09:25 02/03/2009

Khổ vì lắm... tiền

Bài học dồn tiền vào đầu tư tài chính ngày càng rõ khi nhiều công ty thua lỗ nặng từ những hoạt động này

REE là một trong những công ty bị thua lỗ nặng do đầu tư tài chính mà xao nhãng hoạt động kinh doanh chính.
REE là một trong những công ty bị thua lỗ nặng do đầu tư tài chính mà xao nhãng hoạt động kinh doanh chính.
Bài học dồn tiền vào đầu tư tài chính, không tập trung phát triển ngành nghề chính đang ngày càng rõ khi nhiều công ty thua lỗ nặng từ những hoạt động này.

Vào những năm 2001-2002 khi VN-Index xuống hơn 130 điểm, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) vẫn được giao dịch quanh mức 30.000 đồng.

GMD đã đứng được khi ấy bởi khả năng duy trì lợi nhuận cao, đội ngũ nhân viên có trình độ (95% cán bộ công nhân viên GMD tốt nghiệp đại học), quản trị doanh nghiệp tốt.

Bây giờ, ngoài những ưu thế truyền thống đó, GMD còn có những dự án kinh doanh tiềm năng về cảng biển, logistics, tòa cao ốc văn phòng đang được cho thuê 100% diện tích trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, Tp.HCM...

Nhưng giá cổ phiếu GMD đang ở mức thấp nhất kể từ ngày lên sàn, 20.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2008, GMD có khả năng lỗ (quý 3/2008 đã lỗ 117 tỷ đồng) và có thể bị đặt vào tình trạng kiểm soát. Tất cả chỉ vì đầu tư tài chính.

“Lóa mắt” vì thặng dư

GMD không phải là doanh nghiệp niêm yết duy nhất có đầu tư tài chính và đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của hoạt động này dù hoạt động kinh doanh chính đang có lãi. REE, SAM, HAP, KDC, ALP... đều trong tình trạng tương tự.

Các doanh nghiệp này sẽ không “sa chân” vào đầu tư tài chính nếu họ không chịu sức ép quá lớn của cổ đông về lợi nhuận (nói đúng hơn là tốc độ gia tăng lợi nhuận) và không có những khoản thặng dư khổng lồ từ phát hành cổ phiếu vào các năm 2006-2007.

Đầu năm 2008, GMD có vốn điều lệ 475 tỷ đồng, nhưng thặng dư vốn tới 1.367 tỷ đồng.

Nhiều công ty thặng dư vốn gấp 2-3 lần vốn điều lệ. Thặng dư vốn của HAP là 264,5 tỷ đồng; của KDC 1.725 tỷ đồng... Nhiều công ty chỉ dùng một phần nhỏ thặng dư để đầu tư cho hoạt động kinh doanh chính.

Nguyên nhân chủ yếu là họ ngại mở rộng đầu tư, nâng quy mô doanh nghiệp nhanh trong khi trình độ quản lý, nguồn nhân lực không theo kịp. Sự lo ngại ấy không phải không có lý. Tốc độ “bành trướng” sản xuất quá nhanh trong khi quản lý không theo kịp dễ gây đổ vỡ là chuyện có thể xảy ra.

Thế nhưng thay vì sử dụng hợp lý và thận trọng các khoản thặng dư, không ít doanh nghiệp mắc vào cái bẫy “khổ vì nhiều tiền”. Các cổ đông lại quá tham lam khi yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp phải làm sao để “tiền đẻ ra tiền” với gia tốc lớn.

Sự gia tăng chóng mặt của giá cổ phiếu, bất động sản bấy giờ là mục tiêu mà cổ đông “vận động” cho lãnh đạo các công ty hướng tới. Thặng dư vốn, vì thế, đã nhanh chóng “chảy” vào chứng khoán, bất động sản.

Trích lập chưa đầy đủ

Công ty Kinh Đô (KDC) năm ngoái, theo báo cáo tài chính quý 4/2008, lãi sau thuế 142,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với 224 tỷ đồng của năm 2007. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về mức lợi nhuận trên.

Báo cáo tài chính hợp nhất chỉ ra, đến 31/12/2008, KDC có 619,4 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, nhưng mức trích dự phòng rủi ro chỉ có 39,4 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính dài hạn của công ty là 902,8 tỷ đồng (trong số này đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết là 41,5 tỷ đồng) và mức trích dự phòng vỏn vẹn 19 tỷ đồng.

Với sự trượt dốc của cổ phiếu niêm yết và OTC (KDC nắm giữ khá nhiều cổ phiếu ngân hàng), mức trích lập dự phòng nói trên là không đủ. Giá cổ phiếu nói chung sụt giảm 50-70%, mà danh mục đầu tư của KDC chỉ giảm khoảng 5%, thì hoạt động đầu tư tài chính của công ty phải được xếp ở mức thành công số một thị trường!!!

Điều đáng nói là thuyết minh báo cáo tài chính của KDC chỉ có phần diễn giải chung chung về nguyên tắc chuẩn mực kế toán, không hề có sự giải thích cụ thể nào liên quan đến các số liệu báo cáo. Việc này là khó chấp nhận khi KDC đã xin gia hạn nộp báo cáo tài chính trước đó.

Khác với KDC, một số đơn vị có đầu tư tài chính đã công khai minh bạch các khoản lỗ do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. GMD, theo báo cáo tài chính quý 3/2008 (chưa có báo cáo quý 4/2008), đã trích 126,2 tỷ đồng cho khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 255,5 tỷ đồng và trích 127,6 tỷ đồng cho 681 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.

Tương tự Công ty cổ phần Hapaco (HAP) trích 70 tỷ đồng cho 106,6 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và 25,4 tỷ đồng cho 52 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Vì những khoản trích này, HAP lỗ 68,7 tỷ đồng năm 2008.

Sau khi hàng loạt báo cáo tài chính năm được công bố, các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi những báo cáo tài chính có kiểm toán, mà theo quy định phải công bố trong vòng 120 ngày sau khi năm tài chính kết thúc.

Sẽ có những chênh lệch giữa số liệu kiểm toán và chưa kiểm toán. Một phần danh mục đầu tư đã được không ít doanh nghiệp chuyển vào mục đầu tư tài chính dài hạn và không trích dự phòng rủi ro với lý do không xác định được giá giao dịch trên thị trường.

Chẳng hạn, Công ty Alphanam (ALP) đầu tư tài chính dài hạn 373,8 tỷ đồng nhưng không hề trích dự phòng cho khoản này. Để minh bạch hóa việc trích lập, giúp nhà đầu tư tiếp cận và đánh giá doanh nghiệp chính xác, lẽ ra sàn UPCOM (giao dịch cổ phiếu OTC) đã phải được mở.

Khi đó cổ phiếu OTC có giá giao dịch chính thức, và các doanh nghiệp sẽ buộc phải trích lập cho khoản đầu tư OTC mà không thể nêu lý do loanh quanh như hiện nay.

Các doanh nghiệp có đầu tư tài chính đang phải trả giá đắt cho bài học mà họ đã trót vướng vào. Giám đốc một quỹ nước ngoài, thành viên hội đồng quản trị 5-6 công ty niêm yết, cho biết đã tư vấn cho các doanh nghiệp hạn chế đầu tư tài chính, nếu có đầu tư thì giới hạn số vốn nhất định và trong số vốn đó chỉ giải ngân vào những cổ phiếu cùng ngành nghề, có hiểu biết rõ.

Thế nhưng sự tư vấn của ông đã “chìm nghỉm” trước làn sóng chứng khoán dâng cao hai năm trước.

Những công ty minh bạch như REE, GMD có thể còn phải trích dự phòng rủi ro đầu tư tài chính thêm trong năm nay. Nhưng với lợi nhuận tốt từ hoạt động chính, họ có thể nhanh chóng “đứng dậy”.

Với những doanh nghiệp mà lợi nhuận từ hoạt động chính không đủ bù đắp sự giảm giá chứng khoán đã đầu tư, giá cổ phiếu sẽ đi về đâu thật khó lòng dự đoán.

Hải Lý (TBKTSG)