Khi công ty chứng khoán đem tiền gửi tiết kiệm
Thị trường đang xôn xao việc KLS báo cáo lỗ cả năm 2010 nhưng có “cục” tiền tới gần 1.800 tỷ đồng
Thị trường đang xôn xao việc Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) báo cáo lỗ cả năm 2010 nhưng có “cục” tiền tới gần 1.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 4 vừa công bố hôm qua, KLS lãi quý 4/2010 khoảng 29,4 tỷ đồng (chưa kiểm toán). Tính chung cả năm 2010, KLS lỗ 172,82 tỷ đồng.
Việc KLS lỗ bây giờ không còn gì bất ngờ. Tin đồn về KLS làm ăn tốt trong sóng tháng 11-12 vừa qua cũng đã được kiểm chứng. Điều thị trường quan tâm là khoản tiền mặt được ghi nhận trong báo cáo cuối kỳ 2010 với tổng lượng tiền và tương đương tiền 1.768,95 tỷ đồng.
Trước hết, cơ cấu tiền của KLS trong tổng số 1.768,95 tỷ đồng đó, bao gồm tiền trong két và tiền gửi ngân hàng có thể sử dụng ngay khoảng 9,93 tỷ đồng. Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán là 101,55 tỷ đồng. Tiền gửi thanh toán bù trừ và giao dịch chứng khoán là 12,72 tỷ đồng. Còn lại khoản lớn nhất 1.644,75 tỷ đồng là tiền KLS gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Rõ ràng lượng tiền mặt gửi tiết kiệm lớn như vậy là rất đáng quan tâm. Nói chung trong đầu tư tài chính, gửi tiết kiệm cũng được coi là một chiến lược. Khi thị trường khó khăn, việc bảo toàn đồng vốn là điều cần được đặt lên hàng đầu. Ngay với nhà đầu tư cá nhân, cũng không ít người chấp nhận gửi tiết kiệm lãi suất tốt thời điểm này để chờ thị trường có xu hướng rõ ràng hơn. Gửi tiết kiệm kỳ hạn vừa an toàn, gần như không có rủi ro, vừa tránh mất giá cho đồng vốn trước lạm phát.
Tuy nhiên, câu chuyện “cục” tiền mặt lớn với KLS lại có điểm khác biệt. Không giống như các doanh nghiệp khác, KLS là một tổ chức đầu tư tài chính, do đó việc sử dụng hiệu quả đồng vốn cũng quan trọng như việc có bao nhiêu tiền. Nhà đầu tư nhìn xu hướng cổ phiếu KLS trên thị trường cũng đánh giá khác nhau về khoản tiền mặt mà doanh nghiệp này đang có.
Những người tích cực cho rằng khoản tiền mặt đó là lợi thế cho chiến lược đầu tư thời gian tới. Rõ ràng khi thị trường sụt giảm, người có nhiều tiền là có lợi thế. Khoản tiền mặt cũng có thể đảm bảo giá trị cổ phiếu ở một mức nhất định theo giá trị thực sự của doanh nghiệp.
Người cẩn trọng lại nhìn vào việc sử dụng đồng vốn. Nhiều tiền không có nghĩa là có thể thắng lớn khi thị trường có sóng. Tiền chỉ là điều kiện cần, còn lại quan trọng hơn là chất lượng của hoạt động đầu tư, mà với công ty chứng khoán là chất lượng tự doanh.
Năm 2010 KLS có phát hành thêm tăng vốn và thu được thặng dư lớn. Điều đó nghĩa là một phần không nhỏ trong lượng tiền mặt hiện tại thực chất là tiền cổ đông góp vào. So với cuối năm 2009, lượng tiền mặt gửi tiết kiệm kỳ hạn của KLS tăng lên rất mạnh (thời điểm 31/12/2009 chỉ có 999,9 tỷ đồng). Như vậy KLS trong năm 2010 đã thu hẹp đáng kể hoạt động tư doanh, bán bớt danh mục và quý 4 vừa qua có lãi nhờ hoạt động chốt lãi/cắt lỗ và được hoàn nhập dự phòng.
Dù sao, khoản vốn lớn hiện tại của KLS vẫn rất đáng quan tâm. Đó có thể là căn cứ khiến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro hơn khi đánh cược vào khả năng sử dụng vốn của KLS trong tương lai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là yếu tố ban đầu, quan trọng hơn là biến tiềm năng thành thực tế. Để tiềm năng thành hiện thực, ít nhất cần hai yếu tố: Thứ nhất là thị trường phải có sóng tăng; và thứ hai, hoạt động đầu tư của KLS hiệu quả.
Cả hai yếu tố đó thời điểm này vẫn chưa rõ ràng. KLS luôn có “truyền thống” nhiều tiền mặt và đó cũng là cớ để cổ phiếu này luôn có sóng mạnh trong các đợt tăng của thị trường.
Trường hợp của KLS cũng không khác mấy một doanh nghiệp niêm yết kỳ cựu tại HOSE. Trong năm 2009 giá cổ phiếu giảm rất mạnh. Doanh nghiệp này cũng có thặng dư khổng lồ, tiền mặt cả đống. Thậm chí chủ tịch hội đồng quản trị công ty này phải lên báo than thở, không hiểu nhà đầu tư nghĩ gì khi giá trị thị trường của doanh nghiệp chỉ tương đương lượng tiền mặt của công ty.
Điều đó dĩ nhiên đúng, nhưng chỉ thực sự có ý nghĩa khi doanh nghiệp bị “xẻ thịt”. Tổ chức “kền kền” mua toàn bộ doanh nghiệp, đem phát mãi sạch và được lời toàn bộ tài sản còn lại. Điểm không thực tế là doanh nghiệp đó lớn, khó thâu tóm. Cổ đông chẳng thể làm gì với đống tiền mặt đó, ngoài việc nhìn vào mức lãi suất còm cõi hàng tháng.
Như vậy doanh nghiệp nhiều tiền mặt mà không biết cách sinh lời tối đa cho cổ đông thì cũng chẳng mấy ý nghĩa. Khoản tiền đó từ đâu nếu không phải từ thặng dư mà chính cổ đông đóng góp vào khi mua cổ phiếu phát hành thêm?
Như vậy doanh nghiệp nhiều tiền mặt mà không biết cách sinh lời tối đa cho cổ đông thì cũng chẳng mấy ý nghĩa. Khoản tiền đó từ đâu nếu không phải từ thặng dư mà chính cổ đông đóng góp vào khi mua cổ phiếu phát hành thêm?