Khi tập đoàn thành lập ngân hàng
Trong trường hợp tập đoàn gặp khó khăn tài chính, cái ngân hàng có gốc tập đoàn đó làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ?
Bài viết của TS. Trương Quang Thông, Đại học Kinh tế Tp.HCM.
Ngày 30/11/2007, báo chí đưa tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập ngân hàng cổ phần FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính Dầu khí.
Như vậy, cuối cùng vấn đề nên hay không nên cho phép các tập đoàn thành lập ngân hàng đã có lời giải đáp mang tính chất tiền lệ.
Điều hiển nhiên nhất trong mối quan hệ tập đoàn - ngân hàng chính là việc nó sẽ làm suy yếu chức năng trung gian tài chính của các ngân hàng thương mại truyền thống, trong việc phân bổ sai lệch các nguồn tài nguyên tín dụng cho khu vực sản xuất thực của nền kinh tế, và từ đó làm xói mòn tính cạnh tranh giữa các chủ thể khác nhau của nền kinh tế.
Chính sách ưu đãi và việc phân bổ sai lệch nguồn tài nguyên tín dụng
Một điều rõ ràng là một ngân hàng có nguồn gốc tập đoàn sẽ phải đối phó thường xuyên với các áp lực ưu đãi tín dụng có lợi cho những mối quan hệ mang tính nội bộ. Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng hiện hành đã dự liệu các hạn chế cho vay để bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng xem ra, các điều chỉnh đó không theo kịp với cuộc sống ngày nay.
Làm sao có thể kiểm soát được các mối quan hệ tham gia vốn chằng chịt trong một tập đoàn, nơi mà công ty mẹ góp vốn vào công ty con, công ty con sinh ra công ty cháu, và đến lượt nó, công ty cháu, về mặt luật pháp, hoàn toàn có thể hùn vốn vào một công ty con khác do chính công ty “bà ngoại” của mình lập ra? Thử hỏi, trong trường hợp tập đoàn gặp khó khăn tài chính, cái ngân hàng có gốc tập đoàn đó làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ để mặc người nhà của mình tự xoay xở trong cơn hoạn nạn?
Ngay trong trường hợp luật pháp có đầy đủ biện pháp để có thể hạn chế, cấm đoán việc cấp tín dụng cho tất cả các mối quan hệ “bà-con-cháu-bà” theo cách ví von trên, vẫn có thể xuất hiện những mối quan hệ ưu đãi đa dạng khác xung quanh mô hình tập đoàn mà ta đang nói. Dễ thấy nhất là các mối quan hệ chiến lược theo chiều dọc: nhà cung cấp-tập đoàn-khách hàng, mà xung quanh một tập đoàn, các mối quan hệ này thì vô kể! Tập đoàn vẫn bằng cách này hay cách khác có thể tác động để đạt được những ưu đãi tín dụng có lợi cho cả một hệ thống khổng lồ của mình.
Một khi đã có sự ưu đãi, thì nguồn tài nguyên tín dụng đã bị phân bổ một cách sai lệch. Nguồn vốn lẽ ra phải chảy theo những kênh có khả năng sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất đã chuyển sang các kênh nội bộ, nơi mà ngòi bút của các chuyên viên phân tích tín dụng rất có thể sẽ bị bẻ cong theo các ý đồ của cấp lãnh đạo.
Xói mòn tính cạnh tranh
Ưu đãi và phân bổ sai lệch tài nguyên tín dụng chính là căn nguyên dẫn đến việc xói mòn tính cạnh tranh. Việc xói mòn tính cạnh tranh có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chung qui lại, đó là các điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dãi cho cái hệ thống xung quanh mô hình tập đoàn mà chúng ta đang nói đến.
Hơn nữa, tập đoàn, dù là một khái niệm vô hình, vẫn có thể “tiếp tay” tạo điều kiện cho các đối tác của nó (nhà cung cấp/khách hàng) tiếp cận các điều kiện tín dụng thuận lợi từ ngân hàng gốc tập đoàn.
Với việc làm này, tập đoàn đã thể hiện quyền lực của nó, nếu nói theo ngôn từ của bậc thầy về chiến lược cạnh tranh Michael Porter, là cái quyền lực của người mua/kẻ bán. Quyền lực đó chắc chắn sẽ làm giảm sút khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cạnh tranh càng bị xói mòn hơn nữa khi mà tập đoàn, và các đối tác của nó, bằng cách này hay cách khác, có thể gây áp lực cho ngân hàng gốc tập đoàn hạn chế, thậm chí từ chối cấp tín dụng cho các đối thủ cạnh tranh.
Nói đi thì phải nói lại. Giả sử tập đoàn và hệ thống của nó có thể tìm được các nguồn cung ứng tín dụng khác tốt hơn thì sao? Quả là một vấn đề tế nhị, khó nói! Càng khó nói trong bối cảnh quan hệ tình cảm, tính cách gia đình của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Khó nói nên tiện hơn cả là nhắc lại một chuyện cũ mà người viết bài này đã từng được nghe vị giám đốc một xí nghiệp thành viên Tổng công ty Seaprodex kể lại cách đây gần mười năm.
Vào thời đó, vẫn còn Công ty Tài chính Seaprodex. Công ty này có thể cung ứng một số hình thức tín dụng cho các đơn vị anh em trong nội bộ. Chỉ phải tội là lãi suất thì cao mà các tiện ích dịch vụ khác thì không có. Các đơn vị anh em này một mặt vẫn phải thỉnh thoảng ra đại lộ Hàm Nghi vay vốn, gọi là làm “nghĩa vụ” cho vui vẻ người anh em, mặt khác phải tìm cách vay vốn từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nơi có các dịch vụ tài trợ ngoại thương và thanh toán quốc tế vượt trội.
Từ câu chuyện cũ, thử hỏi, giả sử một công ty con của tập đoàn nọ có khả năng đàm phán, quan hệ các điều kiện về ký thác, tín dụng, thanh toán tốt hơn với một ngân hàng bên ngoài so với phải “bằng mặt nhưng không bằng lòng” quan hệ với ngân hàng của chính tập đoàn mình, họ phải xử lý ra sao? Có sự đánh đổi gì hay không giữa việc hy sinh tính cạnh tranh để phục vụ “quyền lực” chung của cả tập đoàn? Nhưng dù thế nào đi nữa, rõ ràng là điều này ắt mang lại những tác động tiêu cực làm giảm sút hiệu năng của nền kinh tế.
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua khi phân tích cạnh tranh là vấn đề bảo mật thông tin. Ngân hàng là một tổ chức sản xuất thông tin. Nhưng thiên chức của họ bắt buộc họ phải bảo mật thông tin khách hàng. Một ngân hàng có nguồn gốc tập đoàn làm sao có thể từ chối cung cấp cho các công ty thành viên tập đoàn các thông tin mật mà nó đang nắm giữ về các đối thủ cạnh tranh của chính các công ty nội bộ đó? Liệu luật pháp đã có thể dự liệu một cách đầy đủ về các tình huống này? Xét trong bối cảnh Việt Nam, việc này xem ra có nhiều cơ hội và khả năng xảy ra.
Và viễn cảnh của những siêu tập đoàn?
Việc các tập đoàn thành lập ngân hàng có thể tạo ra viễn cảnh của những siêu tập đoàn trong tương lai. Chúng ta đã từng mơ về những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh, tầm cỡ quốc tế - những siêu tập đoàn. Nhưng làm sao các tập đoàn kinh tế Việt Nam có thể trở nên hùng mạnh, ngang tầm quốc tế trong một môi trường xói mòn cạnh tranh, khi mà cái gọi là năng lực cạnh tranh của chúng hiện vẫn được xây dựng trên những lối mòn, tư duy ngắn hạn, kiểu ăn xổi ở thì, đi ngược với trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế.
Càng nguy hiểm hơn nữa, khi mà giới chuyên môn đã từng đặt câu hỏi rằng, những cuộc hôn ước tập đoàn-tài chính-ngân hàng trong thời gian gần đây tại Việt Nam liệu có mang lại kết quả đáng mong đợi nào trong việc đầu tư vào khu vực sản xuất thực của nền kinh tế như chúng ta hằng kỳ vọng vào vai trò trụ cột của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế quốc gia?
Hay là trái lại, mục tiêu của những cuộc hôn ước ấy lại chịu khá nhiều ảnh hưởng bởi các lĩnh vực đầu tư tài chính, đầu tư vào bất động sản với niềm kỳ vọng trong ngắn hạn sẽ nhận được những khoản thu nhập tài chính đầy hấp dẫn?
Ngày 30/11/2007, báo chí đưa tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập ngân hàng cổ phần FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính Dầu khí.
Như vậy, cuối cùng vấn đề nên hay không nên cho phép các tập đoàn thành lập ngân hàng đã có lời giải đáp mang tính chất tiền lệ.
Điều hiển nhiên nhất trong mối quan hệ tập đoàn - ngân hàng chính là việc nó sẽ làm suy yếu chức năng trung gian tài chính của các ngân hàng thương mại truyền thống, trong việc phân bổ sai lệch các nguồn tài nguyên tín dụng cho khu vực sản xuất thực của nền kinh tế, và từ đó làm xói mòn tính cạnh tranh giữa các chủ thể khác nhau của nền kinh tế.
Chính sách ưu đãi và việc phân bổ sai lệch nguồn tài nguyên tín dụng
Một điều rõ ràng là một ngân hàng có nguồn gốc tập đoàn sẽ phải đối phó thường xuyên với các áp lực ưu đãi tín dụng có lợi cho những mối quan hệ mang tính nội bộ. Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng hiện hành đã dự liệu các hạn chế cho vay để bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng xem ra, các điều chỉnh đó không theo kịp với cuộc sống ngày nay.
Làm sao có thể kiểm soát được các mối quan hệ tham gia vốn chằng chịt trong một tập đoàn, nơi mà công ty mẹ góp vốn vào công ty con, công ty con sinh ra công ty cháu, và đến lượt nó, công ty cháu, về mặt luật pháp, hoàn toàn có thể hùn vốn vào một công ty con khác do chính công ty “bà ngoại” của mình lập ra? Thử hỏi, trong trường hợp tập đoàn gặp khó khăn tài chính, cái ngân hàng có gốc tập đoàn đó làm sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ để mặc người nhà của mình tự xoay xở trong cơn hoạn nạn?
Ngay trong trường hợp luật pháp có đầy đủ biện pháp để có thể hạn chế, cấm đoán việc cấp tín dụng cho tất cả các mối quan hệ “bà-con-cháu-bà” theo cách ví von trên, vẫn có thể xuất hiện những mối quan hệ ưu đãi đa dạng khác xung quanh mô hình tập đoàn mà ta đang nói. Dễ thấy nhất là các mối quan hệ chiến lược theo chiều dọc: nhà cung cấp-tập đoàn-khách hàng, mà xung quanh một tập đoàn, các mối quan hệ này thì vô kể! Tập đoàn vẫn bằng cách này hay cách khác có thể tác động để đạt được những ưu đãi tín dụng có lợi cho cả một hệ thống khổng lồ của mình.
Một khi đã có sự ưu đãi, thì nguồn tài nguyên tín dụng đã bị phân bổ một cách sai lệch. Nguồn vốn lẽ ra phải chảy theo những kênh có khả năng sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất đã chuyển sang các kênh nội bộ, nơi mà ngòi bút của các chuyên viên phân tích tín dụng rất có thể sẽ bị bẻ cong theo các ý đồ của cấp lãnh đạo.
Xói mòn tính cạnh tranh
Ưu đãi và phân bổ sai lệch tài nguyên tín dụng chính là căn nguyên dẫn đến việc xói mòn tính cạnh tranh. Việc xói mòn tính cạnh tranh có thể được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chung qui lại, đó là các điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dãi cho cái hệ thống xung quanh mô hình tập đoàn mà chúng ta đang nói đến.
Hơn nữa, tập đoàn, dù là một khái niệm vô hình, vẫn có thể “tiếp tay” tạo điều kiện cho các đối tác của nó (nhà cung cấp/khách hàng) tiếp cận các điều kiện tín dụng thuận lợi từ ngân hàng gốc tập đoàn.
Với việc làm này, tập đoàn đã thể hiện quyền lực của nó, nếu nói theo ngôn từ của bậc thầy về chiến lược cạnh tranh Michael Porter, là cái quyền lực của người mua/kẻ bán. Quyền lực đó chắc chắn sẽ làm giảm sút khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cạnh tranh càng bị xói mòn hơn nữa khi mà tập đoàn, và các đối tác của nó, bằng cách này hay cách khác, có thể gây áp lực cho ngân hàng gốc tập đoàn hạn chế, thậm chí từ chối cấp tín dụng cho các đối thủ cạnh tranh.
Nói đi thì phải nói lại. Giả sử tập đoàn và hệ thống của nó có thể tìm được các nguồn cung ứng tín dụng khác tốt hơn thì sao? Quả là một vấn đề tế nhị, khó nói! Càng khó nói trong bối cảnh quan hệ tình cảm, tính cách gia đình của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Khó nói nên tiện hơn cả là nhắc lại một chuyện cũ mà người viết bài này đã từng được nghe vị giám đốc một xí nghiệp thành viên Tổng công ty Seaprodex kể lại cách đây gần mười năm.
Vào thời đó, vẫn còn Công ty Tài chính Seaprodex. Công ty này có thể cung ứng một số hình thức tín dụng cho các đơn vị anh em trong nội bộ. Chỉ phải tội là lãi suất thì cao mà các tiện ích dịch vụ khác thì không có. Các đơn vị anh em này một mặt vẫn phải thỉnh thoảng ra đại lộ Hàm Nghi vay vốn, gọi là làm “nghĩa vụ” cho vui vẻ người anh em, mặt khác phải tìm cách vay vốn từ các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nơi có các dịch vụ tài trợ ngoại thương và thanh toán quốc tế vượt trội.
Từ câu chuyện cũ, thử hỏi, giả sử một công ty con của tập đoàn nọ có khả năng đàm phán, quan hệ các điều kiện về ký thác, tín dụng, thanh toán tốt hơn với một ngân hàng bên ngoài so với phải “bằng mặt nhưng không bằng lòng” quan hệ với ngân hàng của chính tập đoàn mình, họ phải xử lý ra sao? Có sự đánh đổi gì hay không giữa việc hy sinh tính cạnh tranh để phục vụ “quyền lực” chung của cả tập đoàn? Nhưng dù thế nào đi nữa, rõ ràng là điều này ắt mang lại những tác động tiêu cực làm giảm sút hiệu năng của nền kinh tế.
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua khi phân tích cạnh tranh là vấn đề bảo mật thông tin. Ngân hàng là một tổ chức sản xuất thông tin. Nhưng thiên chức của họ bắt buộc họ phải bảo mật thông tin khách hàng. Một ngân hàng có nguồn gốc tập đoàn làm sao có thể từ chối cung cấp cho các công ty thành viên tập đoàn các thông tin mật mà nó đang nắm giữ về các đối thủ cạnh tranh của chính các công ty nội bộ đó? Liệu luật pháp đã có thể dự liệu một cách đầy đủ về các tình huống này? Xét trong bối cảnh Việt Nam, việc này xem ra có nhiều cơ hội và khả năng xảy ra.
Và viễn cảnh của những siêu tập đoàn?
Việc các tập đoàn thành lập ngân hàng có thể tạo ra viễn cảnh của những siêu tập đoàn trong tương lai. Chúng ta đã từng mơ về những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh, tầm cỡ quốc tế - những siêu tập đoàn. Nhưng làm sao các tập đoàn kinh tế Việt Nam có thể trở nên hùng mạnh, ngang tầm quốc tế trong một môi trường xói mòn cạnh tranh, khi mà cái gọi là năng lực cạnh tranh của chúng hiện vẫn được xây dựng trên những lối mòn, tư duy ngắn hạn, kiểu ăn xổi ở thì, đi ngược với trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế.
Càng nguy hiểm hơn nữa, khi mà giới chuyên môn đã từng đặt câu hỏi rằng, những cuộc hôn ước tập đoàn-tài chính-ngân hàng trong thời gian gần đây tại Việt Nam liệu có mang lại kết quả đáng mong đợi nào trong việc đầu tư vào khu vực sản xuất thực của nền kinh tế như chúng ta hằng kỳ vọng vào vai trò trụ cột của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế quốc gia?
Hay là trái lại, mục tiêu của những cuộc hôn ước ấy lại chịu khá nhiều ảnh hưởng bởi các lĩnh vực đầu tư tài chính, đầu tư vào bất động sản với niềm kỳ vọng trong ngắn hạn sẽ nhận được những khoản thu nhập tài chính đầy hấp dẫn?