10:13 22/05/2008

“Khó đồng tình với tăng thuế nhập vàng”

Anh Quân

Việc tăng thuế nhập khẩu vàng từ 0,5% lên 1% được các doanh nghiệp kinh doanh vàng diễn tả bằng từ “đột ngột”

"Với mức thuế mới là 1%, số lượng vàng nhập khẩu mỗi năm đến năm, bảy chục tấn thì lượng tiền thuế không phải là nhỏ. Lợi nhuận cao sẽ khuyến khích nhập lậu vàng quay trở lại."
"Với mức thuế mới là 1%, số lượng vàng nhập khẩu mỗi năm đến năm, bảy chục tấn thì lượng tiền thuế không phải là nhỏ. Lợi nhuận cao sẽ khuyến khích nhập lậu vàng quay trở lại."
Việc tăng thuế nhập khẩu vàng từ 0,5% lên 1% được các doanh nghiệp kinh doanh vàng diễn tả bằng từ “đột ngột”.

Không những thế, nó còn gây ra những quan điểm bất đồng từ giới kinh doanh vàng.

Trao đổi với VnEconomy, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần DOJI, một thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nói:

- Trong khoảng gần 2 năm vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần giải thích, trình bày quan điểm với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để đạt được mức thuế nhập khẩu vàng giảm từ 1% xuống 0,5%.

Vừa rồi, Bộ Tài chính lại cho phép tăng thuế nhập khẩu vàng lên lại mức 1%. Cho đến bây giờ, Hiệp hội chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào của các cơ quan quản lý nhà nước về lý do của việc tăng thuế suất nhập khẩu lần này.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã mất một quá trình để bàn thảo và thống nhất mức thuế 0,5% là hợp lý mà nay lại đột ngột tăng lên thì các doanh nghiệp chắc chắn khó có thể đồng tình.

Ông có thể giải thích quan điểm cho rằng mức thuế suất 0,5% lại là hợp lý?

Trên thế giới, các nước đều coi vàng là hàng hóa đặc biệt, là nguyên liệu sản xuất trang sức, nhưng cũng đồng thời là “của để dành”, là dự trữ chiến lược. Do vậy, họ không đánh thuế (xuất, nhập khẩu vàng - PV). Nhiều nước trong khu vực cũng vậy.

Chúng ta đã giảm thuế nhập khẩu từ 1% xuống 0,5% với ý nghĩa là để giảm việc buôn lậu vàng. Nay, tăng thuế trở lại thì liệu có thể coi là tạo cơ hội cho việc buôn lậu vàng nảy nở?

Ba năm trở về trước, nhập khẩu vàng qua con đường chính ngạch rất ít. Đương nhiên Nhà nước đã không thu được thuế, thị trường vàng trong nước cũng méo mó và chịu cảnh đầu cơ.

Với mức thuế mới là 1%, số lượng vàng nhập khẩu mỗi năm đến năm, bảy chục tấn thì lượng tiền thuế không phải là nhỏ. Lợi nhuận cao sẽ khuyến khích nhập lậu vàng quay trở lại.

Nhưng Bộ Tài chính đã đưa ra lý do là để giảm nhập siêu, hiện là một trong những ưu tiên chính sách hiện nay...

Nếu chúng ta coi nhập khẩu vàng để làm nguyên liệu sản xuất hàng trang sức thì khi đó vàng trở thành hàng tiêu dùng và góp phần làm tăng tỷ lệ nhập siêu. Nhưng trên thực tế không hoàn toàn như vậy.

Theo dự đoán của chúng tôi, chưa đến 10% số vàng nhập khẩu được dùng để sản xuất hàng trang sức. Phần còn lại được dự trữ trong dân, được các ngân hàng, các công ty kinh doanh giữ lại như một sự đảm bảo an toàn cho tài sản của mình.

Rất nhiều ngân hàng chọn hình thức dự trữ vàng thay vì ngoại tệ. Điều này rất khác so với việc đầu tư, hay mua những hàng tiêu dùng đắt tiền khác để coi là nhập siêu.

Vì sao lại như vậy? Đơn giản vì vàng có tính thanh khoản cao, khả năng dễ dàng liên thông với thị trường thế giới.

Nhưng chúng ta vẫn đang hạn chế nhập vàng và cho áp dụng chế độ hạn ngạch, thưa ông?

Hạn chế nhập khẩu vàng chỉ khiến cho cung cầu chênh lệch, dẫn tới giá cả mặt hàng này tăng cao và khuyến khích buôn lậu. Việc này chúng ta đã trải qua trong nhiều nằm trước đây.

Nếu nhu cầu được đáp ứng, mua bán dễ dàng sẽ không có chuyện đầu cơ đẩy giá vàng tăng cao vô lý. Vàng khi đó sẽ chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ như một loại dự trữ ngoại tệ, và sẽ được đem ra sử dụng khi cần thiết.

Có một sự liên quan mật thiết giữa lạm phát và tiêu thụ vàng. Vào những thời điểm lạm phát tăng cao, nhu cầu vàng càng tăng mạnh. Trong điều kiện bình thường, tiền đồng Việt Nam cũng có thể là phương tiện dự trữ hiệu quả.

Có người muốn mua, nhưng cũng có người mong bán. Ông nghĩ sao nếu có nhiều người muốn bán vàng ra?

Nếu có nhiều người muốn bán, đương nhiên giá sẽ giảm. Trong trường hợp giá trong nước thấp hơn giá quốc tế, chúng ta có thể xuất bán ra khỏi Việt Nam. Hiệp hội chúng tôi hoàn toàn tán thành việc cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu vàng trong điều kiện thuận lợi, phù hợp và có hiệu quả.

Trên quan điểm này, Hiệp hội đã có nhiều buổi làm việc với Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước - PV) để xúc tiến việc cho phép xuất khẩu vàng.

Có một lợi ích nữa từ việc xuất khẩu vàng, đó là chúng ta đã tham gia thị trường kinh doanh vàng như các nước khác, cùng trong một sân chơi bình đẳng của WTO.

Tất nhiên, nếu kho phép xuất khẩu cũng nên kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, môi trường kinh doanh và đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vàng để không xảy ra tình trạng các doanh nghiệp “mua tranh, bán cướp” dẫn đến thiệt hại chung cho cả cộng đồng.