"Không thể cứ chờ công chức nóng lên"
Phải tăng kỷ cương, nếu nơi nào không thực hiện thì có biện pháp kỷ luật ngay
Phải tăng kỷ cương, nếu nơi nào không thực hiện thì có biện pháp kỷ luật ngay, không lý do gì mà cứ nuôi những người không làm tròn nhiệm vụ.
Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi bà được hỏi nên làm gì để việc cải thiện môi trường kinh doanh đạt kết quả tốt hơn, tại một hội thảo diễn ra ngày 15/3.
Trước hết trách bộ máy
Đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh trong mấy năm gần đây đã ngày càng tốt hơn, song bà Lan cho rằng có vấn đề nổi lên hết sức rõ rệt là kỷ cương hoàn toàn không nghiêm.
"Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đều nói trên nóng dưới lạnh, trong khi những người thực hiện đều là đảng viên, trước hết phải trách bộ máy của chính mình", bà Lan thẳng thắn.
Nêu kinh nghiệm thời Thủ tướng Phan Văn Khải khi tổ tư vấn đề nghị là chấp nhận ngay việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chứ không chờ các bộ, bà Lan cho rằng cần đưa ra yêu cầu cụ thể về tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Đến thời điểm được yêu cầu mà các bộ không cắt được thì Thủ tướng quyết định cắt.
"Không thể cứ chờ các công chức họ nóng lên trong khi họ lạnh tanh với doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước", bà Lan phát biểu.
Nhấn mạnh trách nhiệm giải trình là điểm yếu rất lớn của bộ máy, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng cần tăng vai trò giám sát và công cụ đánh giá của doanh nghiệp, người dân đối với các bộ, ngành để việc cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh là thật, chứ không phải gom 3-4 điều vào 1 điều rồi nói là cắt giảm, như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận xét.
Còn nhiều dư địa
Chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế, bà Catherine Masinde, Trưởng nhóm tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh Ngân hàng Thế giới (WB) nói, Việt Nam đã làm tốt song vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh. Dư địa ở đây chính là thông qua việc cải thiện những chỉ số môi trường kinh doanh đang ở thứ hạng thấp như phá sản doanh nghiệp, tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh.
Thông lệ quốc tế được vị chuyên gia WB đề cập là cần có sự nâng cấp" về hệ thống toà án theo hướng chuyên môn hoá, tăng cường khung pháp lý nhằm xử lý kịp thời, nhanh chóng các vấn đề xảy ra trong quá trình thực thi hợp đồng, thực hiện phá sản, tranh chấp tại doanh nghiệp.
Còn với chỉ số khởi sự kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò quan trọng của việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, một cửa duy nhất, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp xử lý thủ tục giữa các cơ quan quản lý. Từ đó, có thể giảm số thủ tục cũng như thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
Được đề nghị chia sẻ thêm về vai trò của hội đồng năng lực cạnh tranh Quốc gia, vị chuyên gia này cho biết nhiều nước đã thành lập cơ chế hội đồng với sự tham gia của đại diện Chính phủ và đại diện doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để thảo luận chương trình nghị sự, kế hoạch hành động nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong môi trường kinh doanh. Các bên phải có trách nhiệm giải trình về những gì mình đã cam kết thực hiện.
Nhấn mạnh những thay đổi về luật, quy định, thủ tục cần phải được triển khai và thực thi một cách phù hợp mới đem lại hiệu quả như kỳ vọng, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, nói: tình trạng trên nóng dưới lạnh có ở nhiều nước, vì vậy, việc kết nối và tháo bỏ các điểm nghẽn, thiết lập cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp có vai trò quan trọng.
Với bối cảnh các nước láng giềng cũng đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cả chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đều cho rằng cần học cái hay từ chính các nước láng giềng này.
Chẳng hạn trong lĩnh vực du lịch thì quy định về visa đang là điểm nghẽn của Việt Nam khi chỉ miễn có 24 nước, trong khi nhiều nước trong khu vực đã mở toang cho 60 - 70 nước.