09:05 26/04/2011

Khi doanh nghiệp niêm yết “dỗi”!

Khánh Hà

Ngược với một thời doanh nghiệp đua nhau lên sàn thời kỳ thị trường bùng phát, nay đã có doanh nghiệp đòi xuống sàn

Thị giá cổ phiếu trên sàn không phải lúc nào cũng tương đương với giá trị doanh nghiệp - Ảnh: Mạnh Thắng.
Thị giá cổ phiếu trên sàn không phải lúc nào cũng tương đương với giá trị doanh nghiệp - Ảnh: Mạnh Thắng.
Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) vừa thông qua quyết định hủy niêm yết trên HSX. Lý do được đại diện doanh nghiệp đưa ra là cả công ty lẫn cổ đông không còn thấy tính tích cực ở thị trường chứng khoán.

Trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SGT nói vừa qua có nhiều đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu không thành công và thị trường chứng khoán đã mất đi yếu tố quan trọng nhất với tư cách là kênh dẫn vốn. Một lý do nữa là giá SGT đã xuống quá thấp, thậm chí giá thị trường còn thấp hơn cả một miếng đất “cỏn con” của doanh nghiệp này.

Đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp niêm yết “bức xúc” vì sự vô lý của thị trường. Trong các giai đoạn thị trường giá xuống từng xảy ra, cũng có nhiều lần đại diện doanh nghiệp tỏ ý không hiểu nổi sự vô lý của thị trường khi giới đầu tư định giá doanh nghiệp của mình thấp đến như vậy.

SAM trong năm 2009 rơi xuống giá khoảng 11.000 đồng-12.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá trị thị trường quy đổi cũng chỉ tương đương lượng tiền mặt mà doanh nghiệp đang sở hữu. Không đâu xa, ngay KLS vừa qua cũng bị thị trường định giá chỉ tương đương lượng tiền đang gửi kỳ hạn tại ngân hàng.

Một vài doanh nghiệp sản xuất khác, chẳng hạn một công ty trong lĩnh vực xuất bản, hiện giá đang dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, giá trị thị trường khoảng 67 tỷ đồng trong khi riêng lượng tiền và tương đương tiền đến cuối 2010 (chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn) cũng là 98,4 tỷ đồng.

Sự vô lý thì rất nhiều, nhưng điều đó cũng phản ánh một thực tế mà doanh nghiệp phải chấp nhận: giá cổ phiếu chỉ mang tính tương đối! Thị trường định giá một cổ phiếu theo những quan điểm riêng của nó, chứ không phụ thuộc vào mong muốn của cá nhân, lại càng “lờ” đi những gì được cho là phải hợp lý.

Một trong những đại gia trong lĩnh vực ngân hàng từng khẳng định giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình phải tầm nhiều “chấm”. Nhưng thị trường đã trả lời rất thiết thực bằng thực tế giá trong gần hai năm niêm yết hầu như chẳng lúc nào bằng một nửa mong muốn đó.

Đặc biệt với thị trường chứng khoán chưa hoàn hảo như Việt Nam, tính đầu cơ rất cao. Điều mà đa số giới đầu tư mong muốn nhận được là thặng dư từ việc tăng giá cổ phiếu, hơn là lợi nhuận ổn định thu được từ hoạt động đầu tư dài hạn hàng năm.

Một thực tế là rất khó tìm được những nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng nắm giữ một cổ phiếu từ 3-5 năm để hưởng lợi nhuận từ dòng tiền mặt trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay cả việc nắm giữ dài hạn tương đối như vậy, những gì mà nhà đầu tư nhận được cũng không đáng là bao nhiêu khi mức cổ tức tính theo mệnh giá cũng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn lãi suất ngân hàng. Một vài lần chia thưởng cổ phiếu hoặc phát hành thêm thì lượng cổ phiếu tăng lên nhưng thị giá lại giảm đi. Đối với nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp tốt đến đâu thì yếu tố cũng rất quan trọng là tính thanh khoản. Tức là khả năng thoái vốn phải dễ dàng.

Trở lại với trường hợp của SGT, thị giá cổ phiếu này đến ngày 25/4 là 7.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản  bình quân 50 phiên gần nhất khoảng 6.000 cổ phiếu mỗi ngày. Với lượng lưu hành tới 74 triệu cổ phiếu thì mức thanh khoản này là thấp khó tưởng tượng.

Có hai khả năng xảy ra, một là cổ đông quá cô đặc, phần lớn nằm trong tay những người không muốn giao dịch; hai là bị dòng vốn đầu cơ bỏ rơi và nhà đầu tư không quan tâm đến. Như vậy mức định giá đó không hẳn là không hợp lý.

Mặt khác, các chỉ số tài chính cơ bản cũng hấp dẫn hay chưa thì thị trường đã trả lời. Một vài số liệu cơ bản với SGT cũng không hẳn là đẹp, từ P/E đến ROE. Vốn lớn mà lợi nhuận thấp thì cần xem lại hiệu quả sử dụng vốn. Ngay cả những doanh nghiệp có lợi nhuận cao mà không trả cổ tức bằng tiền mặt, đòi hút vốn từ cổ đông trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường suy sụp như hiện tại thì khả năng bị xa lánh là cao. Nói theo kiểu bình dân là “bán giấy lấy tiền”. Cái mà nhà đầu tư nhận được là lượng cổ phiếu lớn lên, nhưng tiền mặt thực tế có thể thu về còn phụ thuộc vào những gì doanh nghiệp trả lại và giá thị trường. Dòng tiền đầu cơ lại không chờ đợi điều đó.

Việc doanh nghiệp “chán” niêm yết vì thị trường không còn là kênh huy động vốn cũng có lý. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào thời điểm. Hiện tại ngay từ chính sách vĩ mô cũng đã xác định không ưu tiên vốn cho thị trường chứng khoán và bất động sản. Lượng vốn từ bản thân thị trường lại phụ thuộc vào tỉ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác, mà trước mắt là tiết kiệm. Rất nhiều doanh nghiệp phá sản kế hoạch tăng vốn vì giá cổ phiếu xuống quá thấp hoặc không thể bán hết khối lượng dự kiến.

Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố đó để “đổ lỗi” cho thị trường chứng khoán mất đi chức năng dẫn vốn và “chán” niêm yết thì không hợp lý. Hàng chục doanh nghiệp quy mô ngàn tỷ hiện tại trên sàn, nếu không nhờ nhiều đợt bùng phát của thị trường giá lên những năm qua thì lấy lượng vốn đó từ đâu? Nếu doanh nghiệp thực sự “tài” thì có thể phát hành riêng lẻ, gọi vốn từ các tổ chức dài hạn. Mức định giá của họ sẽ là căn cứ để phản bác lại sự vô lý của thị trường.

Các tốt nhất để nâng đỡ giá cổ phiếu là doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch. Những lý do để tăng vốn cần thuyết phục bằng những dự án thực sự có lợi nhuận cao. Cũng có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị định giá quá thấp vì thị trường bỏ quên. Từ đó mới sinh ra trường phái đầu tư giá trị, đãi cát tìm vàng. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần giúp nhà đầu tư “phát lộ” những giá trị của mình, thay vì chỉ băn khoăn chuyện vô lý của thị trường.