Kiểm soát bệnh hen phế quản khi thời tiết chuyển mùa
Vào lúc thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường, người bệnh hen phế quản (những người nhạy cảm với môi trường) dễ lên cơn hen cấp đột ngột, rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời. Vậy làm sao để kiểm soát bệnh và điều trị dự phòng? Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa giúp bạn.
Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết đờm,... gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở. Khi lên cơn hen, người bệnh có những biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, chủ yếu xảy ra vào thời điểm ban đêm và sáng sớm.
Bệnh thường xuất hiện từ khi còn nhỏ, duy trì liên tục hoặc xuất hiện theo mùa hằng năm và hay tái phát khi tuổi cao, gặp yếu tố thuận lợi. Theo các bác sĩ, hen phế quản do nhiều nguyên nhân gây nên, nhất là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa dị ứng và yếu tố môi trường. Một số nguyên nhân gây hen phế quản thường gặp là do dị ứng, tiếp xúc các yếu tố kích thích, vận động…Trước hết do dị ứng, cơn hen phế quản cấp tính xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc các dị nguyên, như: phấn hoa, bụi nhà, bọ nhà, lông chó mèo, thực phẩm gây dị ứng như hải sản,... hoặc một số thuốc như aspirin. Hoặc do người bệnh tiếp xúc các yếu tố kích thích: trời lạnh, khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm không khí, các hóa chất tẩy rửa, thay đổi độ ẩm,...Người bệnh cũng có thể lên cơn hen do vận động, nhất sau một vận động gắng sức. Một số nguyên nhân khác hây hen, như: sau nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn, yếu tố di truyền, mắc bệnh trào ngược dạ dày hay các bệnh lý khác trên đường hô hấp, sử dụng một số thuốc như chẹn beta giao cảm.Lưu ý là rất ít người bệnh xuất hiện cơn phế quản chỉ do một yếu tố gây kích phát cơn hen; thường người bệnh bị hen phế quản lên cơn hen khi bị tác động bởi nhiều yếu tố trên.
Để phòng tái phát cơn hen nói chung, xử trí cơn hen phế quản cấp nói riêng, người mắc bệnh này, nhất là người già và trẻ nhỏ, cần chú ý: Khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay, có nhiều yếu tố kích phát cơn hen hơn, người bệnh dễ lên cơn hen nhiều hơn. Vậy để tránh xuất hiện cơn hen, người có tiền sử bị hen phế quản cần tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp, như: khói thuốc lá, hóa chất có mùi nồng gắt, làm việc gắng sức, nhiễm khí lạnh,... Đồng thời, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để cải thiện sức khỏe nói chung, chức năng hệ hô hấp nói riêng.Để dự phòng hen, người bệnh có thể chủ động điều trị dự phòng như: sử dụng thuốc đường hít hằng ngày đúng cách. Đây là cách đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt, bình hít bột khô. Các thuốc sử dụng trong trường hợp này là kết hợp thuốc giảm viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng dài. Nếu dùng đúng cách, đúng liều, phù hợp mức độ bệnh, người bệnh có thể kiểm soát được bệnh, nghĩa là không xuất hiện cơn hen, bệnh không ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc.
Về điều trị cắt cơn hen, khi lên cơn hen, người bệnh cần dùng thuốc đường hít sớm ngay khi có triệu chứng đầu tiên, vì để càng muộn càng khó thở, khả năng cắt cơn hen càng kém, dễ gây biến chứng và tử vong. Thuốc cần dùng là thuốc giãn phế quản nhanh như Salbutamol. Liều dùng phù hợp là: 2 nhát xịt họng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn. Nếu chưa giảm khó thở thì xịt lặp lại 2 lần cách nhau khoảng 5 - 10 phút.Bên cạnh việc dùng thuốc cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như nghỉ ngơi, chỗ nghỉ thông thoáng. Nếu cơn khó thở không hết sau 3 lần xịt thuốc hoặc cơn hen chỉ lui tạm thời trong vài tiếng rồi trở lại, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc đến phòng cấp cứu ngay để được điều trị phù hợp.Những biện pháp trên áp dụng cho cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên liều lượng thuốc phải phù hợp tuổi, cân nặng của người bệnh. Do vậy, người bệnh cần được khám, chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.