13:36 26/06/2008

“Không thể nói Vinashin đầu tư dàn trải”

Anh Quân

Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) giải thích về những quyết định đầu tư của Tập đoàn thời gian qua

"Chúng tôi hoàn toàn có thể tự phát hành trái phiếu, nếu thị trường vốn trong nước và quốc tế không khó khăn lúc này."
"Chúng tôi hoàn toàn có thể tự phát hành trái phiếu, nếu thị trường vốn trong nước và quốc tế không khó khăn lúc này."
Ngày 22/6, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã công bố quyết định dừng, giãn tiến độ 49 dự án đang triển khai với tổng số vốn 6.500 tỷ đồng.

Nhiều luồng ý kiến khác nhau đặt ra trước sự kiện này. Có ý kiến cho rằng Vinashin đã thể hiện trách nhiệm trước Thủ tướng, trước đất nước trong kiềm chế lạm phát. Quan điểm khác cho rằng đây chính là hậu quả của việc Vinashin đã đầu tư quá dàn trải.

Trả lời VnEconomy, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn thẳng thắn nhìn nhận sự đầu tư mạnh tay của Vinashin trong thời gian qua, nhưng ông vẫn khẳng định sự đầu tư này là cần thiết.

Ông Bình nói:

- Trong tay Vinashin hiện nay có những hợp đồng đóng tàu lớn tổng trị giá đến 12 tỷ USD, đảm bảo việc làm đến năm 2012, nhiều hợp đồng kéo dài đến 2014.

Và để đáp ứng các đơn hàng này, Vinashin đang triển khai 70 dự án đầu tư lớn. Rõ ràng là các dự án đều được tính toán đầu tư có mục đích. Đầu tư để đưa vào sản xuất ngay. Vì thế, không thể nói rằng Vinashin đầu tư dàn trải theo nghĩa là đầu tư nhiều dự án và không có mục đích rõ ràng.

Nhưng Vinashin cũng đầu tư vào những lĩnh vực hoàn toàn không liên quan như xe máy, hàng không, bảo hiểm...

Tôi xin giải thích luôn với anh là thương hiệu Vinashin có ở nhiều doanh nghiệp, nhưng không phải tại tất cả các doanh nghiệp đó Vinashin đều góp vốn. Với Vinashin Motor, Vinashin chỉ góp bằng thương hiệu. Công ty Cổ phần Lisohaka, về phần mình, là đối tác cung cấp một số chi tiết cơ khí cho trang trí nội thất tàu thuỷ.

Về lĩnh vực hàng không, chúng tôi có tham gia nhưng chỉ với phần góp vốn rất ít, 5% đến 7%. Chủ yếu là dùng uy tín thương hiệu của Vinashin kêu gọi đối tác đầu tư nước ngoài vào dự án.

Lớn nhất là đầu tư vào Bảo Việt, nhưng đây là ngành ít rủi ro nhất. Đầu tư vào bảo hiểm, chúng tôi cũng gắn với lợi ích của mình chứ. Cái được lợi là ổn định được phí bảo hiểm có lợi cho Tập đoàn, hơn nữa có thể tiếp cận nguồn vốn từ thu phí bảo hiểm của Bảo Việt.

Con số cụ thể tỷ lệ đầu tư ngoài ngành là bao nhiêu, thưa ông?


Chúng tôi tính toán hết cỡ cũng chỉ vào khoảng 4,7% trên tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng. Một con số rất nhỏ bé.

Chỉ riêng việc góp thương hiệu của Vinashin đã huy động được 1.600 tỷ đồng từ khoảng 200 doanh nghiệp vệ tinh, chuyên cung cấp chi tiết, phụ kiện và sản phẩm cho Vinashin. Sẽ phải chi một khoản lớn hơn nhiều nếu Tập đoàn buộc phải tự đầu tư.

Tức là không có chuyện Vinashin “bỏ” đóng tàu để đầu tư vào các dự án lợi nhuận cao hơn?


Không thể có chuyện đó. Những dự án không liên quan đến ngành công nghiệp tàu thuỷ thì chúng tôi không làm.

Các cơ quan chức năng đã kết luận rồi, các khoản vay từ trái phiếu Chính phủ vừa qua được Vinashin sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào các dự án trọng điểm phục vụ đóng tàu trong nước.

Có câu chuyện thế này, những người nông dân ở Nam Định trình độ không cao, trang bị lạc hậu tham gia vào ngành đóng tàu mà còn làm ăn có lãi, phát triển rất nhiều doanh nghiệp. Vinashin với tiềm lực mạnh về con người, thiết bị, công nghệ với uy tín và thị trường đầu ra có sẵn thì vì cớ gì phải bỏ!

Ngành đóng tàu đang có thị trường, nhiều cơ hội để phát triển. Đang có một sự chuyển dịch quốc tế ngành đóng tàu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chúng ta đang cố gắng tận dụng cơ hội đến với mình.

Công nghiệp đóng tàu Việt Nam đã có những bước tiến mạnh trong thời gian qua và chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn.

Quan điểm của Đảng, chủ trương của Chính phủ là phát triển công nghiệp đóng tàu để tạo thế tiến ra biển. Với kỷ nguyên kinh tế biển, mọi hoạt động giao thương đường biển, dầu khí ngoài khơi, thuỷ sản biển, quốc phòng an ninh... đều cần đến trụ cột là ngành đóng tàu.

Vậy thì vì sao Vinashin lại phải dừng, giãn tiến độ đến 49 dự án?


Với doanh nghiệp, hiệu quả là thước đo cuối cùng. Vấn đề là tình hình hiện nay đã khác so với lúc chúng tôi tính toán đầu tư.

Với 70 dự án, số vốn thu xếp khoảng 10.000 tỷ đồng là quá lớn trong hoàn cảnh tín dụng thắt chặt hiện nay. Sau khi cân đối lại, chúng tôi thấy chỉ đảm bảo được khoảng 3.500 tỷ đồng.

Qua rà soát lại các dự án, hạng mục đầu tư, chúng tôi rút xuống còn 21 dự án. Đây là những khoản đầu tư thực sự cần thiết để Vinashin cố gắng đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết. Nhóm dự án còn lại sẽ phải để lại đến năm sau, nhưng cũng theo phương châm dự án nào thật sự cần thiết thì sẽ cho triển khai trước.

Việc này có thiệt hại gì không, thưa ông?


Việc làm dở dang thì chắc chắn phải chịu thiệt hại. Cái lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối đầu hiện nay là chậm tiến độ thực hiện các hợp đồng với khách hàng, “đắt” hơn nữa là mất uy tín của doanh nghiệp.

Thêm nữa là việc dừng, giãn tiến độ cộng với khó khăn khi mở L/C khiến cho một số hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị phải xuất ngược trở lại, chịu phạt hợp đồng. Với các dự án giãn tiến độ, Vinashin phải đối mặt với việc tăng giá nguyên liệu đầu vào...

Vì vậy, giải pháp chúng tôi thực hiện lúc này là thương thảo với khách hàng tạm ứng tiền hợp đồng nhiều hơn để mua sắm thiết bị, nguyên liệu và tăng giá bán sản phẩm để bù vào giá thiết bị tăng, đặc biệt là thép. Về phía đối tác cung cấp máy móc, thiết bị... thì cố gắng đàm phán giữ nguyên giá.

Ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của Tập đoàn, theo tôi là không nhiều. Năm nay, Vinashin vẫn phấn đấu tăng trưởng 50% so với năm 2007. Xuất khẩu sẽ đạt khoảng 500 triệu USD giá trị hàng hoá.

Nguyên nhân chính là khó huy động vốn?


Cũng có nguyên nhân này. Thế nhưng Vinashin không hoàn toàn dựa vào vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong nước, khi mà vừa rồi có những cuộc đua đẩy lãi suất cho vay lên đến 25%.

Chúng tôi có nhiều nguồn vốn vay lãi suất hợp lý hơn. Vinashin có uy tín thương hiệu trên thế giới nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế cũng dễ dàng.

Về điểm này, thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng Vinashin hưởng lợi nhờ được Chính phủ bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài...


Có chuyện bán trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế để cho Vinashin vay 750 triệu USD. Và đây là cú hích cho Vinashin có bước phát triển đột phá trong giai đoạn vừa qua. Nhưng không có chuyện Vinashin được cấp không, mà đây hoàn toàn là khoản vay thương mại với lãi suất thương mại.

Có điều, nhà đầu tư nước ngoài khi biết là khoản tiền bán trái phiếu đó sẽ cho Vinashin vay thì họ tin tưởng hơn.

Chúng tôi phải chủ động tìm kiếm nguồn vốn. Cũng qua thị trường vốn quốc tế, Vinashin còn tìm thêm được nhiều nguồn vốn lãi suất hợp lý hơn.

Với việc các đơn vị kiểm toán quốc tế đánh giá tốt về tài chính cũng như hoạt động của Vinashin, chúng tôi hoàn toàn có thể tự phát hành trái phiếu nếu thị trường vốn trong nước và quốc tế không khó khăn lúc này.

Lãi suất bình quân các khoản vay của vinashin là bao nhiêu? Và lợi nhuận có đủ bù đắp lãi suất vốn vay của Tập đoàn?


Vì đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên yêu cầu vốn rất lớn. Vinashin huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đa số các khoản vay của Vinashin đều là vay dài hạn với lãi suất khá hợp lý.

Vốn vay nước ngoài chịu lãi suất từ 6% đến 7,1%/năm. Vay trong nước chủ yếu là các khoản vay dài hạn từ trước, lãi suất cao nhất là 12%/năm. Nhiều khoản vay với lãi suất 8,4%/năm, một số hợp đồng vay trả lãi thấp hơn.

Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác, Vinashin được hưởng chính sách ưu đãi xuất khẩu, trong đó có ưu đãi lãi suất vốn vay.

Còn về lợi nhuận, Vinashin đang trong giai đoạn đầu tư và chịu khấu hao cao. Nhưng để giảm áp lực các khoản vay, chúng tôi chủ trương đầu tư được phần nào, nếu có thể tổ chức sản xuất thì làm ngay.

Năm 2007, Vinashin lãi 500 tỷ đồng. Lợi nhuận không nhiều nhưng so với khoản vay lớn, trả được lãi, trả được nợ vay mà vẫn còn lãi đã là cố gắng rất lớn.

Nói đến vay vốn lớn, cũng có ý kiến cho rằng Vinashin vay quá nhiều và sẽ gặp rủi ro về tài chính...


Việc này, chúng tôi cũng đã giải thích nhiều lần rồi. Vinashin đảm bảo quản lý rủi ro tốt.

Chuyện đi vay nhiều hơn hàng chục lần vốn chủ sở hữu nên hiểu thế này. Vinashin đã làm ăn hiệu quả trong một thời gian dài và đã tích tụ vốn rất lớn.Hiện nay tổng tài sản của Vinashin khoảng 100.000 tỷ đồng. Doanh thu trung bình ba năm liên tiếp gần đây vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Thế nhưng vốn chủ sở hữu, tức là do Bộ Tài chính cấp, vẫn quy định là 5.000 tỷ đồng từ lâu nay.

Trong khi quy mô doanh nghiệp đã lớn hơn hàng chục lần nhưng vẫn bị bó trong quy định liên quan đến vốn chủ sở hữu. Và việc tính tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu như vừa qua để cho rằng chúng tôi gặp rủi ro về tài chính là chưa hợp lý.

Tích tụ vốn của doanh nghiệp làm ra như vậy là chưa được thừa nhận, không được ghi vào vốn Nhà nước. Khi không tính khoản này vào vốn của doanh nghiệp cũng làm cho việc phát huy hiệu quả từ nguồn tài sản này kém đi. Doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm, về mặt tâm lý thôi, với nguồn vốn này, không có sức ép để doanh nghiệp phải bảo toàn nguồn vốn ấy.

Khi gặp khó khăn về vốn như vậy, thì Vinashin hiện có bao nhiêu dự án, doanh nghiệp còn hoạt động hiệu quả trong tình hình hiện nay?


Khi phê duyệt phương án đầu tư thì Tập đoàn căn cứ vào hiệu quả của dự án để quyết định có đầu tư hay không. Với nhiều dự án còn trong giai đoạn đầu tư, đang xây dựng, có nơi đang sản xuất thử thì cũng khó nói đến hiệu quả tại thời điểm này.

Dự án trong ngành đóng tàu trung bình phải mất 3 năm đầu tư mới đi vào sản xuất được, thêm 2 năm nữa để sản xuất ổn định thì sau đó mới nói đến trả nợ và lãi. Vì thế không thể cân đối trong từng dự án tại thời điểm mới đầu tư, đặc biệt là dự án công nghiệp nặng như Vinashin đang làm. Nếu không có năng lực tài chính, dự trữ vốn lớn thì Vinashin không thể làm nổi.

Cân đối trong dài hạn của cả Tập đoàn thì tình hình tài chính và triển vọng của Vinashin là rất tốt.

Đối phó với những khó khăn trước mắt, Tập đoàn chủ trương phải thống nhất về điều hành tài chính, tập trung nhân lực, thị trường, cơ cấu lại vốn, nợ để ưu tiên mọi nguồn lực cho hoạt động ngắn hạn, đảm bảo đúng tiến độ những hợp đồng đã ký.

Triển vọng thương mại toàn cầu vẫn đang trên đà phát triển và vì vậy đóng tàu sẽ còn nhiều cơ hội. Trong điều kiện có đủ vốn, Vinashin sẽ tiếp tục theo đuổi các dự án để phát triển ngành đóng tàu Việt Nam có vị thế trên thế giới.