18:44 05/04/2009

Khai thác cát vàng trên sông Mê Kông: Lợi bất cập hại?

Nguyễn Huyền

Được coi là nghề hốt bạc, song việc khai thác cát vàng trên sông Mêkong đang hủy hoại nhiều diện tích đất trồng lúa

Mê Kông là con sông rộng nhất Đông Nam Á.
Mê Kông là con sông rộng nhất Đông Nam Á.
Không có nơi nào như khu vực xã biên giới Vĩnh Xương (An Giang) và Thường Phước (Đồng Tháp), chỉ trên địa bàn vài xã mà có đến 40 doanh nghiệp khai thác cát trú chân.

Nguyên do là bởi, cát vàng sông Mê Kông đang là một loại hàng hoá được xuất khẩu  rất đều đặn, doanh nghiệp khai thác cát  luôn trong tình trạng không có đủ hàng giao cho đối tác.

“Công trường” trên sông

Từ năm 2005, nghề khai thác cát vàng thiên nhiên trên sông Mê Kông đoạn thuộc tỉnh Candal và Preyveng (Campuchia) được nhiều người biết đến và đã mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ Campuchia, một khối lượng cát khổng lồ hàng ngày được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác ở những bãi cát ngầm dưới lòng sông Mê Kông tạm nhập vào Việt Nam để tái xuất sang nước thứ ba.

Theo thống kê của Campuchia, mỗi ngày có khoảng 50-60 ngàn tấn cát khai thác từ các bãi cát trên sông Mê Kông được xuất sang Singapore, thị trường hiện có nhu cầu cát rất lớn để thực hiện các công trình xây dựng và kế hoạch lấn biển. Do cát vàng Campuchia có chất lượng tốt trong xây dựng nên Australia, Nhật Bản cũng đang tìm mua.

Từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, sông Mê Kông đoạn gần biên giới Việt Nam - Campuchia như một công trường lớn, với hàng chục cần cẩu làm việc liên tục.

Một doanh nghiệp khai thác cát cho biết, 5 năm trước sông Mê Kông trên Campuchia bị cát bồi lắng, làm cho lòng sông từ độ sâu 20m chỉ còn lại khoảng 8m. Chính phủ Campuchia rất lo lắng nhưng lại không có kinh phí nạo vét, cuối cùng giải pháp khai thác cát được cho phép áp dụng.

Do vậy, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tới Campuchia xin khai thác các mỏ cát. Có nguồn cát trong tay và biết Singapore đang rất cần cát để xây dựng và lấn biển, doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp thị hàng hoá và ký hợp đồng bán cát cho Singapore với giá dao động từ 7,4-7,5 USD/m3 tuỳ theo kích cỡ hạt cát. Loại cát 2,4-2,5 ly là loại cát đạt yêu cầu và phải màu vàng.

Mỗi ngày một doanh nghiệp lớn có thể khai thác khoảng trên 10 xà lan cát, với tải trọng 1.200 tấn/xà lan. Sau khi vận chuyển cát từ Campuchia về Việt Nam, xà lan sẽ sang mạn tại các bãi cát cặp theo bờ sông Tiền, sau đó vận chuyển đến cảng Cát Lái hoặc Cần Thơ xuất đi Singapore.

Mỗi khối cát các doanh nghiệp Việt Nam phải trả cho chính quyền Campuchia  từ 1,5-2,5 USD, tuỳ theo loại cát tốt hay xấu và vị trí xa hay gần. Theo số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang, số lượng cát tạm nhập tái xuất vào Việt Nam từ đầu năm 2009 đến ngày 28/3/2009 là 1.160.260 m3, trị giá 6.290.977 USD.

Đất lúa đang bị hủy hoại

Hiện có đến 40 doanh nghiệp nhỏ, lớn đang hoạt động khai thác cát ở khu vực biên giới, họ đến từ Hà Nội, Cần Thơ và Tp.HCM, hầu như không có doanh nghiệp địa phương.

Muốn khai thác cát doanh nghiệp phải có trong tay vài chục tỷ đồng làm chi phí thuê xà lan và cần cẩu. Mỗi xà lan có tải trọng 1.000 m3, giá thuê là 150-160 triệu đồng/tháng, một cần cẩu vào Campuchia khai thác phải đóng phí từ 22-25 ngàn USD/năm, ngoài ra còn chi phí xăng dầu và mọi thứ phát sinh khác.

Một chủ cần cẩu cho biết, việc khai thác tại các mỏ cát ở Campuchia được các chủ mỏ quản lý rất chặt. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tranh thủ tối đa thời gian, phương tiện để đảm bảo năng suất, do họ không biết lúc nào phía Campuchia cho ngừng khai thác.

Không có trường hợp cạnh tranh lấy cát, phần ai người đó lấy, nhưng hầu như lúc nào công nhân vận hành máy cần cẩu, xà lan cũng tất bật. Xà lan chở cát phải khai thác hết công suất cho các chuyến đi về.

Một máy trưởng đến từ Vĩnh Long cho biết, trung bình mỗi xà lan tải trọng 1.000 tấn, nếu đảm bảo được kế hoạch sẽ đi được 10-12 chuyến/tháng. Mỗi doanh nghiệp thường có khoảng 2-3 chiếc cẩu cạp cát dưới sông, cứ thế mà rê cần cẩu đi trong vùng được phép khai thác cát trên sông.

Hiện nay, các mảnh đất màu mỡ do phù sa bồi đắp, cặp hai bên dòng sông Tiền đoạn thuộc xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hoà và một phần xã Tân An huyện Tân Châu, bên kia sông là xã Thường Phước huyện Hồng Ngự, đã được bà con nông dân trồng hoa màu rất tốt, đang được các doanh nghiệp khai thác cát săn tìm với giá thuê cao chót vót.

Muốn khai thác cát trước hết doanh nghiệp phải thuê cho được một mảnh đất ven sông để làm nơi tập kết cát, hầu hết lượng cát khai thác từ Campuchia về Việt Nam đều được cần cẩu bốc đưa lên bãi tập kết, sau đó đến ngày xuất hàng lại cho cẩu bốc cát xuống xà lan đi ra cảng.

Trước đây khi nghề khai thác cát mới bắt đầu, giá thuê đất cặp sông Tiền ở xã Vĩnh Hoà, cách xa cửa khẩu Vĩnh Xương làm bãi có giá 80 triệu/ha/năm, năm 2008 tăng lên 100 triệu và hiện nay là 120 triệu/ha/năm. Riêng ở xã Vĩnh Xương giá thuê đất đã là 190 triệu đồng/ha/năm mà nông dân vẫn chưa đồng ý, và tiền thuê đất doanh nghiệp phải đặt cọc trước 2 năm.

Thường một bãi cát có diện tích khoảng 2 ha, mỗi doanh nghiệp thuê ít nhất là 2 bãi. Với giá thuê đất “trên trời” như hiện nay thì không có loại cây trồng nào có thể cạnh tranh được, do vậy đây là cơ hội hốt bạc đối với các ông chủ đất cặp sông Tiền. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng thuê đất, các doanh nghiệp rút đi trả lại đất nhưng nông dân không thể nào trồng trọt được, do mảnh đất màu mỡ ngày nào giờ chỉ còn lại lớp cát phủ dày.