Khởi tố tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng hơn 32%
Năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 72.000 vụ án
Tại báo cáo cáo của khối tư pháp được Quốc hội nghe và thảo luận trong ngày 13/11 và sáng 14/11, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí in nghiêng thông tin năm 2017 có đại biểu hỏi Viện trưởng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không? Câu trả lời là phải xem kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao như thế nào? Nay xin báo cáo: công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chuyển biến rõ nét về chất.
Cụ thể, trong năm 2018, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 3 vụ án "dùng nhục hình" dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng.
Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.
Viện trưởng cho biết tiếp, trong kỳ, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành 104 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tăng 21 kiến nghị (25,3%). Gồm 40 kiến nghị đối với cơ quan Công an các cấp, 26 kiến nghị đối với tòa án các cấp, 24 kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự các cấp, 10 kiến nghị đối với viện kiểm sát địa phương và 44 kiến nghị đối với các ngành khác.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tổng hợp những vi phạm phổ biến, ban hành 3 kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm; được các bộ ngành, tiếp thu và quán triệt thực hiện trong toàn ngành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp và đáp ứng một bước yêu cầu làm trong sạch các cơ quan tư pháp của Quốc hội.
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng
Khái quát tình hình, Viện trưởng đánh giá, năm 2018 tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017. Trong đó đáng chú ý, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường đều giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ nguy hiểm của phạm tội cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
"Đáng lưu ý, các tổ chức phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng việc Quốc hội thảo luận một số dự án luật, đã tuyên truyền, kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của cơ quan Nhà nước. Tiếp tục phát hiện khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng", Viện trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo, hoạt động của các cơ quan tư pháp cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tội phạm khởi tố mới trong lĩnh vực này tăng 39,3% số vụ).
Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát theo thủ tục sơ thẩm hơn 400.000 vụ, việc dân sự, tăng 15,2% và gần 10.000 vụ án hành chính, tăng 32,6%. Có nhiều vụ việc tranh chấp hành chính ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, Viện trưởng thông tin.
Xử lý nghiêm án tham nhũng
Một trong những kết quả nổi bật được nêu tại báo cáo là tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế.
Báo cáo nêu rõ, quán triệt sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ khi giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng; chủ trì xây dựng, ban hành thông tư liên tịch về công tác giám định để tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Viện trưởng cũng lựa chọn, bố trí kiểm sát viên có trình độ, năng lực tại các đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Cử kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đến thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án về tham nhũng tại tòa án cấp tỉnh; tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế,...
Kết quả, số vụ án được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.
Theo đó, vai trò, trách nhiệm công tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước.