06:00 09/12/2013

“Khó chịu” vì tỷ giá bất định?

Nguyễn Hoài

Hai báo cáo về kinh tế vĩ mô, trong đó có lời khuyên nên phá giá VND từ 2% - 4% trong 2014 được dồn dập tung ra

Nhưng ở góc độ kinh doanh, hệ thống ngân hàng đang ôm một túi tiền to 
nhưng tỷ suất sinh lợi không như kỳ vọng, họ lại không thể bàn về câu 
chuyện “trung và dài hạn” của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng ở góc độ kinh doanh, hệ thống ngân hàng đang ôm một túi tiền to nhưng tỷ suất sinh lợi không như kỳ vọng, họ lại không thể bàn về câu chuyện “trung và dài hạn” của Ngân hàng Nhà nước.
Hai báo cáo về kinh tế vĩ mô, trong đó có lời khuyên nên phá giá VND từ 2% - 4% trong 2014 được dồn dập tung ra trong cùng một thời điểm, được cho là đã góp phần tạo nên sóng tỷ giá vào cuối tuần qua. Cơ quan quản lý và chuyên gia nói gì về vấn đề này?

Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 11 tháng qua của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về tỷ giá vào ngày 4/12, chỉ vỏn vẹn: “Chính sách tỷ giá cần tiếp tục ổn định nhưng nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới đã xác lập một mặt bằng giá mới”.

Tại sao lại là“2% - 4%”?


Còn trong báo cáo khác của Trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV phát đi cùng ngày 4/12, cũng tương tự nhưng cụ thể hơn: “Dự báo, với mức điều chỉnh 2% - 4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/VND sẽ khoảng 21.400 - 22.000 hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể”.

Chỉ chừng đó thôi nhưng đã có một sự trùng hợp khi tỷ giá mua bán trên thị trường tự do và giữa hệ thống ngân hàng với doanh nghiệp đã vọt tăng khi mua vào, bán ra của Vietcombank trong ngày 5/12 lần lượt là: 21.100 VND/USD – 21.140 VND/USD.

Ngày 6/12, tỷ giá nhích lên 21.130 VND/USD – 21.170 VND/USD. Và nếu như so với mức giá của ngày 2/12: 21.085 VND/USD – 21.125 VND/USD và trước đó là 21.080 VND/USD – 21.120 VND/USD thì tỷ giá đã tăng tới 50 VND trên mỗi USD.

Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh, người chủ trì bản nghiên cứu của BIDV, ông phân tích: trong thời gian còn lại của năm 2013, với khả năng tăng trưởng nguồn cung ngoại tệ từ FDI, ODA, kiều hối trong khi sức cầu nội địa và hoạt động nhập khẩu sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian còn lại.

Cùng đó, nền tảng vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh (dự kiến đạt hơn 30 tỷ USD, đảm bảo 12,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2013 và khoảng 14 tuần nhập khẩu năm 2014) sẽ là những cơ sở quan trọng cho sự ổn định vững chắc của tỷ giá.

“Vì thế, chúng tôi dự báo với mức điều chỉnh 2% - 4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/VND sẽ khoảng 21.400 - 22.000 hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể”.

Những quan điểm khác nhau

Có một số điểm mấu chốt và khá tương đồng đọng lại từ 2 bản báo cáo trên là: “nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới” (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) và “điều chỉnh 2% - 4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014” (Trung tâm Nghiên cứu BIDV).

Điều này có vẻ không cùng quan điểm với cơ quan quản lý? Nếu như vào giữa năm 2011, dự trữ ngoại hối Việt Nam được những người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định là “quá mỏng” và chỉ khoảng 3 – 5 tuần nhập khẩu thì 2 năm qua đến nay, túi “hầu bao” của dự trữ ngoại hối ngày một đầy thêm và đạt mức gần 13 tuần nhập khẩu ở thời điểm hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước tìm mọi cách để ổn định phần nắm giữ dự trữ với nhiều chiến thuật khác nhau của một bà “dì ghẻ keo kiệt”: “mua 7 bán 3” qua hệ thống ngân hàng; quản chặt thị trường vàng không cho nhập lậu vàng qua biên giới; chỉ cho phép vay mượn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cấm tiệt ngân hàng cho vay ngoại tệ đối với những đối tượng không có nguồn thu ngoại tệ và buộc chuyển sang quan hệ mua đứt bán đoạn đối với tất cả mọi nhu cầu khác trong nền kinh tế.

Trong khi đó, dòng tiền thanh khoản VND trên hệ thống lại căng tràn. Tất cả các số liệu từ báo cáo thị trường đều cho thấy, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nghiệp vụ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước hầu như không được sử dụng đến trong gần 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống luôn lớn gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng, thị trường vàng, bất động sản cùng các thị trường tài sản khác gần như đứng im.

Có thể thấy, hệ thống ngân hàng đang thừa tiền nhưng không biết để làm gì. Một mặt, họ phải giảm lãi suất huy động để tránh áp lực cân đối lời lãi từ phía các cổ đông, mặt khác, tìm cách cho vốn ra nhưng lại vướng vào tình hình kinh doanh bết bát của doanh nghiệp và nợ xấu tăng cao nên đang bí bách vì túi tiền của chính mình. Trong trường hợp đó, mong muốn có được một vài gợn sóng tỷ giá để “kiếm chút đỉnh” ở các ngân hàng, đặc biệt là những ông lớn có tỷ trọng nguồn thu từ mua bán ngoại tệ trên thị trường là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, quan điểm cơ quan quản lý lại khác. Như nói trên, khi hai bản báo cáo tỷ giá được phát đi, tỷ giá bắt đầu có biến động, ngay trong ngày 6/12/2013, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cung cầu ngoại tệ vẫn cân bằng, hai ngày qua, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ là do tâm lý thị trường chịu sự tác động tâm lý từ những đánh giá bên ngoài”.

Khá nhiều lần, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước đang góp sức ổn định vĩ mô, trong đó có tỷ giá, tạo một nền tảng thật bền vững để thực hiện những mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ nhằm tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn”.

Nhưng ở góc độ kinh doanh, hệ thống ngân hàng đang ôm một túi tiền to nhưng tỷ suất sinh lợi không như kỳ vọng, họ lại không thể bàn về câu chuyện “trung và dài hạn” của Ngân hàng Nhà nước. Thế nên, tìm thấy sự hài hòa lợi ích trong lúc này thật không dễ dàng.