp thành lập một trung tâm xây dựng phần mềm điện toán ở Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế chi phí lao động thấp. Ước tính, việc thành lập trung tâm này sẽ giúp Satyam giảm thiểu hơn 20% chi phí lao động.

Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ bởi trình độ lao động tay nghề còn thấp - tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 30%  - dù được đánh giá nắm bắt công nghệ nhanh và ham học hỏi. Điều này cũng dẫn tới lao động Việt Nam ở các vị trí quan trọng, như hành chính nhân sự, tài chính kế toán, trong doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giữ một tỷ lệ ít ỏi so với các nước trong khu vực, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư khó khăn trong vấn đề tuyển dụng lao động.

Song các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng mất các lợi thế này theo sự phát triển kinh tế của đất nước và thu nhập của nhân dân được nâng cao. Thêm vào đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã điều chỉnh mức lương trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng tăng lên để phù hợp với tình hình mới.

Việc mất lợi thế này sẽ tác động trực tiếp đến vốn FDI đổ vào Việt Nam, trong khi đó nguồn vốn này có một vai trò hết sức quan trọng đối với nước ta trong phát triển kinh tế, xã hội nhất là Việt Nam có kế hoạch cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Do vậy, chuyên gia của Nhật Bản cho rằng Việt Nam cần có lao động lành nghề, phẩm chất cao chứ không phải là lao động giá rẻ để phục vụ trong khu vực sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Shozo Sakata, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu các nền kinh tế đang phát triển thuộc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (Jetro), lý giải: “Lao động lành nghề có thể thu hút thêm nhiều vốn FDI bởi vì họ có thể mang lại giá trị lợi ích cao hơn để bù lại chi phí chi trả lao động”.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, lao động lành nghề không có nghĩa chỉ đơn giản là làm nhanh và chính xác trong công việc mà là đòi hỏi khả năng nhận nhiều chức năng khác như nghiên cứu và phát triển.

Nhận rõ điều này, Việt Nam đã có chủ trương chú trọng đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, một mặt để giảm thiểu cơn khát lao động có trình độ tay nghề cao cho nhà đầu tư hiện nay, mặt khác để nguồn nhân lực tiếp tục là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập.

Để thực hiện mục tiêu, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, từ năm học 2006-2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai kế hoạch xây dựng các ngành đào tạo và trường đại học đạt trình độ quốc tế. Cụ thể, có 9 trường đại học trong nước và 10 chương trình liên kết với 8 trường đại học có uy tín của Mỹ để đào tạo cử nhân trong một số lĩnh vực theo chương trình và công nghệ đào tạo của các trường đại học đối tác.

Cùng đó, để đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo cũng đã ký với một số doanh nghiệp, hiệp hội để đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu, trong một số lĩnh vực ưu tiên.

Tất nhiên, Việt Nam cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo như mở đại học tư thục, trường dạy nghề đào tạo tại Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này (tới nay có trường Đại học RMIT Việt Nam đã hoạt động có hiệu quả từ 5 năm nay tại Hà Nội và Tp.HCM) bên cạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo hàng năm từ ngân sách của Nhà nước.

Một đội ngũ nhân lực có đủ phẩm chất và năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hiện nay là điều kiện thiết yếu để Việt Nam tiếp tục là điểm đến các nhà đầu tư trong hoàn cảnh cạnh tranh vốn FDI ngày càng mạnh mẽ.