Khi nào được tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia?
Nội dung cuộc trao đổi với ông Đỗ Thắng Hải, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, về những điều chỉnh mới nhất trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia
Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 250/2006 ngày 31/10/2006 sửa đổi Đề án xây dựng vào phát triển thương hiệu Quốc gia đến năm 2010. Vậy chức năng của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia có gì thay đổi, thưa ông?
Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển làm Chủ tịch, và 3 phó chủ tịch gồm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Ngoài ra, các thành viên của Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành, một số hiệp hội, trường đại học lớn.
Theo Quyết định mới này, Chương trình Thương hiệu Quốc gia có một số điều chỉnh cơ bản như đổi tên tiếng Anh của chương trình từ “Vietnam Value Inside” thành “Vietnam Value”, đổi tên gọi của “Hội đồng tư vấn Quốc gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia” tại Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21/10/2005 được sửa lại là “Hội đồng Thương hiệu Quốc gia”.
Quyết định mới cũng bổ sung nhiệm vụ thực hiện tư vấn cho Chính phủ về xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam.
Xin ông cho biết nhiệm vụ của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia trong thời điểm này?
Hội đồng Thương hiệu Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 250/2006/QĐ-TTg ngày 31/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:
Thứ nhất, thông qua hệ thống các tiêu chí và quy trình để bình chọn sản phẩm được mang biểu trưng của thương hiệu quốc gia và hệ thống các tiêu chí, quy trình bình chọn Giải thưởng xuất khẩu hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiến hành bình chọn thương hiệu sản phẩm được mang biểu trưng của thương hiệu quốc gia và doanh nghiệp đạt giải thưởng xuất khẩu hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, thực hiện tư vấn cho Chính phủ về xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu và hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Xin ông cho biết những tiêu chí chính lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia?
Hệ thống tiêu chí lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình có kết cấu chặt chẽ, logic. Hệ thống này được chia làm 2 phần chính.
Phần 1 là hệ thống các tiêu chí sàng lọc thông thường, nhằm sàng lọc các thương hiệu sản phẩm được đề cử và đăng ký tham gia chương trình.
Phần 2 là hệ thống các tiêu chí thể hiện giá trị và bản sắc mà chương trình thương hiệu quốc gia hướng đến, bao gồm các nhóm tiêu chí liên quan đến 3 nhóm giá trị: thứ nhất là chất lượng, thứ hai là năng lực lãnh đạo (bao gồm năng lực của chủ doanh nghiệp, tính chất dẫn dắt của thương hiệu sản phẩm đó với các thương hiệu khác hoạt động trong cùng lĩnh vực ngành nghề) và cuối cùng là năng lực đổi mới.
Hiện nay có nhiều chương trình thương hiệu đang được tổ chức, vậy Chương trình Thương hiệu Quốc gia có điểm gì khác so với các chương trình đó?
Các doanh nghiệp khi có thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ) được chọn để gắn biểu trưng của Chương trình Thương hiệu Quốc gia mới chỉ là bước khởi đầu. Nhà nước sẽ cùng với doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, thông qua đó để quảng bá thương hiệu, hình ảnh của quốc gia Việt Nam.
Nhà nước không làm thay doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nhưng sẽ hỗ trợ thông qua các chương trình cụ thể như tư vấn, đào tạo, quảng bá tại nước ngoài, hỗ trợ bảo vệ thương hiệu, phát triển hệ thống kênh phân phối...
Nhà nước và chính các doanh nghiệp được lựa chọn gắn biểu trưng sẽ cùng chia sẻ chi phí để triển khai theo nội dung của chương trình đã được Hội đồng thương hiệu Quốc gia phê duyệt.
Thưa ông, một số nguồn tin cho rằng chương trình sẽ lựa chọn khoảng 100 thương hiệu sản phẩm để gắn biểu trưng của Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value), con số này có đúng không?
Từ trước đến nay, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan chưa bao giờ đưa ra một con số chính xác để gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia là bao nhiêu.
Điều quan trọng là những doanh nghiệp nào có thương hiệu sản phẩm đăng ký tham gia đạt được tiêu chí của chương trình thì sẽ được gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia, chứ không hạn chế về mặt số lượng.
Thưa ông, khi nào thương hiệu sản phẩm được tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia?
Theo quy trình lựa chọn thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia thì bất kỳ lúc nào doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và tiêu chí của chương trình sẽ được lựa chọn tham gia Chương trình.
Trình tự đánh giá rất khắt khe, được thực hiện thông qua Hội đồng các ban chuyên gia, sản phẩm thuộc nhóm ngành nào sẽ có Tiểu ban chuyên gia ngành đó chịu trách nhiệm đánh giá trên cơ sở tiêu chí, thang điểm đánh giá và thẩm tra của tiểu ban chuyên gia.
Kết quả đánh giá của Hội đồng các ban chuyên gia sẽ được đệ trình lên Hội đồng Thương hiệu Quốc gia xem xét thẩm định lần cuối cùng và ra quyết định công nhận trước khi thông báo cho doanh nghiệp về việc thương hiệu sản phẩm đã được chấp thuận tham gia Chương trình.