09:35 02/11/2009

Khởi công cảng Vân Phong: “Chậm mà chắc vẫn hơn”

Khôi Minh

Sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 31/10/2009, cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong đã chính thức khởi công

Một góc khu vực Đầm Môn - vị trí xây dựng cảng Vân Phong.
Một góc khu vực Đầm Môn - vị trí xây dựng cảng Vân Phong.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 31/10/2009, cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong đã chính thức khởi công.

Nhân sự kiện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng công ty Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đánh giá của ông, việc khởi công cảng trung chuyển quốc tế  Vân Phong với quy mô lớn nhất Việt Nam vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với hàng hải Việt Nam?

Cảng Vân Phong có  điều kiện tự nhiên vào loại lý tưởng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nếu so sánh với cảng Singapore, Hong Kong, thì Vân Phong có lợi thế là một vịnh kín gió, khả năng tránh bão và gió mùa rất tốt. Độ sâu luồng vào cảng đạt trên 22m, có điểm lên đến gần 40m. Đây là cảng nước sâu số 1 khu vực. Việc xây dựng cảng Vân Phong có thể tiết kiệm được hàng tỉ USD nhờ độ sâu tự nhiên đó.

Giai đoạn khởi đầu, Vinalines làm chủ đầu tư xây dựng 2 cầu tàu có tổng chiều dài bến 690m với hệ thống trang thiết bị bốc xếp, kho bãi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo tiền đề kích thích đầu tư các bước tiếp theo. Mỗi cầu tàu có thể tiếp nhận tàu container công suất đến 11.000 TEU, đáp ứng lượng hàng thông qua 710.000 TEU/năm.

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn khởi động là hơn 4.000 tỉ đồng. Cầu tàu thứ nhất sẽ được hoàn tất trong 18 tháng. Riêng khu dịch vụ sau cảng, như khu kho bãi container tiêu chuẩn quốc tế cũng như các khu dịch vụ liên quan khác cho hai bến khởi động sẽ được hoàn thành trước.

Đến năm 2020, cảng Vân Phong sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua 4,5 triệu TEU/năm, với 8 bến cho tàu container sức trở đến 12.000 TEU và 8 bến cho tàu feeder. Tổng diện tích toàn cảng 405 ha, tổng chiều dài bến 5.710 m. Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đi vào hoạt động không chỉ tạo bước đột phá cho phát triển cảng biển Việt Nam mà còn là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cả khu vục miền Trung phát triển nhanh, từng bước hiện thực hoá chiến lược biển Việt Nam.

Vấn đề hợp tác, liên doanh với những tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực khai thác cảng biển trên thế giới, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện dự án  được tính đến như thế nào, thưa ông?

Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong có quy mô rất lớn. Theo đó mọi hoạt động liên quan từ khâu thiết kế, xây dựng đến quá trình vận hành sau nay đều lấy thang bậc quốc tế làm tiêu chuẩn.

Trong quá trình lập dự án đến thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị đều được tính toán rất kỹ lưỡng và khoa học với tầm nhìn xa. Dự án tuy có chậm lại một chút nhưng chậm mà chắc vẫn hơn. Lợi ích quốc gia, hiệu quả của dự án phải được đặt lên hàng đầu, dứt khoát không để tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí.

Hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài sẽ giúp chúng ta tranh thủ nguồn vốn và thu nhận kinh nghiệm, công nghệ khai thác tiên tiến, nhất là các kinh nghiệm khai thác bạn hàng mới. Đồng thời thông qua liên doanh để quảng bá lợi thế của cảng biển, hàng hải Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên ở giai đoạn khởi động cảng Vân Phong sẽ có nhiều khó khăn phát sinh nên Vinalines sẽ cố gắng phát huy tối đa nội lực của mình là chính. Nguồn vốn đầu tư được chúng tôi huy động từ quá trình tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để từ đó trích lợi nhuận ra đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hàng hải.

Đặc thù của đầu tư cho cảng biển là cần vốn lớn nhưng thời gian hoàn vốn lâu dài cho nên cần sự tính toán hợp lý. Bên cạnh cảng Vân Phong thì toàn bộ hệ thống cảng biển hiện có của chúng ta cũng đang cần nhiều kinh phí đầu tư, nâng cấp, mở rộng để tăng sức cạnh tranh. Theo đó cùng với việc liên doanh, hợp tác, Vinalines cũng đã tính đến nhiều hình thức huy động vốn khác. Trong đó có hình thức huy động nguồn vốn từ công tác sắp xếp cổ phần hoá các doanh nghiệp của ngành hàng hải. Huy động vốn thông qua các nguồn tiền niêm yết các cổ phiếu của các doanh nghiệp đã cổ phần ra thị trường chứng khoán trong nước và tới đây sẽ niêm yết ra thị trường quốc tế khi tình hình kinh tế quốc tế phục hồi.

Kế đó, chúng tôi thuê tư vấn nước ngoài đánh giá các hệ số tín nhiệm của Vinalines để chuẩn bị cho bước tiếp theo là Vinalines tự phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra nước ngoài để thu hút tài chính vào các dự án trọng điểm có hiệu quả.

Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động kinh doanh của Vinalines năm 2009 trên hai lĩnh vực chính là khai thác cảng và vận tải biển?

Năm 2009, Vinalines đặt chỉ tiêu doanh thu 18.000 tỷ đồng với tổng sản lượng hàng hoá vận tải là 27,8 triệu tấn, hàng hoá thông qua cảng đạt 52,3 triệu tấn. Đến đầu tháng 10/2009, chúng tôi đã đạt doanh thu gần 14.000 tỷ đồng với sản lượng hàng hoá vận tải đạt gần 23 triệu tấn, hàng hoá thông qua cảng đạt xấp xỉ 53 triệu tấn.

Mục tiêu mà Vinalines đặt ra cho năm 2009 trên hai lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển và khai thác cảng cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác không những hoàn thành mà còn vượt xa kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Trong đó riêng về đội tàu vận tải biển của Vinalines, thì đến đầu năm 2009 đã đạt tổng trọng tải trên 2,6 triệu tấn, tức là đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra cho năm 2010 trước 2 năm.

Như vậy, với hướng đầu tư như hiện nay, thì đến năm 2010, tổng trọng tải đội tàu của Vinalines sẽ đạt trên 3 triệu tấn, vượt mục tiêu Chính phủ giao.