09:55 23/06/2009

Khủng hoảng ngân sách: “Độc nhất vô nhị” California

Mai Phương

Đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 25 tỷ USD, California đang ở bên bờ vực của thảm họa tài chính

Thống đốc bang California, ông Arnold Schwarzenegger.
Thống đốc bang California, ông Arnold Schwarzenegger.
Ngồi bên ngoài văn phòng phúc lợi của Los Angeles với ánh mắt buồn bã, anh Oracio Sandoval cầm theo một tập dày đơn xin việc. Rơi vào cảnh thất nghiệp suốt từ đầu năm, người đàn ông 33 tuổi đã có vợ và hai con này liên tục đương đầu với khó khăn tài chính.

Trước đây, hai vợ chồng anh vẫn kiếm được 3.000 USD mỗi tháng, nhưng giờ đây, cả gia đình sống dựa vào khoản tiền vỏn vẹn 800 USD mà chị vợ kiếm được từ công việc phục vụ ở quán cà phê Starbucks và 250 USD từ CalWORKs (một chương trình phúc lợi ở Mỹ dành cho các gia đình có con nhỏ, để cha mẹ có thể  đi học, đi làm và tiến tới tự túc).

“Gia đình chỉ đủ tiền thuê nhà và trả các hóa đơn. Không biết chúng tôi còn trụ nổi với tình hình này được bao lâu nữa”, anh Sandoval nói.

Bang “hiếm có khó tìm”

Giống như nhiều người khác trong dân số 39 triệu người của bang California, anh Sandoval và gia đình đang gánh chịu những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng ngân sách của tiểu bang này. Nhà Sandoval là một trong 154.000 gia đình được hưởng phúc lợi tại hạt Los Angeles. Tuy nhiên, Thống đốc bang California, ông Arnold Schwarzenegger, mới đây cho biết, bang này sẽ ngừng thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội nhằm mục đích cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Việc từ bỏ các chương trình này sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách bang California hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong mạng lưới an sinh vốn đang giúp 500.000 gia đình ở đây, trong đó có gia đình anh Sandoval, khỏi lâm vào cảnh tới sống trong các “homeless shelter” (khu nhà ở dành cho người vô gia cư).

Các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang vật lộn với tác động của sự sụt giảm doanh thu thuế do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Những khó khăn mà bang California phải đối mặt cũng tương tự như những gì đang xảy ra ở các bang khác, nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm riêng. Sự khác biệt ở đây xuất phát từ chính quy mô nền kinh tế của bang vốn được xem là lớn thứ 8 trên thế giới, và lại nằm dưới sự lãnh đạo của vị thống đốc là một minh tinh của màn bạc Hollywood.

Sau khi các cử tri của California từ chối một loạt các biện pháp cân bằng ngân sách phức tạp được đưa ra, Thống đốc Schwarzenegger đã đề xuất cắt giảm một loạt chương trình phúc lợi. Sự cắt giảm như vậy sẽ khiến bang này giống một nền kinh tế thuộc thế giới thứ ba hơn là một bang của nước Mỹ trong thế kỷ 21, thậm chí bị xem là một bang “hiếm có khó tìm”.

Các khoản trợ cấp phúc lợi sinh hoạt không còn, 1 triệu trẻ em nghèo không còn được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe miễn phí, hỗ trợ tài chính cho các sinh viên giỏi nhất của bang về con số 0, tù nhân không liên quan tới các tội bạo lực được phóng thích, hàng trăm công viên bị đóng cửa trên toàn bang, và hàng ngàn giáo viên có thể mất việc.

“California có thể trở thành bang duy nhất thuộc thế giới phát triển không có trợ cấp sinh hoạt cho trẻ em nghèo”, ông Frank Mecca, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giám đốc phúc lợi các hạt thuộc bang này, cho biết. Nếu California ngừng chương trình phúc lợi CalWORKs, bang này sẽ tiết kiệm được 1,3 tỷ USD, nhưng lại không được hưởng số tiền lớn gấp 3 lần con số này từ ngân sách liên bang. (Theo cải cách của Tổng thống Bill Clinton, các chương trình phúc lợi do các tiểu bang tự quản lý. Các bang nhận ngân sách từ Chính phủ liên bang và chi tiêu theo cách của mình).

Theo ông Mecca, ngoài California, tới thời điểm này chưa có bang nào ở Mỹ từ chối nhận tiền liên bang hay đề xuất chấm dứt các chương trình phúc lợi cho các gia đình có trẻ em.

“Quá lớn để đổ vỡ”

Do đang phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 25 tỷ USD phải được giải quyết trước ngày 1/7 tới - thời điểm mà năm tài khóa này kết thúc - California đang ở bên bờ vực của thảm họa tài chính. Giới quan sát dự báo, sự sụp đổ của nền tài chính công ở bang này có thể gây tác động tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế của cả nước Mỹ nói chung, và thậm chí cả xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Liên bang.

Thống đốc Schwarzenegger và các nhà lập pháp cùng trong Đảng Cộng hòa với ông cho biết, họ sẽ không tăng thuế, nhất là sau khi vị thống đốc này và 6 nghị sỹ Cộng hòa đã gia nhập một thỏa thuận ngân sách với Đảng Dân chủ vào tháng 2 vừa qua, theo đó kết hợp các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế thêm 12,8 tỷ USD. Nay thâm hụt ngân sách của bang đã tăng mạnh trở lại do doanh thu thuế của bang đã giảm 27% so với thời điểm cách đây 1 năm. Các thành viên đảng Cộng hòa và những người ủng hộ các chương trình phúc lợi đang bị đem ra cân nhắc cắt giảm sẽ chống lại sự cắt giảm này, nhưng cả tiền bạc và thời gian đều không đứng về phía họ.

Ngoài khoản thâm hụt ngân sách nhiều tỷ USD, bang California còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dòng tiền chảy ra. Giám đốc tài chính bang này là John Chiang đã cảnh báo, bang sẽ cạn tiền vào tháng 7 tới.

Trong số 50 tiểu bang của Mỹ, California đang là bang có xếp hạng tín nhiệm nợ tệ hại hơn cả, do đó, lãnh đạo của bang này đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama và Quốc hội cùng đứng ra đồng ký kết các khoản vay mượn của bang. Các quan chức của California lập luận rằng, cũng giống như hãng bảo hiểm AIG, bang này là “quá lớn để đổ vỡ”.

“Sự sụp đổ tài chính của bang California nhất định sẽ đẩy thị trường tài chính Mỹ, nếu không nói là của toàn thế giới, vào trạng thái bất ổn”, thủ quỹ của bang, ông Bill Lockyer, viết trong lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner, hôm 13/5.

Chính phủ Mỹ nói “không”

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu Chính phủ Mỹ đồng ký kết các khoản vay của California, dù đây không phải là hành động giải cứu, điều này vẫn có thể khiến xếp hạng tín nhiệm nợ AAA của nước này bị đặt vào thế nguy hiểm. Với sự hỗ trợ ngắn hạn của Chính phủ, California có thể chìm sâu hơn vào sự rối loạn và trở thành một vật cản đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ không hỗ trợ bang California ở thời điểm hiện nay và cho rằng, bang này trước hết cần tự nỗ lực để giải quyết đống đổ nát ngân sách của họ. Như đã nói ở trên, Bộ Tài chính Mỹ có lý do hợp lý để không giúp California.

Thứ nhất, nếu bang này được giúp, một tiền lệ không tốt sẽ được tạo ra cho các tiểu bang khác. Thứ hai, nếu Chính phủ Liên bang bảo lãnh cho các khoản nợ của California, nợ do Bộ Tài chính Mỹ phát hành sẽ đối mặt nguy cơ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm, qua đó đe dọa cả thị trường tín dụng toàn cầu. Nếu trở nên quá lo sợ, Chính phủ Trung Quốc - nước hiện nắm giữ nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất - có thể sẽ chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác.

Mà như thế, cuộc khủng hoảng ngân sách của California sẽ không chỉ dừng lại trong biên giới của tiểu bang này.

(Theo Time)