“Không có tập đoàn nào lớn đến mức không thể sụp đổ”
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép chính phủ được giải tán các tập đoàn tài chính lớn
Với lập luận nói trên, Ủy ban Tài chính của Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép chính phủ được giải tán các tập đoàn tài chính lớn, nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế, bất kể tập đoàn đó đang hoạt động tốt hay xấu.
Trong ngày Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ họp thông qua dự luật này (18/11), phía bên ngoài sảnh trụ sở Ủy ban, giới vận động hành lang cho ngân hàng và phố Wall chen nhau tìm các nghị sĩ quen để “níu áo”, nhằm thay đổi kết quả bỏ phiếu.
Hai người bị níu kéo nhiều nhất là Gregory Meeks và Dan Maffei, hai nghị sĩ đại diện New York, Phố Wall. Hai người này chiều lòng Phố Wall, bỏ phiếu phản đối dự luật của ông Kanjorski. Tuy nhiên, giới vận động hành lang vẫn thất bại.
Theo dự luật này, chính phủ được quyền giải thể các công ty tài chính quá lớn, có mức liên kết và tầm ảnh hưởng quá rộng, đến mức có thể gây hại cho nền kinh tế thậm chí cả khi các công ty này vẫn đang hoạt động tốt. Dự luật trên được đặt tên “Quá lớn, không sụp nổi” (Too big to fail) dựa theo câu nói của Hạ nghị sĩ Paul Kanjorski của Đảng Dân chủ, người đề xướng dự luật.
Ông Kanjorski nói: “Không nên xem bất cứ tập đoàn nào là lớn đến mức không thể sụp đổ. Các tập đoàn tài chính muốn đánh bạc phải có nguồn lực riêng để chi trả cho khoản cược của mình và đừng tơ hào rằng tiền thuế của dân lúc nào cũng có sẵn trong kho dự trữ để trả cho những ván thất bại”.
Những người bỏ phiếu thuận cho rằng luật này cần thiết để ngăn ngừa những vụ sụp đổ làm tiêu tốn nhiều tỉ USD dự trữ để mua lại như thời gian qua. Họ cho rằng thà chia tách những tập đoàn tài chính lớn còn hơn để những tập đoàn này gây hại cho nền kinh tế.
Ông Kanjorski nói: “Chúng ta không thể để điều này xảy ra lần nữa. Những người này kéo sụp gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chúng ta bị đẩy lùi về sau nhiều thế kỷ trong phát triển kinh tế”.
Ông James Bullard, chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis người ủng hộ ông Kanjorski cho rằng: “Không thể để các tập đoàn này gom quá nhiều tiền lúc gặp thời, đến khi hết thời lại chạy đến những người đóng thuế”. Những người ủng hộ dự luật đều lấy trường hợp Tập đoàn Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIG) làm ví dụ. AIG quá lớn và gốc rễ bén sâu vào nền kinh tế nên khi AIG sụp đổ, chính phủ buộc phải tung nhiều tỉ USD ra ứng cứu nếu không nền kinh tế vỡ vụn.
Phía Cộng hoà đã lên tiếng chỉ trích đạo luật này là vi hiến và hà khắc. “Khi chính phủ nói anh to quá, chúng tôi sẽ phân tán anh, đó là vi phạm quyền sở hữu cá nhân trên đất nước này”, nghị sĩ Randy Neugebauer của phe Cộng hoà nhận xét. Các nghị sĩ Cộng hoà chơi chữ nói rằng trong trường hợp này, chữ D trong Democrats (dân chủ) là chữ D trong Draconian (hà khắc).
Các nghị sĩ Cộng hoà cho rằng luật này trao quá nhiều quyền hạn vào tay chính quyền, chính quyền có thể lạm dụng quyền đó để ép các tập đoàn tài chính tự co lại, tự chuốc lấy bất lợi về mình. Phố Wall cũng chỉ trích rằng luật này cho phép chính phủ chia tách các công ty thậm chí cả khi chúng hoạt động có uy tín và có khả năng huy động vốn tốt. Đồng thời, họ còn cho rằng dự luật như vậy buộc các định chế tài chính giảm quy mô và đặt chúng vào thế cạnh tranh bất lợi.
Tổng giám đốc Jamie Dimon của Tập đoàn JPMorgan Chase & Co. nói, dự luật của ông Kanjorski sẽ bó tay các tập đoàn tài chính của Mỹ liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh với hệ thống tập đoàn lớn của các nước khác. Đạo luật này còn bị chỉ trích là tầng lớp quan liêu mới làm triệt tiêu mọi phát minh tài chính.
Khi nghe tin này, giới tài chính châu Âu cũng lo ngại, bởi châu Âu cũng đang tìm cách ngăn ngừa khủng hoảng tài chính quay lại và có thể châu Âu sẽ áp dụng đạo luật tương tự Mỹ. Lo ngại này có căn cứ bởi trong tháng chín vừa qua, ông Kanjorski và hai nghị sĩ khác đến châu Âu để tìm ủng hộ cho đạo luật này. Ông cho biết giới lãnh đạo châu Âu “ngầm” cho ông hiểu rằng châu Âu sẽ hành động tương tự.
Chưa kể, tại Đại học Quốc gia Thuỵ Sĩ, phó chủ tịch ngân hàng quốc gia nước này Philip Hildebrand bật đèn xanh: “Chính phủ các nước phải hợp tác để giải quyết vấn đề các ngân hàng quá lớn liên kết quá chặt. Nếu không làm thế, nguy cơ xảy ra khủng hoảng tương tự có thể đe doạ tận gốc rễ nền kinh tế thị trường”. Theo ông Hildebrand, một cuộc khủng hoảng tương tự vừa qua có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bảo hộ, đe doạ phá huỷ nền kinh tế dựa vào thị trường làm căn bản.
Tuy nhiên, để trở thành luật chính thức, dự luật này còn chờ Thượng viện Mỹ thông qua, và Nhà Trắng ký. Từ đây đến đó, giới vận động còn “chạy”, và nhiều nghị sĩ Cộng hoà còn cơ hội đưa dự luật của mình ra đấu để thay thế.
Ngọc Danh (SGTT)
Trong ngày Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ họp thông qua dự luật này (18/11), phía bên ngoài sảnh trụ sở Ủy ban, giới vận động hành lang cho ngân hàng và phố Wall chen nhau tìm các nghị sĩ quen để “níu áo”, nhằm thay đổi kết quả bỏ phiếu.
Hai người bị níu kéo nhiều nhất là Gregory Meeks và Dan Maffei, hai nghị sĩ đại diện New York, Phố Wall. Hai người này chiều lòng Phố Wall, bỏ phiếu phản đối dự luật của ông Kanjorski. Tuy nhiên, giới vận động hành lang vẫn thất bại.
Theo dự luật này, chính phủ được quyền giải thể các công ty tài chính quá lớn, có mức liên kết và tầm ảnh hưởng quá rộng, đến mức có thể gây hại cho nền kinh tế thậm chí cả khi các công ty này vẫn đang hoạt động tốt. Dự luật trên được đặt tên “Quá lớn, không sụp nổi” (Too big to fail) dựa theo câu nói của Hạ nghị sĩ Paul Kanjorski của Đảng Dân chủ, người đề xướng dự luật.
Ông Kanjorski nói: “Không nên xem bất cứ tập đoàn nào là lớn đến mức không thể sụp đổ. Các tập đoàn tài chính muốn đánh bạc phải có nguồn lực riêng để chi trả cho khoản cược của mình và đừng tơ hào rằng tiền thuế của dân lúc nào cũng có sẵn trong kho dự trữ để trả cho những ván thất bại”.
Những người bỏ phiếu thuận cho rằng luật này cần thiết để ngăn ngừa những vụ sụp đổ làm tiêu tốn nhiều tỉ USD dự trữ để mua lại như thời gian qua. Họ cho rằng thà chia tách những tập đoàn tài chính lớn còn hơn để những tập đoàn này gây hại cho nền kinh tế.
Ông Kanjorski nói: “Chúng ta không thể để điều này xảy ra lần nữa. Những người này kéo sụp gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chúng ta bị đẩy lùi về sau nhiều thế kỷ trong phát triển kinh tế”.
Ông James Bullard, chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis người ủng hộ ông Kanjorski cho rằng: “Không thể để các tập đoàn này gom quá nhiều tiền lúc gặp thời, đến khi hết thời lại chạy đến những người đóng thuế”. Những người ủng hộ dự luật đều lấy trường hợp Tập đoàn Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIG) làm ví dụ. AIG quá lớn và gốc rễ bén sâu vào nền kinh tế nên khi AIG sụp đổ, chính phủ buộc phải tung nhiều tỉ USD ra ứng cứu nếu không nền kinh tế vỡ vụn.
Phía Cộng hoà đã lên tiếng chỉ trích đạo luật này là vi hiến và hà khắc. “Khi chính phủ nói anh to quá, chúng tôi sẽ phân tán anh, đó là vi phạm quyền sở hữu cá nhân trên đất nước này”, nghị sĩ Randy Neugebauer của phe Cộng hoà nhận xét. Các nghị sĩ Cộng hoà chơi chữ nói rằng trong trường hợp này, chữ D trong Democrats (dân chủ) là chữ D trong Draconian (hà khắc).
Các nghị sĩ Cộng hoà cho rằng luật này trao quá nhiều quyền hạn vào tay chính quyền, chính quyền có thể lạm dụng quyền đó để ép các tập đoàn tài chính tự co lại, tự chuốc lấy bất lợi về mình. Phố Wall cũng chỉ trích rằng luật này cho phép chính phủ chia tách các công ty thậm chí cả khi chúng hoạt động có uy tín và có khả năng huy động vốn tốt. Đồng thời, họ còn cho rằng dự luật như vậy buộc các định chế tài chính giảm quy mô và đặt chúng vào thế cạnh tranh bất lợi.
Tổng giám đốc Jamie Dimon của Tập đoàn JPMorgan Chase & Co. nói, dự luật của ông Kanjorski sẽ bó tay các tập đoàn tài chính của Mỹ liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh với hệ thống tập đoàn lớn của các nước khác. Đạo luật này còn bị chỉ trích là tầng lớp quan liêu mới làm triệt tiêu mọi phát minh tài chính.
Khi nghe tin này, giới tài chính châu Âu cũng lo ngại, bởi châu Âu cũng đang tìm cách ngăn ngừa khủng hoảng tài chính quay lại và có thể châu Âu sẽ áp dụng đạo luật tương tự Mỹ. Lo ngại này có căn cứ bởi trong tháng chín vừa qua, ông Kanjorski và hai nghị sĩ khác đến châu Âu để tìm ủng hộ cho đạo luật này. Ông cho biết giới lãnh đạo châu Âu “ngầm” cho ông hiểu rằng châu Âu sẽ hành động tương tự.
Chưa kể, tại Đại học Quốc gia Thuỵ Sĩ, phó chủ tịch ngân hàng quốc gia nước này Philip Hildebrand bật đèn xanh: “Chính phủ các nước phải hợp tác để giải quyết vấn đề các ngân hàng quá lớn liên kết quá chặt. Nếu không làm thế, nguy cơ xảy ra khủng hoảng tương tự có thể đe doạ tận gốc rễ nền kinh tế thị trường”. Theo ông Hildebrand, một cuộc khủng hoảng tương tự vừa qua có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bảo hộ, đe doạ phá huỷ nền kinh tế dựa vào thị trường làm căn bản.
Tuy nhiên, để trở thành luật chính thức, dự luật này còn chờ Thượng viện Mỹ thông qua, và Nhà Trắng ký. Từ đây đến đó, giới vận động còn “chạy”, và nhiều nghị sĩ Cộng hoà còn cơ hội đưa dự luật của mình ra đấu để thay thế.
Ngọc Danh (SGTT)