10:43 19/01/2007

Khởi đầu thuận lợi cho HIPC

Phạm Hùng Nghị thực hiện

Nội dung cuộc trao đổi với ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc HIPC để tìm hiểu cuộc đấu giá cổ phần vừa qua và nội lực của công ty này

Một góc Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Một góc Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Cuộc đấu giá bán cổ phần của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (HIPC) đã kết thúc với khối lượng được đặt mua hợp lệ đạt 94.717.400 cổ phần, giá đấu cao nhất là 20,1 triệu đồng/cổ phần.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc HIPC để tìm hiểu cuộc đấu giá và nội lực của công ty này.

Thưa ông, ngày 15/01/2007 vừa qua, cuộc đấu giá bán cổ phần của Khu công nghiệp Hiệp Phước đã được tổ chức. Kết quả được nhiều nhà quan sát cho là đạt nhiều “kỷ lục”. Ông có nhận xét gì về những kết quả này?

Ngày 22/9/2006, UBND Tp.HCM có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển bộ phận Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 1 - 327 ha) là đơn vị trực thuộc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) thành Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC).

Chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành các bước chuyển đổi, và ngày 15/1/2007 đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 2.295.300, trong đó số cổ phần người nước ngoài được phép mua là 1.800.000, với giá khởi điểm là 14.500 đồng/cổ phần.

Kết quả là khối lượng được đặt mua hợp lệ đã lên tới 94.717.400 cổ phần (bằng 41 lần số cổ phần đưa ra đấu giá) với giá đấu thành công cao nhất là 20,1 triệu đồng/cổ phần, thấp nhất là 207.000 đồng/cổ phần.

Giá đấu thành công bình quân là 225.659 đồng/cổ phần (gấp 15,5 lần so với giá khởi điểm). Theo chúng tôi, đây là một kết quả hợp lý, và các nhà đầu tư đã có một chọn lựa hoàn toàn có cơ sở, giá mua cổ phần là giá trị thực đã được đánh giá.

Có nhiều ý kiến cho rằng vốn điều lệ của HIPC chỉ có 60 tỷ đồng là quá thấp. Ông nghĩ sao?

Việc cổ phần hóa bộ phận Khu công nghiệp Hiệp Phước (nay là HIPC) thực ra đã được dự định tiến hành từ cuối năm 2003.

Khi đó, Khu công nghiệp Hiệp Phước chưa được đầu tư gì đáng kể; các nhà đầu tư vào đây cũng còn thưa thớt chỉ đếm được trên đầu ngón tay nên định giá được 60 tỷ đồng vốn điều lệ vào thời điểm đó đã là lớn.

Đến tháng 9/2006 mới có quyết định cổ phần hóa của UBND Tp.HCM, vốn cũng không thay đổi, nhưng diễn biến đầu tư vào khu công nghiệp này đã hoàn toàn khác. Theo tôi, vốn điều lệ hay vốn pháp định thực ra không nói lên được tất cả tiềm lực của dự án.

Ông đã nói rằng các nhà đầu tư chọn HIPC là có những cơ sở vững chắc, và giá đặt mua cổ phần vừa qua là giá thực được đánh giá. Đâu là những cơ sở này, thưa ông?

Đầu tiên là hiệu quả của Khu công nghiệp Hiệp Phước. Bản cáo bạch của chúng tôi đã nêu rõ lợi nhuận qua các năm từ 2003, 2004, 2005 tăng từ 5,4 tỷ đồng lên 14,9 tỷ đồng rồi 73,3 tỷ đồng; đến hết quý III/2006 đạt 16,3 tỷ đồng.

Thực ra đến cuối năm 2006, lợi nhuận đã đạt trên 100 tỷ, con số này mà được công bố thì có thể giá mua cổ phần sẽ còn cao hơn.

HIPC hiện còn trên 42 ha đất trống chưa đưa vào kinh doanh, dự kiến sẽ được đưa vào liên doanh nhằm triển khai các hoạt động dịch vụ và cụm cảng, và chắc chắn giá trị gia tăng sẽ tăng lên rất lớn.

Thứ đến là hướng phát triển của HIPC gắn liền với dự án Khu đô thị công nghiệp Hiệp Phước, tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Riêng Khu công nghiệp Hiệp Phước, ngoài giai đoạn 1 (327 ha) được cổ phần hoá thành HIPC, còn giai đoạn 2 (quy mô 600 ha, đang giải tỏa đền bù, triển khai trong giai đoạn 2005-2010), và giai đoạn 3 (quy mô 1.068 ha, sẽ triển khai sau năm 2010).

Trong đó HIPC có thể được tham gia đầu tư và kinh doanh các giai đoạn 2 và 3.

Một cơ sở nữa để các nhà đầu tư mạnh dạn chọn HIPC là thương hiệu IPC - nhà đầu tư phát triển công nghiệp các dự án có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất nước, như các Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cảng biển Hiệp Phước công suất 1,5 triệu TEU/năm...

Thưa ông, với những cơ sở đầy triển vọng lạc quan như thế, tại sao trong việc đấu giá bán cổ phần của HIPC lại vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài?

Đúng là trong số nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, gồm 80 tổ chức và 2.115 cá nhân, không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia; cũng vì thế mà không có cổ phần nào được bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng theo đánh giá của nhiều người, đằng sau 12 nhà đầu tư trúng giá (gồm 1 tổ chức và 11 cá nhân) thế nào cũng có yếu tố nước ngoài tham gia

Thưa ông, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) do ông làm Tổng giám đốc sẽ có vai trò và sự hỗ trợ nào để HIPC phát triển như kỳ vọng của các nhà đầu tư?

Từ năm 2004, UBND Tp.HCM đã có quyết định tổ chức lại Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

HIPC là công ty con của IPC, với các hoạt động ngành nghề xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp, các cụm dân cư, khu đô thị mới tại Tp.HCM và các địa phương khác.

Đồng thời cung cấp dịch vụ cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các loại nguyên vật liệu, vật tư, cây xanh, cung cấp bữa ăn công nghiệp; kinh doanh xuất nhập khẩu, vật liệu xây dựng, cho thuê thiết bị văn phòng.

Công ty còn xây dựng và cho thuê văn phòng làm việc, kho bãi trong khu công nghiệp; đầu tư xây dựng bến neo phao neo tàu, lai dắt tầu biển, môi giới hàng hải, đại lý tầu biển; kinh doanh vận tải biển, bốc xếp, giao nhận hàng hóa; đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác...

Các loại hình hoạt động này vốn IPC có nhiều kinh nghiệm và đối tác, nên việc hỗ trợ để HIPC phát triển đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư là điều khả thi.