09:04 02/10/2007

“Không có chuyện Đức cắt viện trợ cho Việt Nam”

Từ Nguyên

Đó là thông tin từ tân Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, ông Kof Shulze, trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 1/10

"Mối quan hệ hai nước vẫn đang tiến triển tốt đẹp. Bằng chứng là hai chính phủ vẫn tổ chức những cuộc đối thoại thường niên 2 năm một lần về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước…"
"Mối quan hệ hai nước vẫn đang tiến triển tốt đẹp. Bằng chứng là hai chính phủ vẫn tổ chức những cuộc đối thoại thường niên 2 năm một lần về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước…"
Đó là thông tin từ tân Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, ông Kof Shulze, trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 1/10.

Những vấn đề gì sẽ được ông ưu tiên quan tâm nhất trong nhiệm kỳ của mình?

Chính phủ Đức luôn xem Việt Nam là một đối tác quan trọng, đồng thời luôn đề cao vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương.

Vì vậy, những hoạt động ưu tiên của tôi trong nhiệm kỳ tại Việt Nam trước tiên sẽ là những nỗ lực để tăng cường đối thoại về chính trị giữa hai nước. Kế tiếp sẽ là những động thái nhằm khích lệ các doanh nghiệp Đức quan tâm và đầu tư vào Việt Nam, một đất nước mà theo tôi sẽ là một hiện tượng của châu Á trong thời gian tới.

Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa cũng sẽ là vấn đề tôi sẽ quan tâm trong các hoạt động của mình. Đặc biệt là vấn đề giáo dục đại học. Chính phủ hai nước đang đàm phán để trong thời gian tới sẽ thành lập một trường đại học Đức tại Việt Nam. Chính phủ Đức cũng đang phối hợp với phía Việt Nam để đưa tiếng Đức trở thành một ngoại ngữ thứ hai trong các trường học của Việt Nam.

Xin ông cho biết những dự án mà các doanh nghiệp và Chính phủ Đức đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam?

Hiện nay, dự án lớn nhất mà phía Đức đang có ý định đầu tư vào Việt Nam là dự án tàu điện ngầm tại Tp.HCM. Nước Đức muốn có dự án này không chỉ vì mục đích chính trị mà còn là vì mục đích kinh tế, thương mại… Còn những thông tin cụ thể về dự án như vốn, thời gian thực hiện thì hiện nay 2 nước vẫn đang đàm phán.

Ngoài ra, vừa qua một số doanh nghiệp Đức cũng đã đạt được thỏa thuận với UBND thành phố Hải Phòng về việc xây dựng một khu công nghiệp của Đức tại đây. Một vài doanh nghiệp khác cũng vừa ký với tập đoàn Vinashin của Việt Nam về lĩnh vực đóng tàu và trang thiết bị cảng biển.

Đặc biệt, dự án được Chính phủ Đức quan tâm nhất là việc xúc tiến thành lập một trường đại học Đức tại Việt Nam. Dự kiến, những vấn đề quan trong này sẽ được đưa ra bàn bạc cụ thể tại cuộc họp của hai chính phủ vào đầu năm 2008 tới.

Xin ông cho biết những nhóm mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam được thị trường Đức quan tâm?

Tôi xin lưu ý rằng, Đức hiện nay là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong liên minh châu Âu. Năm ngoái cán cân thương mại giữa hai nước đã lên đến 3 tỷ Euro, con số này gấp đôi so với cán cân giữa Việt Nam với Nga. Trong 9 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng thêm rất nhiều.

Trước đây, Đức nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê, gạo, thủy sản… Những mặt hàng này được người dân Đức đánh giá rất cao và nó cũng có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường nội địa Đức.

Nhưng hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều nhóm mặt hàng ngày càng có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của thị trường Đức như các sản phẩm công nghiệp, dệt may, da giày và một số mặt hàng điện tử, đồ gia dụng khác.

Vì vậy, theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nếu có ý định xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Đức thì vẫn tiếp tục tập trung vào những nhóm mặt hàng trên. Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều lô hàng được xuất khẩu và mang lại giá trị cao thì các doanh nghiệp cần phải chú ý đến chất lượng hàng hóa cũng như một số tiêu chuẩn về kỹ thuật, y tế… dù là nhỏ nhất.

Có thông tin cho rằng, đến năm 2015, Chính phủ Đức sẽ cắt viện trợ đối với Việt Nam. Xin ông xác nhận thông tin này ?

Tôi xin lưu ý với các bạn rằng, ở ngoài xã hội thì có rất nhiều tin đồn. Còn riêng tôi thì đến giờ phút này tôi vẫn chưa nghe thấy thông tin này. Và nếu có nghe thì tôi cũng không tin thông tin này.

Còn với tư cách là Đại sứ của CHLB Đức tại Việt Nam, tôi xin thay mặt Chính phủ Đức khẳng định là Chính phủ Đức chưa bao giờ có ý định này. Mối quan hệ hai nước vấn đang tiến triển tốt đẹp. Bằng chứng là 2 Chính phủ vẫn tổ chức những cuộc đối thoại thường niên 2 năm một lần về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước…

Tôi cũng xin khẳng định rằng, từ năm 1990 đến nay, Chính phủ Đức đã viện trợ cho Việt Nam hơn 1 tỷ USD và luôn đánh giá cao khả năng thực hiện các dự án mà phía Đức viện trợ cho Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Đức sẽ tiếp tục đầu tư, viện trợ đối với Việt Nam.

Vì vậy, tôi xin nhắc lại rằng, thông tin về việc Đức cắt viện trợ cho Việt Nam là hoàn toàn không có thật.

Trong thời gian qua, số lượng người Việt Nam xuất khẩu lao động sang Đức đã giảm đáng kể. Vậy, trong nhiệm kỳ của mình, ông có những đề xuất hay động thái gì để khắc phục tình trạng này?

Hiện nay số người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức đã lên đến trên 100.000 người. Trong đó có một bộ phận không nhỏ đã sinh sống lâu năm tại Đức. Nhng người này luôn được đánh giá cao về tri thức, trình độ tay nghề và tính hòa nhập cộng đồng.

Còn việc lao động Việt Nam đến Đức giảm sút trong thời gian gần đây có thể là do một số nguyên nhân từ các cơ quan tuyển dụng như điều kiện, chi phí… Tuy nhiên, với tư cách là một Đại sứ, tôi sẽ quan tâm đến vấn đề này nhằm tăng cường số lượng người Việt Nam sang học tập và làm việc tại Đức cũng như người Đức sang Việt Nam.