10:12 17/02/2011

Khi Trung Quốc bớt “khát” trái phiếu kho bạc Mỹ

An Huy

Nhu cầu suy giảm của Trung Quốc đối với trái phiếu kho bạc Mỹ giờ đã không còn là bí mật đối với nhiều người

Các thống kê chính thức gần đây phát đi thông điệp từ phía Bắc Kinh rằng, họ đang muốn thu hẹp lượng nắm giữ nợ Mỹ và thay vào đó bằng những tài sản khác.
Các thống kê chính thức gần đây phát đi thông điệp từ phía Bắc Kinh rằng, họ đang muốn thu hẹp lượng nắm giữ nợ Mỹ và thay vào đó bằng những tài sản khác.
Nhu cầu suy giảm của Trung Quốc đối với trái phiếu kho bạc Mỹ giờ đã không còn là bí mật đối với nhiều người. Các thống kê chính thức gần đây phát đi thông điệp từ phía Bắc Kinh rằng, họ đang muốn thu hẹp lượng nắm giữ nợ Mỹ và thay vào đó bằng những tài sản khác.

Theo tờ Financial Times, tới thời điểm này, ảnh hưởng của việc Trung Quốc giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ đối với thị trường có thể là chưa lớn, vì Cục Dự trữ Liên bang (FED) vẫn đang thực hiện chương trình nới lỏng định lượng, sử dụng 600 tỷ USD mua trái phiếu.

Nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi chương trình này kết thúc vào tháng 6 tới? Khi đó, sự lùi bước của Bắc Kinh trên thị trường nợ Mỹ có thể sẽ gây ra những tác động không nhỏ.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là thị trường trái phiếu rộng lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới. Nhu cầu mua nợ Mỹ từ các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư tổ chức, bao gồm các ngân hàng tư nhân và quỹ đầu cơ, từ lâu đã cho phép Washington có đủ nguồn tài chính để bù đắp cho thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Trên thực tế, so với các quốc gia khác, nước Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động mua nợ của các nhà đầu tư nước ngoài. Nợ công của Anh, Italy và Nhật Bản chủ yếu đều do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ, trong khi phần lớn nợ công của Mỹ nằm trong tay giới đầu tư nước ngoài.

Trong năm qua, nhu cầu mạnh lên đối với trái phiếu kho bạc Mỹ từ phía Anh, Nhật và các nhà đầu tư trong nước Mỹ đã giúp bù đắp cho nhu cầu suy giảm từ phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, chương trình nới lỏng định lượng của FED cũng có tác dụng hỗ trợ. FED đã trở thành tổ chức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất, với 1.160 tỷ USD loại tài sản này, và vẫn đang tiếp tục mua vào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ liên tiếp lên tới những ngưỡng đáng báo động, nhiều ý kiến cho rằng, chi phí vay nợ của nước này có thể gia tăng. Tới một lúc nào đó, lãi suất vay vốn của Mỹ có thể phải tăng mạnh để đảm bảo sức hấp dẫn của trái phiếu kho bạc do Washington phát hành.

“Mức lợi suất thấp hiện nay có thể trở nên kém hấp dẫn và trong tương lai, Bộ Tài chính mỹ có thể phải nâng mức lợi suất thực để hút vốn”, cố vấn đầu tư cao cấp Gerald Lucas thuộc ngân hàng Deutsche Bank nhận định. Thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã diễn biến theo chiều tăng. Tuần trước, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,77%, cao nhất từ tháng 4, kéo dài thời kỳ leo thang đã 3 tháng bắt đầu từ mức 2,5%.

Theo ước tính của Royal Bank of Scotland, tiền lãi trái phiếu mà Chính phủ Mỹ phải trả sẽ lên tới 240 tỷ USD trong năm tài khóa 2011, tương đương với toàn bộ thâm hụt ngân sách của Washington trong năm 2006.

Trong số các chủ nợ nước ngoài của Mỹ, Trung Quốc từ lâu đã là chủ nợ lớn nhất và được xem như lực lượng dẫn đầu đối với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nợ Mỹ. Kết thúc năm 2010, Trung Quốc nắm giữ 891 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, giảm đáng kể so với mức kỷ lục 940 tỷ USD vào tháng 7/2009.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tháng 12/2010 là tháng thứ hai liên tục Trung Quốc giảm nắm giữ nợ Mỹ, với mức bán ròng 4 tỷ USD, sau khi đã bán ròng 11,2 tỷ USD trong tháng 11.

“Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng song song với việc nước này giảm sự hiện diện trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Ảnh hưởng của thực trạng đối với nước Mỹ chưa thực sự rõ ràng, nhưng ít nhiều cũng đang phải lo”, tờ Financial Times trích một báo cáo của công ty TD Securities.

Tại Mỹ, các hộ gia đình, quỹ đầu cơ, ngân hàng và quỹ lương hưu đã tăng nắm giữ trái phiếu kho bạc trong hai năm qua. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và lạm phát gia tăng, những nhà đầu tư này có khả năng sẽ quay sang tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn từ các tài sản khác như chứng khoán, thay vì tiếp tục rót vốn vào trái phiếu.

Mới đây, một nhóm chuyên gia thị trường trái phiếu đại diện cho những ngân hàng và quỹ đầu cơ lớn nhất đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ đã bày tỏ lo ngại về mức độ phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường nợ của Washington - thị trường có mức dư nợ trái phiếu lên tới 9.000 tỷ USD hiện nay. Nhóm chuyên gia này đóng vai trò tư vấn vay nợ cho Bộ Tài chính Mỹ.

“Các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu một tỷ lệ lớn trái phiếu kho bạc Mỹ, trong khi một số nhà đầu tư chủ chốt trong số này đang giảm lượng nắm giữ. Một lực lượng các nhà đầu tư đa dạng hơn sẽ giúp Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ suy giảm mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường nợ”, biên bản một cuộc họp của nhóm tư vấn trên nhận định.

Một trong số những đề xuất mà nhóm này đưa ra cho Bộ Tài chính Mỹ để đa dạng hóa các nhà đầu tư mua nợ là phát hành các loại nợ mới, bao gồm trái phiếu có kỳ hạn siêu dài, lên tới 100 năm, với lãi suất thả nổi và lợi tức trả cho nhà đầu tư được điều chỉnh theo lạm phát.

Theo nhóm tư vấn, những loại trái phiếu như vậy sẽ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là những người hưu trí. Loại trái phiếu mới cũng được cho là sẽ thu hút mạnh các ngân hàng và quỹ lương hưu trong bối cảnh các quy định quốc tế về ngân hàng được điều chỉnh và Quốc hội Mỹ cân nhắc thay đổi quy tắc kế toán đối với các quỹ lương hưu.