06:48 05/02/2013

Khi giá cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết vẫn tăng “khủng”

Hải Bằng

Đối diện với “án” bị hủy niêm yết nhưng nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá phi mã trong hai tháng qua

Cuối năm 2012, khi có nhiều thông tin dự báo kinh tế có dấu hiệu thoát đáy, nhà đầu tư nhận thấy rằng doanh nghiệp không chết như kỳ vọng, hoặc có thể chưa chết, nên định giá doanh nghiệp tăng lên khiến giá cổ phiếu tăng “khủng”. <br>
Cuối năm 2012, khi có nhiều thông tin dự báo kinh tế có dấu hiệu thoát đáy, nhà đầu tư nhận thấy rằng doanh nghiệp không chết như kỳ vọng, hoặc có thể chưa chết, nên định giá doanh nghiệp tăng lên khiến giá cổ phiếu tăng “khủng”. <br>
Trong tháng 1/2013, nhiều cổ phiếu có nguy cơ bị “đuổi” khỏi sàn và cổ phiếu có thị giá thấp nhất thị trường nhưng giá vẫn tăng ngoạn mục, gấp 5-10 lần tốc độ tăng chỉ số giá hai sàn, tạo siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư, vậy đâu là nguyên nhân?

Đối diện với “án” bị hủy niêm yết nhưng nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá phi mã trong hai tháng qua. Điển hình là cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng điện Mêca Vneco (mã VES-HOSE). Theo báo cáo tài chính quý IV, mức lỗ lũy kế cả năm 2012 là 15,4 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty đã lỗ 3 năm liên tục, nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 vẫn có kết quả kinh doanh là số âm thì HOSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc. Đầu năm 2012, giá VES chỉ có 800 đồng và giữ mức giá này cả tháng trời với thanh khoản rất thấp, chỉ có hơn 4.000 cổ phiếu/tháng.

Nhưng chỉ trong vòng nửa tháng 1, giá VES tăng liên tục, vọt lên tới 1.300 đồng, tăng 62,5% với thanh khoản lên tới hơn 50.000 cổ phiếu (12 phiên) rồi lại đột ngột lao dốc trong nửa cuối tháng 1, phiên 30/1 trở về mức giá “bèo” là 800 đồng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc “té nước theo mưa” để làm giá cổ phiếu VES khá dễ dàng do số lượng cổ phiếu VES được phép giao dịch rất thấp (vốn điều lệ hơn 90 tỷ đồng, Nhà nước sở hữu tới 70%). Nhân cơ hội thị trường có đợt sóng tăng giá nửa đầu tháng 1, các cổ đông cá nhân lớn đã “thổi” giá lên rồi bán ra vào nửa cuối tháng thu siêu lợi nhuận.    

Tương tự, giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Hàng Hải Đông Đô (mã DDM-HOSE) cũng tăng gấp đôi, từ 900 đồng (ngày 2/1) lên 1.800 đồng vào ngày 16/1, mặc dù công ty này công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý III năm 2012 (chưa có báo cáo tài chính quý IV) với mức lỗ ròng 26,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3,5 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/9/2012 là 95,8 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp là 122,4 tỷ đồng.

HOSE cũng đã cảnh báo sẽ hủy niêm yết cổ phiếu DDM nếu kết quả kinh doanh quý IV vẫn lỗ tiếp trên 26 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa (mã THV-HNX) cũng tăng tới 60% từ 1.000 đồng (phiên 2/1) lên 1.600 đồng (phiên 17/1) mặc dù THV công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lỗ ròng 275 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và lỗ lũy kế tính đến 30/09 gần 524 tỷ đồng. Nếu quý IV/2012 tiếp tục lỗ hơn 70 tỷ đồng, cổ phiếu THV sẽ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ.

Năm 2012, Công ty Cổ phần Hàng Hải Sài Gòn (mã SHC-HNX) lãi ròng gần 3 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ lũy kế 59,6 tỷ đồng vượt vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng và đối diện với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc nhưng giá vẫn tăng 12% trong tháng 1/2013, từ 2.500 đồng lên 2.900 đồng/cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Container Phía Nam (mã VSG-HOSE) 3 năm liên tiếp lỗ hơn 140 tỷ đồng, "nuốt" hết số vốn điều lệ 110,44 tỷ đồng và khiến vốn chủ sở hữu chuyển thành số âm hơn 17 tỷ đồng, nhưng giá tăng tới 62,5% từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 1, từ 800 đồng lên 1.300 đồng.

Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà (mã SCC-HNX) lỗ 2 năm liên tiếp, đã bị đưa vào diện cảnh báo và đến tận 30/1 vẫn chưa có báo cáo tài chính quý III/2012. Đặc biệt, liên tục 62 phiên không có khối lượng khớp lệnh do không có người mua, phiên 30/1, đột ngột có 100 cổ phiếu được khớp lệnh, đẩy giá tăng 200 đồng, lên 3.800 đồng.

Nhiều cổ phiếu có thị giá thấp nhất thị trường (chỉ vài ngàn đồng mỗi cổ phiếu) cũng tăng giá rất ngoạn mục trong hai tháng qua, vượt xa mức tăng của VN-Index và HNX-Index và gấp 8-12 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm cả năm.

Điển hình là mã TKU của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang tăng “khủng” tới 210%, từ 4.200 đồng (phiên 3/12/2012) lên tới 13.000 đồng trong phiên 30/1/2013. Đáng chú nhất là cổ phiếu SBS, năm 2012 vẫn lỗ 127,58 tỷ đồng (năm 2011lỗ 788,5 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm 245,13 tỷ đồng, nợ phải trả (1.395 tỷ) vượt cả tổng tài sản (1.150 tỷ đồng) nhưng giá vẫn tăng tới 170% trong hai tháng qua, từ 900 đồng, lên 2.500 đồng trong phiên 30/1.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (mã SHN-HNX) cũng tăng 80% chỉ trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 1/2013 (phiên 29/1 ở mức 1.900 đồng) dù năm 2011 lỗ 146 tỷ và tiếp tục lỗ nặng trong năm 2012 (127 tỷ) khiến mức lỗ lũy kế của SHN đã lên tới 252,32 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 94,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 324,53 tỷ đồng.

Theo chuyên viên phân tích của các công ty chứng khoán, nguyên nhân lớn nhất là “té nước theo mưa”. Mặc dù việc nới room cho khối ngoại chỉ mới nằm trên đề án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng thị trường đã đồn thổi quá mức, cộng với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh và mua ròng tăng vọt trong tháng 12/2012 và tháng 1/2013 (tại HOSE, tháng 12, giao dịch của khối ngoại tăng 38% so tháng 11, họ mua ròng 1.500 tỷ đồng, sang tháng 1/2013, khối lượng tăng tới 96% so tháng 12/2012, lên tới 293,45 triệu đơn vị, trị giá 8.260 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng gấp 6 lần tháng trước, lên tới 121,74 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 2.533 tỷ đồng), đã tạo ra hiệu ứng rất mạnh khiến giao dịch bùng nổ trong nửa tháng cuối năm và tháng 1/2013.

Đây là cơ hội lớn cho cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết và cổ phiếu giá “bèo” ăn theo thị trường, đầu cơ làm giá, thao túng thị trường. Những cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp, cơ cấu cổ đông rất thuận lợi cho việc làm giá, do đó giá cổ phiếu dễ dàng được “thổi lên” gấp 3-5 lần mức tăng của VN-Index và HNX-Index.  

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như các mã chứng khoán có thị giá quá thấp do nhà đầu tư đã xác định giá trị sổ sách ở mức cho rằng doanh nghiệp sẽ phá sản hoặc chẳng còn gì.

Cuối năm 2012, khi có nhiều thông tin dự báo kinh tế có dấu hiệu thoát đáy, nhà đầu tư nhận thấy rằng doanh nghiệp không chết như kỳ vọng, hoặc có thể chưa chết, nên định giá doanh nghiệp tăng lên khiến giá cổ phiếu tăng “khủng”.

Không loại trừ nguyên nhân cổ đông nội bộ biết trước được thông tin mật như kết quả sản xuất kinh doanh quý IV không bết bát, thoát lỗ sẽ thoát khỏi bị hủy niêm yết, đã thu xếp, gia hạn nợ với các ngân hàng, bán cổ phiếu cho nước ngoài... nên đã mua vào đầu cơ, đẩy giá cổ phiếu tăng phi mã.