09:36 24/03/2009

Khủng hoảng không có chỗ cho người chao đảo

Nhiều người vẫn cho rằng đây vẫn là thời điểm tốt để duy trì kinh doanh. Không có thời kỳ khó khăn nào kéo dài mãi mãi

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Như nhiều doanh nhân khác, Trân (tên đã được thay đổi) có một nhóm bạn phần lớn cũng là doanh nhân cùng trang lứa. Họ thường vui vẻ ngồi với nhau để chia sẻ thông tin và bàn chuyện làm ăn. Nhưng đó đã là chuyện quá khứ.

Còn gần đây, cứ mỗi lần gặp họ, Trân lại thấy lòng nặng trĩu. Tuần trước là tin người bạn làm ăn ở Phan Thiết đang “lún” nợ vì dự án khu nghỉ dưỡng (resort) dang dở. Không bỏ tiền để hoàn thiện nội thất thì không thể kinh doanh; hậu quả là sẽ không có tiền trả tiền vay ngân hàng trước đó. Nhưng nếu vay thêm tiền đầu tư tiếp, người bạn này lại sợ không có khách; do đó nợ nần sẽ càng nặng thêm. Anh bạn của Trân đã gọi người để bán lại dự án nhưng vẫn chưa có ai mua.

Tuần này, một người bạn khác là chủ một công ty gia công phụ kiện may mặc ở Bình Dương vừa bị phía đối tác Nhật ngưng hợp đồng. Đối tác hứa sẽ nối lại hợp đồng vào giữa năm 2010, còn bây giờ họ chỉ có thể trợ giúp một tháng lương cho trên 500 nhân viên phải nghỉ việc đột ngột vì hợp đồng bị hủy ngang…

Buồn hơn, người bạn thân của Trân có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực truyền thông vừa tâm sự mình đang chới với vì những khoản lỗ lên đến vài triệu Đô la Mỹ.

Trân nói hiện nay nỗi lo lắng và tâm trạng chán chường cứ như một loại virus lây lan trong nhóm bạn doanh nhân của anh. Chẳng còn ai nhắc đến những dự tính làm ăn mới. Thay vào đó chỉ là làm thế nào để trụ lại được trong hoàn cảnh hiện nay. Mọi kế hoạch, dự báo của họ đều trở thành vô nghĩa trong vòng xoáy khủng hoảng toàn cầu.

Trân bảo từ cuối năm ngoái, nhiều đêm mình mất ngủ vì ám ảnh không biết kiếm đâu ra tiền để trả lương cho gần 700 nhân viên trong các công ty của mình vào những tháng tới. “Gặp ai cũng nghe than khó. Hàng ngày đọc báo, xem ti vi ở đâu trên thế giới cũng chỉ thấy sự suy giảm, tôi lại càng cảm thấy chới với, bất an”!

Trân và nhóm bạn của anh không phải là ngoại lệ. Cách đây không lâu, trang web của tờ New York Times đã phát một đoạn video ngắn về một hiện tượng mới nổi ở Mỹ. Kinh tế suy thoái khiến ngày càng có nhiều người tìm đến những nhà chiêm tinh, bói toán để hỏi về khả năng tìm việc, về việc đầu tư tài chính, về chuyện làm ăn… Người ta sẵn sàng trả 80 Đô la Mỹ cho một “quẻ” dài 30 phút nhằm có thể tìm cho mình một sự tự tin, một tia hy vọng về tinh thần trong thời khắc khó khăn.

Dễ hiểu rằng khủng hoảng kinh tế là thời doanh nhân chao đảo. Nhưng, khủng hoảng không hoàn toàn là màu xám đối với tất cả mọi người.

Nhiều người vẫn cho rằng đây vẫn là thời điểm tốt để duy trì kinh doanh. Không có thời kỳ khó khăn nào kéo dài mãi mãi. Nếu doanh nghiệp trụ lại được trong khó khăn, doanh nghiệp đó rất có khả năng sẽ ăn nên làm ra trong thời kỳ phát triển hậu khủng hoảng.

Tuy kinh tế suy thoái mang lại nhiều bất lợi, nó vẫn có những thuận lợi nhất định với những ai không đầu hàng, biết nhìn ra và nắm lấy thời cơ. Chẳng hạn, đừng quên rằng đây là thời kỳ doanh nghiệp có thể thuê được người giỏi dễ dàng hơn với tiền lương thấp hơn so với trước. Tương tự, giá quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nói chung giảm đi đáng kể. Vì thế, nếu vẫn còn ngân sách để chi cho marketing, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao so với cùng số tiền phải chi trước đây.

Tờ Economist mới đây đã đưa ra vài con số khảo sát giới doanh nhân ở tám thị trường mới nổi trên thế giới. Đúng như dự đoán, 85% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy tác động bởi khủng hoảng, và 88% cho biết khó khăn đã đến. Nhưng đồng thời, hơn phân nửa trong số đó cho rằng họ sẽ thuê được người giỏi hơn, gần 40% tin rằng họ sẽ ít bị cạnh tranh hơn trên thương trường.

Nếu đã từng là một doanh nhân với những thành công trong thời gian qua, thì lúc này bạn càng cần phải nỗ lực làm hết sức mình. Bi quan, mất lòng tin đồng nghĩa với mất tất cả. Cách tốt nhất để tìm lại và giữ vững lòng tin là tìm đến những người lạc quan để hàn huyên, tìm những câu chuyện thành công để học hỏi.

Liên quan đến việc làm thế nào để giữ được tinh thần trong thời suy thoái  của giới doanh nhân, tờ Fortune số ra đầu tháng này dẫn lời Muhtar Kent, Tổng giám đốc điều hành của Coca-Cola. Kent cho rằng cho dù đang ở giữa con lốc suy thoái kinh tế, “điều mà chúng ta cần hướng tới là tương lai tươi sáng của doanh nghiệp nên không có lý do gì để chúng ta bị mất thị phần và bỏ cuộc vào lúc này”. Kent nói từ nay cho đến năm 2020 sẽ có thêm cả tỉ người trên thế giới gia nhập tầng lớp trung lưu và với ông điều đó sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh tốt đẹp.

Nếu cũng nhận ra một viễn cảnh như trên, chắc hẳn doanh nghiệp sẽ phải tìm ra đáp số chính xác cho câu hỏi mình cần sản xuất mặt hàng nào, cung ứng dịch vụ gì cho những khách hàng tiềm năng. Nếu bỏ công đi tìm câu trả lời ngay từ bây giờ, hy vọng doanh nghiệp sẽ thấy những tia hy vọng mới.

Có một lúc nào đó cảm thấy bất an, xin hãy tâm niệm rằng khó khăn trở ngại lúc này chỉ là tạm thời, còn tương lai vẫn đang chờ ở phía trước với không ít hứa hẹn tốt lành.

Thục Đoan (TBKTSG)