09:52 19/03/2007

“Khu công nghệ cao Hoà Lạc đang chuyển mình”

Trần Thái

Nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Đường vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đường vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Với doanh nghiệp đầu tiên đến đầu tư vào năm 2005, hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút hàng loạt dự án trong và ngoài nước.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngày 5/10/2005 Khu Công nghệ cao Hoà Lạc đã trao giấy phép đầu tư đầu tiên cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và robot công nghiệp của Nhật Bản - Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam. Xin ông cho biết đến nay dự án này đã được triển khai như thế nào? Cho đến nay đã có bao nhiêu dự án của Nhật Bản và của các nước khác xin đăng ký đầu tư vào khu công nghệ cao này?

Ngày 5/10/2005, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã chính thức trao giấy phép đầu tư đầu tiên cho Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam với Dự án sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử; mạch điều khiển tích hợp và sản phẩm rô bốt công nghiệp với tổng vốn đầu tư giai đoạn I gần 5 triệu USD.

Đến nay, công ty đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu một số máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 9 năm 2006 với tổng số công nhân là hơn 200 người.

Tính đến cuối năm 2006, Công ty Noble có tổng giá trị nhập khẩu là 2,4 triệu và xuất khẩu là 1,6 triệu USD và đã nộp cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế gần 2 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đến giữa năm 2007, Công ty Noble sẽ thực hiện giai đoạn thứ 2 của việc đầu tư vào Khu công nghệ cao Hoà Lạc với tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD và tổng số công nhân ước tính là 800 người.

Đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc đã cấp giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư như dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử (Công ty Điện tử Noble - Nhật Bản), dự án sản xuất đầu nối cáp quang (Công ty O.E Tek - Đài Loan), dự án Trung tâm Đào tạo và phát triển công nghệ thông tin ngân hàng (Ngân hàng Công thương Việt Nam), dự án Xây dựng tổ hợp phát triển sản xuất vật liệu mới và chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Công ty TNHH Đầu tư phát triển vật liệu mới và công nghệ cao), vv.

Đồng thời, Ban quản lý cũng đã ký thoả thuận đầu tư với nhà đầu tư lớn trong nước như dự án của Công ty FPT xây dựng Khu công viên phần mềm FPT và Trường Đại học Tư thục FPT về công nghệ thông tin, dự án của Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hà Nội Telecom) xây dựng Tổ hợp công nghệ NG-ICT bao gồm trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin; dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu y - sinh học quốc tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, dự án xây dựng Phòng thí nghiệm quốc gia - Bể thử mô hình tàu thuỷ quy mô lớn của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (VINASHIN), dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và đào tạo công nghệ thông tin tài chính của Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính)...

Ông có thể cho biết vai trò và vị trí của khu công nghệ cao này đối với việc phát triển nền kinh tế trí thức của Việt Nam trong những năm sắp tới, và dự kiến sẽ cần bao nhiêu nguồn nhân lực trong nước để đáp ứng nhu cầu của Khu công nghệ cao này ?

Khi Khu công nghệ cao Hoà Lạc được hoàn thành, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực công nghệ cao đến Khu để tiến hành các hoạt động sản xuất và nghiên cứu tạo ra những sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc còn có các trung tâm nghiên cứu và triển khai, trung tâm đào tạo, các trường đại học lớn hứa hẹn sẽ tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao cho Khu công nghệ cao Hoà Lạc nói riêng và cho Việt Nam nói chung.

Với những ngành nghề và lĩnh vực công nghệ cao như đã nêu trên, khi dự án phát triển Khu hoàn thành, hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng năm của các đơn vị và doanh nghiệp trong Khu sẽ góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 50.000 lao động sẽ làm việc trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc này.

Xét đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, ngày 8/3/2007 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc giao cho Công ty FPT thực hiện nhiệm vụ làm công ty phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Xin ông nói rõ hơn về nhiệm vụ cụ thể của Công ty này và mối quan hệ giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc và Công ty FPT?

Ngày 8/3/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc giao cho Công ty FPT thực hiện nhiệm vụ làm Công ty Phát triển Khu công nghệ cao Hoà Lạc với các nhiệm vụ chi tiết nêu trong Mục 2 và Mục 4, Điều 14 của Nghị định 99/2003/NĐ-CP, theo đó Công ty sẽ là một doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 14 ghi: Công ty phát triển Khu công nghệ cao hoạt động trong các lĩnh vực (a) Đầu tư xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao (b) Xây dựng và kinh doanh các công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao, (c) Thực hiện dịch vụ cho các hoạt động đầu tư, các hoạt động chuyển giao công nghệ trong Khu công nghệ cao, (d) Các hoạt động khác được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Còn Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ là cơ quan quản lý nhà nước đối với Khu công nghệ cao Hoà Lạc có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định 99/2003/NĐ-CP, Quyết định số 10/2000/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật khác có liên quan.