09:16 09/11/2011

Khủng hoảng niềm tin và “liều thuốc” chính trị

Hồng Ngọc

Sự ra đi của một vài chính khách lãnh đạo châu Âu rất có thể là “liều thuốc đắng giải độc” cho nhà đầu tư toàn cầu

Kinh tế châu Âu tiếp tục trong vòng xoáy bất ổn và chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng nợ công.
Kinh tế châu Âu tiếp tục trong vòng xoáy bất ổn và chưa có tín hiệu nào cho thấy sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng nợ công.
Việc hai nhà lãnh đạo Hy Lạp, Italy lần lượt bị sức ép phải từ chức do yếu kém trong điều hành chính sách kinh tế dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, cho thấy thế giới đang thực sự khủng hoảng niềm tin và sự thay đổi quyền lực rất có thể là “liều thuốc giã tật” cần thiết trong lúc này.

Hôm qua (8/11), Tổng thống Italy Giorgio Napolitano tuyên bố Thủ tướng Silvio Berlusconi sẽ từ chức, sau khi quốc hội nước này thông qua kế hoạch cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) để cứu Italy thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Thời gian bản kế hoạch này được thông qua vẫn chưa được xác định.

Quyết định từ chức của ông Berlusconi được đưa ra sau khi liên minh trung-hữu của ông giành được phần thắng trong cuộc bỏ phiếu về kế hoạch ngân sách nhưng lại mất quyền chiếm đa số trong quốc hội. Điều này dự kiến sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc thông qua các kế hoạch cải cách ngân sách.

Thêm vào đó, quyết định ra đi của ông Berlusconi còn xuất phát một phần từ sức ép của Liên minh châu Âu trong việc yêu cầu Italy nhanh chóng thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách nền kinh tế nhằm tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ nần như Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha.

Các thị trường tiền tệ đều tin rằng, ông Berlusconi không còn khả năng dẫn dắt Italy qua cơn khủng hoảng. Tại cuộc họp các bộ trưởng bộ tài chính EU ở Brussels, Cao ủy đặc trách kinh tế Olli Rehn đánh giá tình hình Italy là “rất đáng lo ngại”. Một ủy ban chuyên trách của EU sẽ kiểm tra những nỗ lực cải cách của Italy từ ngày 9/11.

Chủ tịch nhóm bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu Jean-Claude Junker tuyên bố sẽ phối hợp với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng cường giám sát nền kinh tế Italy. Chia sẻ quan điểm trên, ông Olli Rehn nhấn mạnh đối với Italy, điều quan trọng sống còn hiện nay là phải thực hiện chính sách tài khóa như đã cam kết.

Italy đang phải đối mặt với sức ép lớn chưa từng có từ các thị trường, khi chi phí vay mượn của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục hôm 7/11, tương đương mức mà khiến Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế trị giá hàng chục tỷ Euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tờ Libération (Pháp) nhận xét rằng, châu Âu đang cố sức xây dựng một "bờ đê" bao quanh Italy, hòng ngăn chặn khủng hoảng lan rộng. Bởi vì, nếu Italy sụp đổ thì sẽ đến lượt Pháp là nước kế tiếp và sau đó là toàn bộ Eurozone. Mặt khác, với việc đặt Italy dưới sự giám sát của các tổ chức quốc tế uy tín, Brussels hy vọng trấn an được các nhà đầu tư.

Việc ra đi của ông Berlusconi không chỉ sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của một trong những chính khách gây ồn ào và tranh cãi nhất trên chính trường thế giới thời hiện đại, mà sẽ còn là bước đi quan trọng, mở ra một tương lai mới cho Italy với kỳ vọng một lãnh đạo mới sẽ xuất hiện cùng hàng loạt cải cách quyết liệt hơn người tiền nhiệm.

Như vậy là chỉ trong vòng vài ngày, liên tiếp hai nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu đã phải từ chức. Trước ông Berlusconi, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đã chấp thuận từ chức để mở đường cho liên minh chính phủ mới. Cũng như ông Berlusconi, áp lực khiến ông Papandreou từ chức cũng xuất phát từ khả năng điều hành kinh tế yếu kém.

Hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã kêu gọi tất cả bộ trưởng trong chính phủ do ông đứng đầu từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Theo kênh truyền hình NET, ông Papandreou đã cảm ơn nội các vì những đóng góp của họ thời gian qua, đồng thời đề nghị các bộ trưởng cho phép ông xúc tiến các thủ tục từ chức.

Đài truyền hình NET cũng cho biết trong ngày 8/11, Hy Lạp sẽ công bố việc thành lập một chính phủ liên minh lâm thời mới. Theo dự đoán, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Lucas Papademos hiện là người có nhiều khả năng nhất sẽ được chỉ định giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền của đất nước “xứ sở các vị thần” này.

Trong khi đó, tại cuộc họp tối 7/11 ở Brussels, các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu kêu gọi chính phủ liên minh mới tại Hy Lạp thông qua "bằng văn bản" các điều khoản mà nước này cam kết để được nhận khoản giải ngân tiếp theo vào cuối tháng 11/2011.

Ông Jean-Claude Juncker, nêu rõ: "Chúng tôi đã yêu cầu Athens gửi cho chúng tôi một văn bản có chữ ký của cả hai đảng tham gia chính phủ liên minh mới của Hy Lạp, trong đó tái khẳng định cam kết thực thi các cải cách, theo các điều khoản của hai kế hoạch giải cứu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Hy Lạp".

Còn theo Cao ủy chuyên trách kinh tế Olli Rehn, “Chúng tôi sẽ làm việc với tân chính phủ mới của Hy Lạp chỉ với điều kiện họ đưa ra các cam kết rõ ràng bằng văn bản". Quan chức này cũng làm tăng lên hy vọng khi nói rằng Hy Lạp có thể nhận được khoản giải ngân thứ 6 từ gói cứu trị thứ nhất trị giá 110 tỷ euro ngay trong tháng 11/2011.

Trong một tuyên bố phát đi từ Brussels, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos xác nhận nước này sẽ nhận được khoản giải ngân tiếp theo ngay sau khi chính phủ liên minh mới đưa ra các cam kết bằng văn bản.

Ông Venizelos cho hay thỏa thuận lập chính phủ mới ở Hy Lạp cho thấy nước này cam kết thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Ông nói: "Chúng tôi có chính phủ liên minh dân tộc mới có trách nhiệm. Đây là bằng chứng cho các cam kết, cũng như khả năng thực hiện chương trình cải cách của đất nước chúng tôi".

Và không nằm ngoài dự báo, việc hai nhà lãnh đạo Hy Lạp và Italy lần lượt rời chức đã giúp các thị trường toàn cầu lấy lại được niềm tin về khả năng tháo ngòi “quả bom” nợ công ở châu Âu. Phiên tăng điểm liên tiếp của chứng khoán Mỹ và dầu thô cùng đà lao dốc đột ngột của giá vàng đêm qua đã cho thấy tầm ảnh hưởng của các sự kiện này.

Trên thị trường Mỹ, chốt ngày giao dịch 8/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 101,79 điểm, tương ứng 0,84%, lên 12.170,18 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 14,80 điểm, tương ứng 1,17%, lên 1.275,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tiến 32,24 điểm, tương ứng 1,2%, lên 2.727,49 điểm.

Trên thị trường dầu thô, chốt phiên 8/11, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 tăng được 1,28 USD, tương ứng 1,3%, lên mốc 96,80 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Với mức này, giá dầu thô kỳ hạn hiện đang là cao nhất kể từ ngày 28/7 tới nay. Tính 5 phiên liên tiếp vừa qua, dầu loại này đã tăng được 5% giá trị.

Trong khi đó, giá vàng luôn trong xu hướng tăng trong gần hết thời gian giao dịch và đã vượt qua mốc 1.800 USD/ounce vào buổi chiều. Tuy nhiên, sau tin tức từ Italy, giá vàng đã hạ nhiệt và mất mốc 1.800 USD/ounce vào cuối ngày. Chốt phiên, giá vàng giao ngay đứng ở 1.783,93 USD/ounce, vàng tương lai là 1.799 USD/ounce.

Những tác động tích cực của tin tức chính trị từ châu Âu cũng cho thấy thế giới đang thực sự lâm vào một cuộc khủng hoảng về niềm tin và rất có khả năng sự ra đi của một vài chính khách lãnh đạo châu Âu sẽ là “liều thuốc đắng giải độc” dành cho tâm lý nhà đầu tư toàn cầu trước tương lai bấp bênh và rất không rõ ràng của nền kinh tế lục địa già.

Một ngày trước, hôm 7/1, phát biểu tại trường Đại học Tài chính quốc gia Moscow của Nga, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cũng từng nhắc tới cuộc khủng hoảng này. Bà cảnh báo nền kinh tế thế giới không chỉ rơi vào giai đoạn nguy hiểm và không ổn định mà còn đang trải qua cuộc khủng hoảng lòng tin tập thể.

Theo bà Lagarde, nếu không hành động tập thể khẩn cấp, thế giới có thể bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn định tài chính và sụp đổ nhu cầu toàn cầu, và phải đối mặt với một thập kỷ thất bại với tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao. Bà cho rằng, các nền kinh tế phát triển có trách nhiệm phải hành động và phải ở trung tâm của mọi giải pháp.

Các nền kinh tế mới nổi cần chuyển sang kích thích nhu cầu trong nước để tăng trưởng vừa có lợi cho nền kinh tế trong nước, vừa lợi cho kinh tế toàn cầu. Một số nền kinh tế mới nổi cần tăng cường khuôn khổ kinh tế vĩ mô và không gian tài chính, để bảo vệ sự ổn định tài chính và đối phó hiệu quả với dòng vốn nước ngoài dễ biến động.