14:31 18/10/2012

Khi ông bầu bỏ bóng

Nhật Vi

Vì không tạo ra lợi ích trực tiếp, bóng đá thuần túy ở Việt Nam khiến các nhà đầu tư quay lưng

Trung bình mỗi năm, MU và Real Madrid bán ra mỗi đội khoảng 1,4 triệu chiếc áo.
Trung bình mỗi năm, MU và Real Madrid bán ra mỗi đội khoảng 1,4 triệu chiếc áo.
Những ông bầu giàu bậc nhất Việt Nam đang cãi nhau nảy lửa, với những ngôn từ thẳng thắn tới đau lòng người nghe. “Anh Đệ không nên phát biểu kiểu phá đám. Nếu anh không tham gia thì bóng đá không mất đâu”, lời nói của Đoàn Nguyên Đức, ông bầu nổi tiếng bậc nhất, khiến làng bóng đá Việt dậy sóng.

Đây là lời phản pháo gay gắt dành cho ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh Hóa. Ông Đệ cho biết: “Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa đá bóng, vừa thổi còi. Thanh Hóa vẫn tham gia mùa 2013 nếu giải đấu do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức, còn không thì xin rút”.

Bầu Đệ muốn bỏ bóng đá vì bức xúc với VPF, song nhiều người cho rằng ông đã muốn bỏ bóng đá từ lâu nhưng sợ mang tiếng ăn chơi nửa mùa, nay đã tìm ra cái cớ để rút lui trong danh dự. Hiện tại, Thanh Hóa là một trong những đội nợ lương nhiều nhất V-League.

Cùng lúc, ông Thụy, Chủ tịch Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành, cũng dọa bỏ bóng đá với lý do bầu Hiển cùng lúc sở hữu Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng là không công bằng. Còn bầu Hiển trước đó ít ngày đã tuyên bố rút vốn khỏi sân chơi bóng đá nội, tránh phiền toái.

Mỗi ông bầu có một lý do để rút khỏi bóng đá. Tuy nhiên, thử đặt vấn đề, nếu đội bóng đó ăn nên làm ra, là một chiếc máy in tiền, liệu các ông bầu có từ bỏ chỉ vì bức xúc hay không? Có lẽ, nguyên nhân sâu xa là các đội bóng chủ yếu vẫn tiêu nhiều hơn làm. Điều này đã được bầu Kiên cảnh báo từ trước khi vướng vào vòng lao lý: “Tôi sợ sẽ có nhiều đội bỏ bóng đá khi mức thu quá ít so với mức chi vài chục tỉ đồng/mùa như hiện nay”.

Đá bóng: Lỗ


Kinh doanh bóng đá là một trong những mảng hấp dẫn ở những nước có nền bóng đá phát triển bởi nó giúp các ông chủ kiếm được tiền.

Một trong những khoản tiền lớn là từ bán bản quyền truyền hình. Các đài truyền hình Việt Nam vào lúc này đang xếp hàng đấu giá mua bản quyền 3 mùa bóng 2013-2016 từ Ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh. Theo dự báo, giá sẽ không dưới 30 triệu USD. Thông thường, số tiền thu được từ việc bán bản quyền như vậy sẽ chia cho các đội theo vị trí xếp hạng cuối mùa.

Tại Việt Nam, chuyện bán bản quyền truyền hình khác hẳn. Như ở nửa mùa giải 2012, VPF tuyên bố kiếm được 50 tỉ đồng từ bản quyền truyền hình, một khoản tiền chưa đủ cho 1 trong 12 đội bóng dự giải chi tiêu trong 1 năm. Chẳng hạn, Thanh Hóa chi tiêu tiết kiệm cũng hết 80 tỉ đồng cho năm 2011, theo lời bầu Đệ.

Ở nước ngoài, nhiều đội bóng thu tiền từ phí chuyển nhượng cầu thủ. Đó là những đội có hệ thống đào tạo tốt, mua cầu thủ tiềm năng rồi sau đó chuyển nhượng để ăn tiền chênh lệch. Ajax, Porto, Arsenal kiếm tiền không ít từ đào tạo và chuyển nhượng cầu thủ.

Ở Việt Nam, chuyển nhượng cầu thủ chỉ khiến câu lạc bộ mất tiền. Số tiền các ông bầu bỏ ra mua cầu thủ gần như là chuyện của ông bầu và cầu thủ, còn câu lạc bộ cũ hiếm khi thu được tiền. Nếu có, đa phần chỉ là khoản tiền ít ỏi gọi là trả công câu lạc bộ đã đào tạo. Cầu thủ Danh Ngọc khi dứt áo ra đi đã đền bù 2,4 tỉ đồng cho 8 năm được đội bóng cũ Nam Định đào tạo.

Một khoản tiền không nhỏ mang lại nguồn thu đều đặn cho các đội bóng là tiền bán áo. Trung bình mỗi năm, MU và Real Madrid bán ra mỗi đội khoảng 1,4 triệu chiếc áo. Tất nhiên không thể so được với họ, nhưng nếu nhìn thực tế là các câu lạc bộ tại Việt Nam không thu được xu nào từ bán áo thì quả là không khỏi chạnh lòng. Người hâm mộ Việt Nam cũng hay mua áo đội bóng mình thích, nhưng tiền đó trả cho các shop thời trang hay các hàng vỉa hè.

Các đội bóng nước ngoài còn thu tiền từ các dịch vụ ăn theo. Họ cho du khách thăm sân vận động, phòng thay quần áo cầu thủ, phòng đựng cúp. Trong tour này, khách hàng thường bỏ tiền mua đồ lưu niệm với giá cao. Có những đội bóng như Manchester United còn kinh doanh cả rạp chiếu phim. Chelsea lại tổ chức các tour gặp gỡ cầu thủ với giá khoảng 50 bảng Anh/lần.

Ngoài ra, các đội bóng còn liên kết với các khách sạn, quán bar, cửa hàng để cung cấp dịch vụ trọn gói cho các khán giả ở xa đến lưu trú và xem bóng.

Những dịch vụ này không hề được các đội bóng tại Việt Nam kinh doanh. Các đội hầu như chỉ mong chờ vào tiền cho doanh nghiệp thuê biển quảng cáo tại sân của mình. Tiền vé không đáng kể. Sân Thống Nhất ở Tp.HCM trong trận cuối mùa không thu tiền vé mà còn khuyến mãi bia cho khách tới xem.

Đánh bóng: Dẹp

Kinh doanh bóng đá thuần túy lỗ, các ông bầu biết điều đó. Tuy nhiên, những người như bầu Đức hay bầu Thắng vẫn tiến vào bóng đá vì lợi ích vô hình từ loại hình này. Cả 2 chọn bóng đá, vừa là đam mê, nhưng chủ yếu là để làm marketing cho doanh nghiệp. “Bóng đá mình chỉ có chi, không có thu, ít nhất là 10 năm nữa. Nhưng không có ngành nghề kinh doanh nào mang lại lợi nhuận vô hình lớn như bóng đá cả”, bầu Đức từng nói.

Bầu Thắng thì cho biết, từ khi đầu tư cho đội bóng, mỗi năm Đồng Tâm tiết kiệm được vài chục tỉ đồng tiền quảng cáo. Các bầu khác nuôi bóng đá cũng vì mục tiêu này, cho nên tên doanh nghiệp luôn được gắn ngay trước tên đội bóng.

Vấn đề là, khi kinh tế khó khăn kéo dài như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phải cắt giảm chi phí để sống cho qua ngày tháng. Trong các chi phí bị cắt giảm, phí quảng cáo là khoản hầu như doanh nghiệp nào cũng chọn để cắt giảm đầu tiên và mạnh tay nhất. Sống đã rồi mới tính chuyện đánh bóng hình ảnh sau. Các công ty dùng bóng đá để quảng bá thương hiệu cũng vậy. Họ cũng cắt các khoản này.

Vậy là, vì không tạo ra lợi ích trực tiếp, bóng đá thuần túy ở Việt Nam khiến các nhà đầu tư quay lưng. Và khi cả lợi ích vô hình mà bóng đá gián tiếp mang lại cũng không thể phát huy tác dụng được như trước, bóng đá gần như không còn gì để giới doanh nghiệp ngó đến.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)