11:04 12/03/2008

Khổ vì tỷ giá: Lỗi còn từ chính doanh nghiệp!

Minh Đức

Đã có nhiều cảnh báo, nhưng chỉ khi nước đến chân các doanh nghiệp mới lên tiếng “kêu cứu”

Biên độ tỷ giá đang từng bước được nới rộng; trong tương lai không xa có thể lên +/-2%, cao hơn hoặc thậm chí “thả nổi” cho thị trường điều tiết.
Biên độ tỷ giá đang từng bước được nới rộng; trong tương lai không xa có thể lên +/-2%, cao hơn hoặc thậm chí “thả nổi” cho thị trường điều tiết.
Đã có nhiều cảnh báo, nhưng chỉ khi nước đến chân các doanh nghiệp mới lên tiếng “kêu cứu”.

>>Công cụ phái sinh: Cơ hội và rủi ro

Tỷ giá liên tiếp giảm, biên độ lại được nới rộng, ngân hàng hạn chế mua ngoại tệ… Những diễn biến này đang đặt hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trước khó khăn mới.

“Sợ”… ngoại tệ

Giữ ngoại tệ như đang giữ lửa. Tỷ giá liên tục giảm, lỗ hiện hữu qua từng ngày, muốn đẩy “của nợ” đi cũng không nổi. Doanh nghiệp lên tiếng “kêu cứu” vì đã đến hồi khẩn cấp.

Đây là nội dung chính trong văn bản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Công văn này cho biết hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành chủ yếu nhận thanh toán bằng đồng USD, trong khi đầu vào chủ yếu là nguyên liệu trong nước thanh toán bằng VND. Khi USD mất giá, VND thiếu hụt, doanh nghiệp khó hồi vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tỷ giá trước đây là 16.000 VND, nay chỉ còn 15.700 VND và dự kiến còn thấp hơn, ngân hàng còn thu thêm phí 2% mua ngoại tệ khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Mà để chuyển được từ USD sang VND cũng không dễ khi ngân hàng hạn chế mua.

“Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng có dư ngoại tệ nhưng không bán được trong khi vẫn phải vay vốn tiền đồng với lãi suất cao hơn trước. Trong khi giá USD giảm, chi phí bỏ ra bằng VND lại cao, tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu lỗ để sản xuất và thực hiện đơn hàng đã ký với khách hàng, vì vậy liên tục gặp khó khăn và thua thiệt”, VASEP cho biết.

Cũng do những khó khăn trên, doanh nghiệp buộc phải giảm mua nguyên liệu hoặc mua với giá thấp hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngư dân…

Với những khó khăn trên, VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông kiến nghị lên Chính phủ “khẩn trương điều chỉnh các giải pháp vĩ mô theo hướng không gây khó khăn thêm cho sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, giảm bớt thiệt hại cho ngư dân và doanh nghiệp, không đẩy doanh nghiệp và ngư dân đến chỗ bị phá sản, kéo theo những thiệt hại, đổ vỡ nghiêm trọng”.

Sau đó là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua toàn bộ số ngoại tệ mà doanh nghiệp thu từ xuất khẩu theo đúng tỷ giá Nhà nước công bố, không thu thêm phí…; Chính phủ cần tạo điều kiện về lượng tiền VND để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay…

Như vậy, thủy sản là ngành đầu tiên lên tiếng “kêu cứu” trước những biến động của tỷ giá và tình trạng khan hiếm VND gần đây. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngành xuất khẩu khác.

Đáng chú ý là từ ngày 10/3 vừa qua, biên độ tỷ giá VND/USD tiếp tục được nới rộng, giá USD tiếp tục giảm mạnh so với VND, khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu càng lớn. Nhưng, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan.

Lỗi còn từ chính doanh nghiệp!

Ngoài nguyên nhân lạm phát, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ…, nguyên nhân trực tiếp lại xuất phát từ chính sự thụ động của doanh nghiệp, vốn đã được cảnh báo trước đó.

Trường hợp của những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói trên cũng giống như một doanh nghiệp niêm yết mới đây, khi hoạch toán lại khoản vay bằng ngoại tệ cuối năm 2007, khoản lỗ liên quan lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Những khó khăn trên doanh nghiệp hoàn toàn có thể tránh được. Đó là việc sử dụng các công cụ phái sinh của các ngân hàng thương mại để dự phòng, bảo hiểm trước các rủi ro về tỷ giá.

Ở trường hợp trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể toàn quyền bắt ngân hàng mua USD, thậm chí với mức 16.000 VND chứ không phải 15.700 VND. Thuận lợi này có từ các sản phẩm quyền chọn mua/bán ngoại tệ, giao dịch kỳ hạn, hợp đồng tương lai…

Với những sản phẩm trên, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với ngân hàng, căn cứ theo hợp đồng và kế hoạch dự tính của mình, để có được một tỷ giá thích hợp trong tương lai, có được quyền mua/bán ngoại tệ tại các mốc thời điểm thỏa thuận. Những quyền này được bảo về bằng các hợp đồng, các khoản chi phí nhất định; đổi lại, doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ trong việc quy đổi vốn, nhu cầu ngoại tệ, giá trị hơn là chủ động trong kinh doanh.

Tuy nhiên, những giải pháp trên lại đang là câu chuyện buồn của các ngân hàng thương mại.

Cách đây hai năm, Ngân hàng Kỹ thương Techcombank bắt đầu giới thiệu các loại sản phẩm phái sinh nói trên. Tuy nhiên, tại hội thảo đó, nhiều đại diện doanh nghiệp đã… bỏ về bởi khó hiểu và quá mới mẻ.

Gần đây, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, thành lập hẳn những tổ công tác cơ động để trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp. Nhưng xem lại cũng không mấy doanh nghiệp mặn mà.

Cuối năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội thảo khá quy về các công cụ phái sinh, nhưng một nội dung chính vẫn là khó khăn chồng chất khi đưa sản phẩm tiếp cận các doanh nghiệp.

Một cán bộ ngân hàng trực tiếp thiết kế và tâm huyết với sản phẩm này cũng phải thở dài: “Chúng tôi nhận thấy đây là những sản phẩm mới, rất hữu ích trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thời gian này chúng tôi xác định đưa sản phẩm đến doanh nghiệp không vì mục đích lợi nhuận mà để họ nhận thấy đó là một công cụ bảo vệ lợi ích của mình, nhưng vẫn rất khó khăn”.

Cán bộ trên cùng nhóm chuyên viên đã từng vào Nam ra Bắc để phát triển sản phẩm, nhưng có thể khó khăn chính là chưa đến thời. Và nay, rủi ro tỷ giá hiện hữu và khắc nghiệt, các công cụ phái sinh đó mới đến thời chăng?

Sẽ còn nhiều khắc nghiệt

Định hướng điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu chuyển biến rõ rệt trong một năm trở lại đây. Đó là những bước đi tiến gần tới cơ chế linh hoạt, sát với thị trường.

Biên độ tỷ giá đang từng bước được nới rộng; trong tương lai không xa có thể lên +/-2%, cao hơn hoặc thậm chí “thả nổi” cho thị trường điều tiết. Đi cùng với đó là biến động tỷ giá sẽ ngày một lớn hơn, rủi ro sẽ càng lớn hơn.

Đáng chú ý là hiện tại nhiều doanh nghiệp chưa biết phải hạch toán những tổn thất liên quan đến những biến động đó như thế nào, xử lý những xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan như thế nào. Để giải quyết, đã đến lúc tính đến việc tiếp cận các công cụ phòng ngừa để bảo vệ thành quả sản xuất kinh doanh của mình.