17:22 20/04/2009

Khi nhà đầu tư núp bóng Nhà nước

Những dự án kinh doanh địa ốc do tư nhân thực hiện đang thủ lợi lớn dưới danh nghĩa “lợi ích công” và Nhà nước

Các panô dự án mọc lên giữa ruộng lúa, sau đó người dân mới được thông báo đất của họ đã nằm trong dự án, tiền không nhận thì được chuyển gửi vào kho bạc - Ảnh: Trần Việt Đức.
Các panô dự án mọc lên giữa ruộng lúa, sau đó người dân mới được thông báo đất của họ đã nằm trong dự án, tiền không nhận thì được chuyển gửi vào kho bạc - Ảnh: Trần Việt Đức.
Trong khi, Ngần, người Mường ở xóm Trại Mới, xã Tiến Xuân khoe: “Từ ngày chúng em thành người thủ đô, hội phụ nữ về, cho em hai “nạng” hạt rau”; thì, chồng là Quách Đình Tư cười: “Chúng em vẫn ở cách “năng” Bác 3 tiếng xe bác ạ”. Tiến Xuân là một trong bốn xã của huyện Lương Sơn, Hoà Bình, từ 2008 “trở thành” Hà Nội.

“Phúc lợi đô thị” mà người dân ở đây tiếp cận, theo Tư, là… bụi. Hàng ngày có hàng chục xe ben chạy ngang xã lấy đất. Theo Tư: “Không thể sống được vì bụi”. Chính quyền tỉnh Hoà Bình đã ký phê duyệt tới 54 dự án phát triển đô thị trước khi bàn giao bốn xã này.

Đặc biệt, có dự án như khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình toàn bộ hồ sơ được tỉnh ký chỉ trong vòng một ngày (29/2/2008). Trong khi, theo một khảo sát của bộ Xây dựng, một dự án như vậy, trong điều kiện bình thường, phải mất tới ba năm để xin phê duyệt.

Nhưng, bụi chỉ là những gì nhìn thấy trên bề mặt. Chàng trai cựu chiến binh Mường này nói đùa: “Bán hết đất cho các dự án rồi chắc là em lại ra đường đánh đàn xin tiền thôi bác ạ. Em đánh đàn hay lắm”. Nhưng, nhiều người Kinh khác không thể hài hước hoá tình cảnh của mình như Tư. Khi chúng tôi vào một nhà dân ở khu vực nông trường Việt Mông (cũ), nay thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì, chỉ để định mua một ấm trà, người dân liền kéo đến đầy nhà.

Ông Ninh, thay mặt bà con nói: “Như trời sập xuống đầu chúng tôi, anh ạ. Đất của chúng tôi đã được tỉnh Hà Tây cũ ký giao cho công ty cổ phần Việt Mông rồi”.

Dự án “làng chè sinh thái” mà công ty Việt Mông trình tỉnh Hà Tây, vẽ ra một khung cảnh hấp dẫn về “kinh tế kết hợp với du lịch sinh thái” ở trên một diện tích rộng 941 ha. Nhưng người dân ở đây lại nhìn thấy màu của những toà biệt thự vườn sẽ được công ty này xây bán. Vấn đề là tại sao, họ, những người dân đang làm chủ những vườn chè đẹp như tranh vẽ ấy lại không được hỏi ý kiến, lại không là một phần của dự án mà phải “giao lại vườn tược nhà cửa cho mẹ con bà chủ tịch công ty cổ phần này”.

Ông Ninh kể: “Mãi đến ngày 24/10/2008, chúng tôi mới được xã triệu tập lên để nghe bà chủ tịch công ty đọc quyết định ký ngày 4/7/2008 của Hà Tây”. Tương tự, người dân ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, cũng bị lấy đất “giao cho dự án”.

Ông Nguyễn Văn Tể, 69 tuổi, nói: “Tôi cũng có công ty, tôi cũng cần đất, xã nói phải ưu tiên cho người địa phương, nhưng rồi, cách đây sáu tháng, xã lên loa, kêu dân lên họp, thông báo “trên” đã quyết định giao ruộng của chúng tôi cho một tư nhân. Đã có lệnh, ai không nhận tiền thì “trên” sẽ chuyển vào kho bạc”. Ở thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương của ông Tể có nhiều người không chịu nhận tiền. Nguyễn Đình Thuy, giải thích: “Bán hết thì nhà em chết đói. Em 45 tuổi, chỉ học hết lớp 4, bác bảo không có ruộng thì em ra đình tán hươu, tán vượn à”.

Cũng sẽ thật bất nhẫn khi tranh luận với người dân về “giấy tờ” đối với ruộng nương của họ. Ông Tể nói: “Đất này trước đây là thùng đào, hố đấu, xã kêu chúng tôi ra nộp tiền cho xã rồi lấp hố, cải tạo thành ruộng, giờ bảo chúng tôi đúng thì đúng, bảo chúng tôi sai thì sai”.

Câu chuyện ở Ba Vì cũng tương tự. Hơn 20 năm trước, ông Ninh cùng với hàng ngàn thanh niên từ các huyện vùng xuôi, “theo tiếng gọi của Đảng”, bỏ làng, bỏ những thửa ruộng đẹp nhất cho những hộ dân khác lên khai khẩn đất hoang, phát triển “vùng kinh tế Nam Ba Vì”. Mỗi gia đình tạo lập được cho mình một ngôi nhà nho nhỏ, một vườn chè xinh xắn với khát vọng an cư. Không có dự án thì làng của họ cũng đã đẹp như những “làng sinh thái”.

Khi “rà soát” lại các đồ án quy hoạch “Tổ công tác” thống kê được 772 dự án đã được ký duyệt vội vàng trước khi bốn xã thuộc Hoà Bình, huyện Mê Linh và tỉnh Hà Tây nhập về Hà Nội. Ngoài những hệ luỵ về hạ tầng đô thị mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác, tiến trình đô thị hoá phần Hà Nội mới đang xuất hiện quan hệ Nhà nước “thu hồi đất của nông dân” để giao cho các nhà đầu tư một cách tràn lan.

Ở dự án Làng sinh thái chè Việt Mông, ngay sau khi tỉnh Hà Tây ký phê duyệt dự án, giám đốc công ty Dương Quang Huy đã ra lệnh: “Nghiêm cấm các hoạt động san ủi, đào đắp làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất. Nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, công trình…”.

Thông báo này của ông Huy, giám đốc một công ty cổ phần, có điều 4: “gửi tới tất cả các đơn vị đội, các trưởng thôn, xóm; các tổ chức xã hội để thông báo đến toàn thể các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình biết và thực hiện nghiêm túc”. Trong khi, người dân chưa hề được thảo luận về các phương án đền bù và đặc biệt là chưa được hỏi xem có đồng ý “nhượng quyền sử dụng đất” hay không thì việc Việt Mông ra một quyết định vi phạm cả về thẩm quyền hành chính và dân sự như vậy phải bị chính quyền địa phương thu hồi ngay lập tức.

Rất tiếc, ngày 19/3/2009, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã “hợp thức hoá quyền lực nhà nước” này cho Việt Mông bằng cách ra thông báo số 16: “Giao cho Công ty Cổ phần Việt Mông và các xã… thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý… Giao cho công an huyện bố trí lực lượng thường xuyên hỗ trợ các xã, Công ty Việt Mông, đảm bảo và hỗ trợ an ninh trật tự trong trường hợp cưỡng chế”.

Sáng 13/4/2009, ở huyện Chương Mỹ, chúng tôi chứng kiến cảnh một nhóm nông dân đứng bên lò gạch Tiên Phương, nhìn những chiếc xe benz của một công ty tư nhân đổ đất lên ruộng lúa ba tháng tuổi đang nuôi đòng của họ. Họ đứng nhìn từ xa vì những chiếc xe benz ấy giờ đây đã được coi là “quyền lực”.

Không phải tự nhiên, mà Luật Đất đai quy định, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Ý chí ban đầu của các nhà làm luật là không để cho Nhà nước trở thành chỗ dựa để các doanh nghiệp “ép giá” đất của nông dân. Nhưng, quy định này có vẻ như đang bị ngày càng lạm dụng.

Những dự án kinh doanh địa ốc do tư nhân thực hiện, giờ đây, cũng đang thủ lợi lớn dưới danh nghĩa “lợi ích công” và Nhà nước, đã vô tình nuôi sự căng thẳng với người dân khi lạm dụng quá nhiều “giải toả”.

Sự ổn định xã hội ở những vùng đang đô thị hoá là vô cùng quan trọng. Hội đồng Nhân dân và Thành uỷ Hà Nội cần phải nắm tâm tư và tình cảm của người dân ở trong vùng có đất bị thu hồi cho dự án. Có lẽ, Quốc hội, cơ quan bỏ phiếu cho việc sáp nhập Hà Nội, cũng không nên đứng ngoài cuộc.

Theo Nghị quyết 66 ngày 29/6/2006 của Quốc hội, những “dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác” phải được thông qua bởi Quốc hội. Các dự án ở Hà Nội đang cùng lúc tác động đến hàng triệu nông dân sống xung quanh thủ đô. Sự tác động ấy rất cần được coi là “trọng điểm” để đặt lên bàn nghị sự.

Huy Đức (SGTT)