10:23 10/12/2007

Khuyến khích đầu tư vào dược

Đình Nam

Thông điệp được Bộ Y tế đưa ra mới đây là khuyến khích các doanh nghiệp dược nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam

Giá thuốc Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Giá thuốc Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Ngày 6/12, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc gặp mặt thường niên với các doanh nghiệp dược nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thông điệp được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo sự ổn định của thị trường tân dược trong và ngoài bệnh viện, khuyến khích các doanh nghiệp dược nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Quy mô đầu tư nhỏ, vốn mỏng

Vấn đề thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dược được các quan chức Bộ Y tế nhấn mạnh trước thực tế trong năm 2007 chỉ có 46 dự án dược với tổng vốn 111,6 triệu USD được đăng ký.

Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Quốc Trung nhận xét, quy mô đầu tư của các dự án dược tại Việt Nam còn nhỏ (trung bình 2,4 triệu USD/dự án), các sản phẩm chất lượng cao còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng về nguyên liệu cũng như thị trường thuốc hơn 1 tỷ USD cùng tốc độ tăng trưởng cao hàng năm.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Cao Minh Quang cho biết sự e dè của các doanh nghiệp dược nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam do chúng ta chưa có những ưu đãi thực sự về thuế, đất đai, thuế nhập khẩu nguyên liệu, công nghiệp hóa dược hầu như chưa có... Chính vì vậy, hầu hết các nhà máy dược có vốn đầu tư của nước ngoài chỉ tập trung vào thuốc viên, thuốc kem, mỡ, thuốc tiêm, dịch truyền...

Vì vậy, ưu tiên của Bộ Y tế là phối hợp với các ngành liên quan để ban hành những cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất các thuốc mới, có dạng bào chế đặc biệt đòi hỏi công nghệ cao. “Bên cạnh các hình thức liên doanh, đầu tư 100% vốn nước ngoài, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích một số hình thức hợp tác sản xuất thuốc thông qua chuyển giao công nghệ, thương hiệu. Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện thông thoáng, mở rộng khả năng hợp tác, khai thác triệt để hiệu quả, tiềm năng của các doanh nghiệp dược nước ngoài”, ông Cao Minh Quang nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn; phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, ưu tiên các dạng bào chế công nghệ cao. Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược; củng cố mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Sẽ có nhiều điểm mới trong quản lý giá thuốc

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ song các doanh nghiệp dược trong nước vẫn gặp nhiều hạn chế về chất lượng thuốc do phụ thuộc tới 90% nguyên liệu nhập khẩu cũng như thiếu kinh phí, nhân lực để nâng cấp hệ thống sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).

Hiện chỉ có 75/180 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đạt GMP - chiếm 85% sản lượng thuốc nội, trong khi đó, từ ngày 1/7/2008, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thuốc đều phải đạt GMP. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thuốc thành phẩm và nguyên liệu nhập khẩu khiến vấn đề kiểm soát giá thuốc phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới.

Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang trong năm 2008, giá thuốc trong nước sẽ vẫn tiếp tục biến động theo “sức khỏe” của thị trường thế giới. Do vậy, các biện pháp được sử dụng để bình ổn giá thuốc chủ yếu tập trung kiểm soát giá bán buôn, bán lẻ của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho biết sẽ có rất nhiều điểm mới trong quy định về quản lý giá thuốc, bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2007 sau khi Bộ Y tế công bố các nước có cùng điều kiện y tế, xã hội với Việt Nam và yêu cầu giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng Việt Nam) không được cao hơn giá bán vào các nước này.

Thêm nữa, doanh nghiệp được yêu cầu chỉ có một giá bán buôn/loại thuốc nhằm thu ngắn những tầng nấc trung gian làm giá thuốc lòng vòng trước khi đến tay người bệnh. Dù chưa có thặng số lãi trần từ nhập khẩu đến bán buôn, nhưng một hội đồng gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã được lập ra để xác minh tính hợp lý về thặng số này của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, do có tới đây 70% dân số khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế, nên Cục Quản lý dược sẽ đề nghị tổ chức đấu thầu quốc gia, với yêu cầu giá trúng thầu năm sau không được cao hơn năm trước, tránh hiện tượng tăng giá thuốc đột biến...

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp phía Nam cho rằng cách đấu thầu với giá năm sau không cao hơn năm trước là bất hợp lý vì có những trường hợp tăng giá bất khả kháng, ví dụ tỉ giá ngoại tệ thay đổi, như vừa rồi đồng Euro lên giá mạnh mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thuốc từ châu Âu..