11:08 18/10/2010

Khi giá cổ phiếu rơi tự do: Đứt tay vì bắt “dao”

Nguyễn Hoàng

Rất nhiều cổ phiếu từng tăng giá chóng mặt nay đang trong trạng thái rơi tự do. Tuy nhiên, bắt "dao rơi" cũng có thể "chảy máu"

Bắt “dao rơi” không phải là chiến thuật tồi nếu nhà đầu tư không bị “chảy máu”. Điểm bắt dao rơi thường là các ngưỡng hỗ trợ trên phương diện kỹ thuật.
Bắt “dao rơi” không phải là chiến thuật tồi nếu nhà đầu tư không bị “chảy máu”. Điểm bắt dao rơi thường là các ngưỡng hỗ trợ trên phương diện kỹ thuật.
Những di chứng nặng nề của các cổ phiếu tăng giá chóng mặt đột ngột chuyển sang rớt sàn không phanh vẫn diễn ra hàng ngày trên thị trường. Bên cạnh phong trào đua trần với cổ phiếu tăng nóng, chiến thuật bắt “dao rơi” cũng được không ít nhà đầu tư ưa rủi ro lựa chọn.

“Dao rơi” là tiếng lóng mà giới đầu tư (kể cả trên thế giới) gọi những cổ phiếu sau một quá trình tăng “bốc hỏa” bắt đầu chuyển sang “chế độ” rớt sàn tự động mỗi ngày. Thanh khoản cực thấp, bán giá sàn chất đống là những đặc điểm dễ nhận thấy của các “con dao” này.

Khi cổ phiếu tăng càng nóng thì nguy cơ biến thành “dao rơi” càng lớn, bất kể doanh nghiệp làm ăn tốt thực sự hay cổ phiếu bị kéo lên một cách cố ý. Nguyên nhân chính vì tính đầu cơ trên thị trường quá cao. Dù doanh nghiệp tốt được số đông chú ý và tăng giá bình thường, đến lúc nào đó sẽ trở thành bất thường và tăng quá mức chấp nhận được của phân tích cơ bản.

Mặt khác, không một cổ phiếu nào có thể tăng giá, dù là tốt hay xấu, nếu thiếu vắng dòng tiền lớn tham gia mua. Dòng tiền lớn đóng vai trò “lái tầu”, là “nhiên liệu”, và đó thường là những đồng tiền thông minh. Họ thông minh vì nhìn ra những cổ phiếu tốt bị lãng quên và có triển vọng tăng nếu được hỗ trợ bởi thông tin, đồng thời họ thường thoát ra ở những mức giá an toàn, hay tiếng lóng trong giới là “vừa miếng” thì rút.

Khi dòng tiền thông minh đã rút ra thì cũng như con tàu bị bỏ lái, tắt máy. Giá cổ phiếu vẫn có thể tăng tiếp khi những tay chơi lớn thoát đi vì một chiếc xe dù tắt máy vẫn có thể đi tiếp nhờ quán tính.

Động lực nào tạo nên quán tính tăng giá tiếp? Đó là lực mua của những người chậm chân, của những người lỡ bán sớm. Tuy nhiên quán tính không bao giờ có thể đẩy con tàu đi xa, vì về cơ bản, đó là một con tàu đã cạn nhiên liệu.

AGC là một trong những ví dụ tốt về một cổ phiếu có sự hỗ trợ về mặt cơ bản trong quý 2 vừa qua. Trong tháng 7, AGC tăng khoảng 136,7% sau khi tích lũy gần 2 tháng quanh giá 14.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh quý 1/2010 của AGC không có gì ấn tượng với mức lãi sau thuế 0,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ hơn về cơ cấu tài chính, AGC có một lượng hàng tồn kho khổng lồ trị giá tới 318,4 tỷ đồng sau khi đã trừ đi các trích lập dự phòng. Đây là khoản tiền lớn nếu so với mức vốn góp 83 tỷ đồng. Nếu giá hàng hóa (cà phê) của AGC tăng thì công ty có thể hoàn nhập dự phòng, thậm chí dôi tiền. Nếu AGC bán được lượng hàng lớn trong quý 2 thì lợi nhuận sẽ không nhỏ.

Mọi vấn đề chỉ là “nếu”, nhưng dòng tiền thông minh sẵn sàng đặt cược cho một khả năng rất có thể xảy ra. Thực tế quý 2 của AGC chứng minh giả thiết “nếu” đó đã xảy ra, công ty lãi tới 19,4 tỷ đồng nhờ thanh lý phần lớn số hàng tồn kho.

AGC tăng trên 136% có phải là nóng? Lúc cổ phiếu này đang đà đi lên thì không ai có thể trả lời được độ nóng bao nhiêu là đủ. Chỉ biết rằng AGC bắt đầu có hiện tượng ra hàng sau khi đạt mức tăng 100%, khoảng giá 25.700 đồng/cổ phiếu sau nhiều phiên kịch trần liên tục vì bị chặn mua. Nhìn lại quá khứ thì rõ ràng AGC bắt đầu bị phân phối mạnh từ 25.000 đồng đến khoảng trên 30.000 đồng. Quãng giá này là quán tính tăng của AGC nhưng lực mua không thực sự mạnh, thậm chí xen kẽ một số phiên giảm.

AGC nhờ yếu tố cơ bản nên được bắt “dao rơi” sau khi đã trả lại gần 41% mức giá đã tăng trước đó, về khoảng 17.900 đồng/cổ phiếu, vẫn ở một mặt bằng giá cao hơn điểm xuất phát. Còn với khá nhiều số cổ phiếu khác, điểm đảo chiều kỹ thuật lại là một cái bẫy để khóa thêm một khối lượng lớn nhà đầu tư tham lam khác.

AAA là ví dụ cho trường hợp này. Sau khi “của thiên trả địa” hết, cổ phiếu nay rơi về giá 52.000 đồng – 54.000 đồng, tương đương điểm xuất phát ban đầu và hiện tượng bắt đáy diễn ra. Tuy nhiên khối lượng kẹp lại quanh đỉnh 90.000 đồng quá lớn và lực bắt đáy không đủ để cản đà rơi. Không ít nhà đầu tư liều mạng đã “chảy máu” khi bắt “con dao” này và giá hiện khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu.

LTC thậm chí còn “hoàn hảo” hơn: cổ phiếu này tăng 88% trong 17 phiên đầu tháng 9 và rơi sàn liên tục 8 phiên, trả lại khoảng 37% giá tính từ đỉnh. Về ngang điểm xuất phát 60.000 đồng/cổ phiếu LTC được bắt “dao” và trụ được 3 phiên. Hành trình lao dốc lại tiếp tục với 7 phiên sàn nữa và giá còn 35.700 đồng với dư bán sàn gần 200.000 đơn vị mỗi ngày. LTC đã làm “đứt tay” nhiều người với khoảng 522.000 cổ phiếu.

Trong khi đó, con tàu đang xuống đèo mang tên HTV đã chạy 12 phiên sàn liên tục mà vẫn chưa xuất hiện “anh hùng” nào dám dũng cảm ra bắt dao rơi. Có lẽ vì đà rơi của “con dao” này khủng khiếp quá. Hôm nay HTV vẫn còn bị nện sàn khoảng 350.000 cổ phiếu, dù đã ít hơn nhiều so với khối lượng vài triệu trước đó, nhưng quán tính rơi mạnh đến mức xuyên “ngọt” qua các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật khiến nhiều người sợ. HTV còn hai mức hỗ trợ nữa tại ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu và chân “núi” ở mức 16.000 đồng - 17.000 đồng/cổ phiếu.

Bắt “dao rơi” không phải là chiến thuật tồi nếu nhà đầu tư không bị “chảy máu”. Điểm bắt dao rơi thường là các ngưỡng hỗ trợ trên phương diện kỹ thuật. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp giá không tạo nên nổi một cú nảy kỹ thuật dài hơn T+4 vì hai yếu tố: lực cung quá mạnh do mức hỗ trợ chưa đủ cứng và; xu hướng thị trường chung không đủ mạnh để thu hút lực mua.

Ngoài ra, bắt “dao rơi” không bao giờ có thể hãm đà rơi chỉ trong một phiên, nếu “con dao” rơi xuống từ “đỉnh núi”. Do đó nhà đầu tư không nên lo bị mất cơ hội. Tín hiệu an toàn thường thể hiện ở khối lượng: lượng mua đủ lớn để tạo một đáy khá vững cho cổ phiếu, chấm dứt chuỗi ngày giảm không phanh và xác lập một mặt bằng an toàn.