10:36 03/10/2007

Kho ngoại quan vàng vắng khách

Với ưu thế là rút ngắn thời gian và chi phí so với việc nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, đáng lẽ kho ngoại vàng phải rất hút khách

Giá vàng thường biến động rất nhanh chóng.
Giá vàng thường biến động rất nhanh chóng.
Với ưu thế là rút ngắn thời gian và chi phí so với việc nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, đáng lẽ kho ngoại vàng phải rất hút khách.

Nhưng thực tế, rất ít doanh nghiệp trong nước lấy vàng từ đây, nhà buôn quốc tế cũng không mấy mặn mà.

Cả nước hiện có 2 kho ngoại quan vàng, ở Hà Nội và Tp.HCM. Kho Tp.HCM do SJC quản lý, tại Hà Nội do Công ty Vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp quản lý, cùng khai trương từ tháng 6.

Ước tính nếu nhập hàng qua kho ngoại quan, phí vận chuyển và bảo hiểm giảm đến 40% so với việc nhập từ nước ngoài thông qua môi giới trung gian. Hơn nữa, thời gian nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp cũng được rút ngắn.

Tuy nhiên, hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày khai trương, kho ngoại quan của SJC vẫn chưa có hàng. Ngoài Hà Nội có khá khẩm hơn, lưu kho luôn đạt khoảng 400-500 kg vàng, song cũng không thấm vào đâu so với sức chứa lên đến 30 tấn của kho.

Tổng giám đốc SJC Nguyễn Thành Long cho biết hiện vẫn còn vướng một số thủ tục nên chưa thể đưa hàng vào. Hơn nữa, từ lúc khai trương kho ngoại quan tới nay, giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới, nhu cầu nhập vàng không nhiều, nên cũng không có hàng để đưa vào.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp thừa nhận cũng chưa thực sự thỏa mãn với con số lưu kho 400-500 kg hiện nay. Theo ông, muốn có khách gửi vàng, ngoài yếu tố giá cả, thủ tục, kho ngoại quan phải được bảo hiểm. Để làm được điều này thì phải dựa vào một công ty chuyên về kho ngoại quan của nước ngoài và trên thực tế việc ký kết được hợp đồng bảo hiểm kiểu này không phải đơn giản. "Cũng may mà chúng tôi đã ký ngay được hợp đồng với hãng bảo hiểm", ông nói thêm.

Thông qua đối tác nước ngoài, kho ngoại quan của SJC mới ký được hợp đồng bảo hiểm cách đây ít ngày.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất vàng miếng trong nước cho hay gửi vàng vào kho Hà Nội chủ yếu là các đầu mối kinh doanh lớn như Eximbank, Sacombank, ACB. Những khách hàng trên lại chính là các thành viên trong liên minh thành lập ra kho ngoại quan và chủ yếu chỉ kinh doanh chứ không phải tập trung nhiều vào sản xuất.

Theo ông, về lý thuyết chi phí nhập từ kho ngoại quan vàng thấp hơn so với nhập trực tiếp từ nước ngoài và thời gian cũng được rút ngắn đáng kể. Song nhiều doanh nghiệp lâu nay vẫn có các nguồn nhập riêng với giá rẻ hơn và thời gian thậm chí còn nhanh hơn.

"Giá vàng thường biến động rất nhanh chóng. Vào những đợt "sốt", giá thay đổi theo giờ nên nếu nhập từ kho vẫn bị chậm. Nhưng nếu qua "mối riêng" thì chỉ cần chồng tiền và lấy được hàng ngay bất kỳ lúc nào", vị đại diện này cho hay.

Giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh vàng khác cũng thừa nhận, khi có nhu cầu nhập khẩu, đều tự nhập ở nước ngoài chứ không thông qua kho ngoại quan. Tự nhập mất tới 3-5 ngày hàng mới về, nếu qua kho ngoại quan có thể rút ngắn xuống còn vài tiếng. Tuy nhiên, các nhà buôn quốc tế họ ngại để hàng vào kho ngoại quan ở Việt Nam, mà nguyên nhân chính là thị trường còn rủi ro, không ổn định.

"Chảy máu vàng" vẫn xảy ra

Một vấn đề với các kho ngoại quan nữa Việt Nam chưa cho phép xuất khẩu, vì vậy lượng vàng ra vào kho ngoại quan chưa nhiều. Trong kho hiện chỉ lưu vàng nhập khẩu. Nếu cho xuất khẩu, công suất có thể tăng gấp đôi, gấp 3 hiện nay.

"Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng hàng đầu thế giới, mỗi năm nhập 400 tấn, xuất trên dưới 350 tấn. Nếu Việt Nam nhập 70-80 tấn như con số của năm ngoái thì ít nhất lượng xuất cũng đạt lượng tương tự và hàng ra vào Việt Nam mỗi năm có thể tới 200-300 tấn", ông Trúc cho hay.

Ông Đinh Gia Bảng, đại diện Hiệp hội Vàng Việt Nam cho biết, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ giấy phép nhập khẩu vàng và cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu mặt hàng này.

"Hội nhập rồi, các mặt hàng đều không còn phải chịu giấy phép nhập khẩu mà ở nước khác cũng không ai yêu cầu cả, tại sao mình vẫn giữ giấy phép nhập khẩu vàng? Hiện nay ngay cả đá quý và kim cương cũng không cần giấy phép", ông Bảng nói thêm.

Một điều quan trọng hơn cả, là do không được phép xuất khẩu nên thường xuyên xảy ra tình trạng xuất lậu vàng. "Chỉ cần chênh lệch giá trong nước và thế giới lên tới 20.000-40.000 đồng/chỉ đã lãi to, làm gì mà người ta không buôn lậu", ông Bảng nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng kể, hồi "sốt" giá vàng năm ngoái, khi đó mỗi chỉ vàng lên tới gần 1,5 triệu đồng/chỉ. Tuy vậy, so với thế giới, giá vàng trong nước vẫn thấp hơn khoảng 30.000 đồng/chỉ và đây chính là dịp để các mối tranh thủ cơ hội xuất hàng sang các nước láng giềng như Campuchia, hay Lào để hưởng chênh lệch.

Theo vị đại diện này, nếu không cho xuất khẩu vàng thì không thể tránh khỏi thực trạng "chảy máu vàng" như hiện nay. Đây là một thiệt hại lớn bởi Nhà nước sẽ không thu được thuế xuất khẩu. Thêm vào đó, khi xuất lậu sang nước khác, các doanh nghiệp thường xuất vàng nguyên liệu chứ không phải hàng đã qua chế tác, hay gia công nên không tạo công ăn việc làm được cho người lao động. Nếu có thể xuất khẩu, họ sẽ sản xuất, chế tác xong mới bán nên sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động.