03:20 04/05/2009

Kiểm soát và mở cửa thời có “bão”

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam trong xử lý ảnh hưởng của khủng hoảng từ bên ngoài?

Tới đây, Việt Nam có áp dụng hay không những công cụ tài chính mới để điều tiết, kiểm soát và phát triển thị trường tài chính là câu hỏi mà các diễn giả quan tâm.
Tới đây, Việt Nam có áp dụng hay không những công cụ tài chính mới để điều tiết, kiểm soát và phát triển thị trường tài chính là câu hỏi mà các diễn giả quan tâm.
Kinh nghiệm nào cho Việt Nam trong xử lý ảnh hưởng của khủng hoảng từ bên ngoài?

Chỉ diễn ra trong vòng 60 phút, nhưng bàn tròn “Củng cố hệ thống tài chính toàn cầu: điều tiết và đổi mới”, trong khuôn khổ hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 của Asia Society (4/2009 tại Tp.HCM), đã đụng chạm đến những vấn đề nóng nhất mà các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt: sự kiểm soát và can thiệp của Nhà nước vào hệ thống tài chính và có nên tiếp tục mở cửa hệ thống này hơn nữa.

“Bên ngoài đang bão ầm ầm, mà bảo mở cửa thì ai dám mở?”

Ngay khi mở đầu bàn tròn, ông Peter Stein, Phó tổng biên tập tờ The Wall Street Journal Asia, đã nhận định: “Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là kết quả của việc quản lý và điều hành yếu kém. Vì sao không có một cơ chế nào kiểm soát các công cụ phái sinh? Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh… đã quá thiếu sự điều tiết từ phía Nhà nước”.

Và ông hỏi: “Bài học nào cho các thị trường mới nổi? Nhà nước có nên tăng cường kiểm soát, điều tiết thị trường? Việt Nam đang trên đường phát triển, hội nhập và vừa qua đã tháo gỡ khá nhiều sự kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính. Nay Việt Nam sẽ thế nào, mở cửa tiếp hay dừng lại? Làm thế nào để đưa ra các nguyên tắc chung cho việc kiểm soát đúng tầm và thích hợp của Nhà nước?”.

Trả lời một trong số những câu hỏi của ông Peter Stein, ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore, miêu tả đầy hình ảnh: “Bây giờ thật khó thuyết phục các nước mở cửa nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng. Bên ngoài đang bão ầm ầm, mà bảo mở cửa thì ai dám mở? Không dễ để có một giải pháp chung cho châu Á nhất là khi sự đồng thuận của trục Anh - Mỹ đã bị phá vỡ (ý nói cuộc họp G20). Những biện pháp như kiểm soát vốn có thể được áp dụng mặc dù nó phi thị trường”.

Theo ông Simon Tay, thế giới mới chỉ đang ở giai đoạn đầu xử lý lòng tham trong lĩnh vực tài chính. Phương Tây đang sử dụng lại những phương pháp của châu Á trong xử lý cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Vai trò của châu Á đang được nâng lên. Do đó nhìn vào cấu trúc tài chính thế giới trong tương lai, châu Á phải có tiếng nói của mình, không phải cứ chấp nhận những gì mà phương Tây áp đặt, gợi ý.

“Phá giá đồng nội tệ quá mức không có lợi!”

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam trong xử lý ảnh hưởng của khủng hoảng từ bên ngoài? Ông Qiao Yide, Phó tổng thư ký Hội đồng Xúc tiến phát triển kinh tế Yangtze Delta - Shanghai - Hongkong (lưu vực sông Dương Tử - Thượng Hải - Hồng Kông), nhắc lại những biện pháp mà Trung Quốc đã áp dụng để xử lý khủng hoảng tài chính 1997.

Thứ nhất, Trung Quốc công bố đồng nhân dân tệ không bị phá giá. “Phá giá đồng nội tệ quá mức sẽ không có lợi”, ông Qiao Yide nhấn mạnh. Thứ hai, tài trợ gián tiếp cho nền kinh tế đóng vai trò lớn thông qua kênh cho vay của ngân hàng. Thứ ba, chính phủ cứu những ngân hàng có khả năng phá sản.

“Chúng tôi đã bơm hàng tỉ Nhân dân tệ vào các ngân hàng quốc doanh, xóa nợ xấu, thay đổi cơ cấu sở hữu từ quốc doanh sang cổ phần và thu hút vốn nước ngoài vào các ngân hàng”, ông nói. “Chúng tôi chứng khoán hóa ngân hàng (đưa lên sàn niêm yết) không phải vì ngân hàng thiếu vốn, mà để lãnh đạo các ngân hàng biết chịu trách nhiệm trước cổ đông”.

Nhìn vào tình hình thực tế của Việt Nam, ông Scott Robertson, nhà kinh tế học của Dragon Capital Group, nhận xét độ mở của kinh tế Việt Nam hiện cao hơn trước, chính vì thế phải có một sự kiểm soát nhất định từ phía Nhà nước, đặc biệt đối với cán cân thanh toán. Năm 2007 khi dòng vốn nước ngoài đổ vào nhiều, Việt Nam chưa có được một cơ chế điều hành để dòng vốn đó chảy vào nơi cần thiết và ở lại lâu dài.

Ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Vietnam, cho biết trên thế giới người ta đang xem xét lại việc dỡ bỏ các điều tiết từ phía Nhà nước, và không còn sùng bái việc dỡ bỏ đó như trước. “Việt Nam là một đất nước học rất nhanh. Điều mà Việt Nam cần làm là khích lệ lòng tin của cả nhà đầu tư nước ngoài và người dân trong nước. Chẳng hạn đối với thị trường chứng khoán là cải thiện công việc kiểm toán và công khai thông tin của các công ty niêm yết”.

Cả hai ông Robertson và Krause đều cùng đề cập đến một vấn đề: huy động vốn trong dân dựa trên lòng tin. “Việt Nam có một nguồn vốn dự trữ khổng lồ trong dân chưa được khai thác. Số vốn đó người ta tích lũy bằng vàng ở đâu đó, ngân hàng phải làm sao để huy động được”, ông Krause nói. Và ông Robertson thêm: “Phải huy động được nguồn vốn trong dân. Các ngân hàng thương mại cần mở rộng mạng lưới về nông thôn, không phải chỉ quanh quẩn ở các thành phố lớn”.

“Đừng thấy những gì xảy ra ở Mỹ rồi sợ”

Phải chăng Việt Nam đã tránh được ít nhiều những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng thế giới do chưa hội nhập hoàn toàn?

Ông Brett Krause phân tích: “Việt Nam tránh được tiêu cực bởi ba lý do. Việt Nam chưa khuyến khích người dân mở tài khoản ở nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài. Hệ thống tài chính chưa hội nhập hoàn toàn. Các ngân hàng Việt Nam chưa tham gia mua sản phẩm phái sinh ở Mỹ, nên không chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở đây, rõ ràng có sự cẩn trọng của các ngân hàng”.

Tuy nhiên, theo ông Simon Tay, “Việt Nam bị tác động bởi nhu cầu hàng hóa trên thế giới giảm”. Còn theo ông Robertson: “Sự biến động giá cả của những sản phẩm thô và việc xuất khẩu nguyên liệu thô là vấn đề dài hạn mà Việt Nam cần giải quyết. Ngoài ra, yếu tố lạm phát của Việt Nam cũng chịu tác động của bên ngoài. Việt Nam cần thiết phải tính toán được chính xác bao nhiêu phần trăm lạm phát xuất phát từ trong nước, bao nhiêu nhập khẩu từ nước ngoài”.

Tới đây, Việt Nam có áp dụng hay không những công cụ tài chính mới để điều tiết, kiểm soát và phát triển thị trường tài chính là câu hỏi mà các diễn giả quan tâm. Ông Peter Stein dẫn chứng Trung Quốc đang đi ngược lại các nước. Ở Mỹ người ta cấm bán khống, nhưng Trung Quốc chuẩn bị cho bán khống và cho phép giao dịch các sản phẩm phái sinh.

Ông Qiao Yide xác nhận: “Trong một thế giới mà dòng vốn di chuyển nhanh, cần cải tiến, áp dụng sáng tạo các sản phẩm tài chính. Trung Quốc đang chứng khoán hóa các loại tài sản một cách mạnh mẽ hơn. Đừng thấy những gì xảy ra ở Mỹ (mua bán sản phẩm phái sinh vượt tầm kiểm soát) mà sợ quá, nên tránh xa, không dám làm. Vấn đề là sử dụng công cụ tài chính như thế nào để các công cụ đó hiệu quả và tạo ra niềm tin”.

Có lẽ Việt Nam cần thêm thời gian trước khi đưa các công cụ tài chính vào thị trường. Còn thời gian bao lâu thì chưa thể biết. Thị trường tài chính Việt Nam đang trong quá trình xây dựng lòng tin và lòng tin đó, như lời ông Thái Đắc Liệt, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, nói trong bàn tròn, chỉ vừa mới phục hồi.

Hải Lý (TBKTSG)