15:53 24/07/2008

Khó khăn là cơ hội để tạo dựng uy tín

Những khó khăn hiện nay nên được xem là cơ hội cho các ngân hàng trong việc tạo dựng uy tín

Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng Navibank.
Khách hàng giao dịch ở Ngân hàng Navibank.
Những khó khăn hiện nay nên được xem là cơ hội cho các ngân hàng trong việc tạo dựng uy tín.

Vốn, công nghệ hay năng lực quản trị là quan trọng?

Có nhiều yếu tố cấu thành uy tín của ngân hàng, trong đó thường được kể đến là ba trụ cột: vốn, công nghệ và năng lực quản trị.

Ngân hàng là một định chế tài chính trung gian, nó huy động vốn trong nền kinh tế rồi lại tái phân phối nguồn vốn đó ra nền kinh tế. Nói đơn giản hơn, ngân hàng kinh doanh trên đồng vốn của chính các khách hàng. Nói vậy phải chăng hoạt động của ngân hàng không cần đến vốn tự có?

Điều này không đúng bởi vốn tự có của ngân hàng sẽ góp phần củng cố niềm tin cho người gửi tiền, bởi có mấy ai dám nhờ một người không có vốn liếng gì giữ tiền của mình. Tuy vậy, để gây dựng uy tín thì vốn tự có không phải là yếu tố có tính quyết định, bởi vốn lớn chưa hẳn nói lên rằng ngân hàng sẽ giữ tiền và sử dụng tiền của khách hàng có hiệu quả.

Công nghệ hiện đại có thể được trang bị nếu như ngân hàng có vốn tự có lớn. Công nghệ hiện đại sẽ giúp cho ngân hàng chuyên nghiệp hơn trong hoạt động và sáng tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, tiện ích lớn thỏa mãn nhu cầu phong phú và đa dạng của khách hàng.

Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là những cam kết về chất lượng và khả năng duy trì những cam kết đó trong mọi hoàn cảnh. Khách hàng sẽ là giám khảo cho điểm những sản phẩm và cũng là người có quyền đánh giá tính tuân thủ các cam kết của ngân hàng.

Hoạt động của ngân hàng vốn rất phức tạp, mang tính chuyên nghiệp trong một môi trường năng động có tính cạnh tranh cao. Trong điều kiện đó, năng lực quản trị điều hành tốt sẽ góp phần tạo sự tin tưởng hơn đối với khách hàng.

Song yếu tố năng lực và kinh nghiệm quản trị sẽ có giá trị hơn đối với những nhà đầu tư, các cổ đông ngân hàng, còn với khách hàng họ thường ít quan tâm đến yếu tố này. Hơn nữa, bằng cấp, thành tích và kinh nghiệm không đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo đó có đạo đức nghề nghiệp và liệu anh ta có thể mang lại những lợi ích tốt nhất cho khách hàng hay không.

Bên cạnh đó, luật pháp được ví như tấm gương để các ngân hàng soi mình. Muốn vậy, hệ thống luật pháp phải hoàn thiện, đủ bao quát, đủ hiệu lực và hiệu quả để giám sát và điều chỉnh các quan hệ tài chính, đảm bảo tính tuân thủ cao và hướng đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của hệ thống ngân hàng, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế.

Ngược lại khi ngân hàng tuân thủ tốt các quy định của luật pháp cũng chính là một phương cách để tạo dựng uy tín trong lòng khách hàng.

Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay, về mặt chiến lược, đối với các ngân hàng nhỏ, chưa có uy tín, phải nhanh chóng tạo dựng uy tín với khách hàng bằng những chính sách cụ thể hướng đến phục vụ lợi ích tối đa cho khách hàng; đối với các ngân hàng lớn càng phải ra sức xây dựng và củng cố uy tín của mình ngày một lớn hơn.

Vi phạm lợi ích khách hàng - ngân hàng tự đánh mất uy tín

Thế nhưng gần đây, nhiều ngân hàng liên tiếp vi phạm các quy định của pháp luật gây phương hại đến lợi ích của khách hàng.

Trong điều kiện lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch tăng trưởng và mục tiêu lợi nhuận của mình. Thế nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước không chỉ tác động đến ngân hàng mà các doanh nghiệp và cả người dân đều chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Những hành động đại loại như điều chỉnh lãi suất vay vốn khi trong hợp đồng tín dụng đã thỏa thuận lãi suất cố định, thu phí vay vốn với nhiều loại phí lạ và phi lý, hay quy định khách hàng phải gửi lại một tỷ lệ vốn vay... đã dần làm cho uy tín của ngân hàng mất đi.

Chính những hành động này của ngân hàng minh chứng cho lối tư duy cũ về vị thế của ngân hàng đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng có quan hệ tín dụng, và là một bước lùi trong suy nghĩ của các nhà quản trị ngân hàng trong điều kiện hội nhập tài chính toàn cầu.

Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng khó khăn mới rồi lại sẽ đến. Chớ làm tổn thương uy tín của chính mình và qua đó đánh mất niềm tin của khách hàng chỉ vì những lợi ích trước mắt. Để có được uy tín trong tâm trí khách hàng không phải là một vấn đề quá khó khăn.

Hãy bắt đầu từ một chính sách rõ ràng và minh bạch hướng đến lợi ích của khách hàng; tạo lập những cam kết vững chắc và thống nhất; nâng cao ý thức và tính tự giác trong việc chấp hành các quy định của luật pháp hiện hành; tôn trọng quyền lợi và bảo vệ lợi ích của khách hàng như chính lợi ích của mình là những bước đi đầu tiên nhằm gieo mầm uy tín.

Vốn có thể được tăng lên trong một ngày, công nghệ có thể được đầu tư trong một tuần, năng lực và kinh nghiệm được minh chứng trong một tháng nhưng uy tín không thể được tạo dựng chỉ trong một thời gian ngắn mà đó là một quá trình hết sức lâu dài và khó khăn.

Tiến trình tạo dựng uy tín đòi hỏi ngân hàng phải có sự kiên trì và đôi khi phải chịu hy sinh những lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài. Không có một cột mốc cố định nào để đánh giá uy tín được tạo lập hay chưa.

Uy tín do khách hàng đánh giá qua những chính sách, những cam kết và những hành động của ngân hàng. Uy tín ví như ngọn đèn trước gió rất dễ tắt bởi chỉ một luồng gió nhẹ. Một sự vi phạm cam kết hay sự bất tuân thủ trong các quy định và lời hứa gây tổn hại đến quyền và lợi ích của khách hàng có thể sẽ tự mình thổi tắt uy tín mà ngân hàng dày công che chắn.

Lịch sử đã chứng minh nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng đều xuất phát từ sự đổ vỡ niềm tin. Khi ấy thứ tài sản vô giá - uy tín - mà bấy lâu nay ngân hàng cẩn thận gìn giữ bỗng chốc biến mất.

Cho nên, bao giờ cũng vậy, tạo dựng uy tín của ngân hàng trong lòng khách hàng để không ngừng củng cố niềm tin là một việc làm hết sức hệ trọng, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của ngân hàng.

(Theo TBKTSG)