15:40 22/11/2008

Kiếm sống thời cướp biển

Vì các chủ tàu tránh cướp biển mà đã xuất hiện các dịch vụ có thể gọi nôm na là... “ăn theo” thời hải tặc

Tàu chiến INS Tabar của Ấn Độ (phải) hộ tống tàu hàng MV Jag Arnav hôm 11/11 - Ảnh: AP.
Tàu chiến INS Tabar của Ấn Độ (phải) hộ tống tàu hàng MV Jag Arnav hôm 11/11 - Ảnh: AP.
Vì các chủ tàu tránh cướp biển mà đã xuất hiện các dịch vụ có thể gọi nôm na là... “ăn theo” thời hải tặc.

Theo báo Nga Gazeta.ru, tại các cơ quan hải quân Nga, vấn đề bảo vệ các tàu hàng trên cơ sở các hợp đồng thương mại đang được thảo luận.

Một nguồn tin từ hạm đội hải quân Nga cho biết hiện đã có một số nước kêu gọi Nga bảo vệ giúp các tàu hàng của mình, trong đó có những nước ở Trung Đông.

Hợp đồng bảo vệ

Hiện nay đã có một số tàu được tàu chiến Neustrashimy của Nga hộ tống đi qua vùng “biển đen” ở vịnh Aden. Tuy nhiên, giá cả những chuyến hộ tống cũng như những quốc gia đặt hàng này đang là bí mật và Nga từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Người phát ngôn của lực lượng hải quân Nga, đại tá Igor Dygalo, cho biết hải quân Nga hoạt động đúng theo luật lệ của Liên hiệp quốc và trong một số trường hợp có thể sử dụng vũ lực.

Ông tuyên bố: “Chỉ huy tàu sẽ thông qua quyết định tùy theo tình hình, nhưng nhiệm vụ chính là bảo vệ người Nga”. Ông cũng cho biết trong quá trình trực nhật, tàu sẽ phối hợp hoạt động với tàu chiến của các nước khác đang hiện diện trong vùng vịnh Aden, và nếu có các hoạt động phối hợp đặc biệt với các nước thì trước hết cần có “nhất trí từ tuyến đối ngoại”.

Ông Dygalo cho biết thêm tàu chiến Neustrashimy sắp hết hạn lưu trú tại vùng biển Aden và sẽ có tàu khác tới thay thế, nhưng khi nào, tàu nào tiếp tục là vấn đề bí mật.

Lý do, theo ông Dygalo, bọn cướp biển Somalia là “một cộng đồng tội ác có tổ chức, chúng sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông để theo dõi hoạt động của chính quyền và các vấn đề liên quan tới tiền chuộc, tổ chức hoạt động”.

Tư nhân vào cuộc

Biết hành động phối hợp của NATO, EU hay của các quốc gia sẽ không thể diễn ra trong một sớm một chiều, các công ty bảo vệ tư nhân đã nhanh chóng tự giới thiệu.

Nhiều công ty bảo vệ đã kêu các mức giá khác nhau cho các dịch vụ hộ tống các thương đoàn đi qua vùng vịnh Aden, tùy theo danh tiếng công ty lẫn đẳng cấp các nhân viên bảo vệ của mình (không chỉ biết bắn súng mà còn phải biết cách sống sót lẫn những quy tắc hành xử trên biển để tránh vi phạm luật quốc tế).

Thông tin mới nhất của tờ The Bullettin (Mỹ) cho biết Công ty Blackwater Worldwide (trụ sở tại Moyock, North Carolina), một công ty an ninh tư nhân do các cựu đặc nhiệm Mỹ thành lập, đang khuếch trương dịch vụ hộ tống cho các tàu thuyền qua lại vùng vịnh Aden.

Người phát ngôn công ty Anne Tyrrell cho biết Blackwater đang thương lượng với 65 công ty vận chuyển đường biển và bảo hiểm về vấn đề này.

Còn theo Itar-Tass, công ty đã trang bị và chuẩn bị cuối năm nay sẽ gửi tới vùng biển Somalia tàu McArthur có thể chở cả trực thăng. McArthur nhận nhiệm vụ “huấn luyện quân đội và nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật, các chiến dịch nhằm ổn định và gìn giữ hòa bình”. Trên tàu sẽ có một nhóm 30-40 nhân viên của Blackwater được trang bị vũ khí.

McArthur có thể trở thành cơ sở cơ động để tuần tiễu chống cướp biển bằng việc sử dụng canô, trực thăng. Tàu được trang bị hệ thống các thiết bị liên lạc và do thám tối tân nhất, cả một bệnh viện cơ động. McArthur từng là một con tàu nghiên cứu trong suốt 40 năm, đến năm 2003 được Blackwater mua lại.

Theo các số liệu, công ty này có một phi đội tới hơn 20 máy bay chiến đấu, từng tham gia trong các chiến dịch chống buôn lậu ma túy và vũ khí ở Brazil và Colombia.

Giá bảo vệ ngất trời

Dĩ nhiên, giá phục vụ của Blackwater sẽ đắt hơn những công ty bảo vệ nhỏ, mới thành lập.

Theo Lloyd’s List, mức giá bình quân hiện nay là 8.000 bảng Anh cho ba ngày, 15.000 bảng cho năm ngày để một tàu đi qua vịnh Aden, được hộ tống bởi ba bảo vệ không vũ trang. Giá thành sẽ tăng gấp đôi nếu khách hàng muốn người hộ tống phải có vũ khí.

Ngoài ra, các công ty còn cho thuê một số thiết bị chuyên dụng như ống nhòm ban đêm giá 150 bảng/ngày hoặc hệ thống theo dõi tàu qua vệ tinh giá 500 bảng/ngày.

Song song đó còn hình thành loại dịch vụ “tuần tra thường trực trên cơ sở thương mại”. Tháng 5/2008, chính phủ lâm thời Somalia đã ký hợp đồng sơ bộ với Secopex - một công ty bảo vệ do các cựu sĩ quan quân đội và mật vụ Pháp thành lập.

Theo đó, trong vòng ba năm các cố vấn Pháp sẽ thành lập tại vùng biển Somalia bộ phận bảo vệ bờ biển có khả năng chống trả cướp biển. Tuy nhiên, hợp đồng chưa thể có hiệu lực do phía Somalia không đủ tiền để trả: 50-100 triệu euro/năm.

Ngày 20/11, quan chức các nước ven biển Đỏ sau khi nhóm họp khẩn cấp tại thủ đô Cairo của Ai Cập để tìm kiếm biện pháp ngăn chặn nạn hải tặc đang hoành hành ở vùng biển Somalia đã ra thông cáo tuyên bố “sẽ thực hiện tất cả các biện pháp”.

Thông cáo nói trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của Somalia, nhưng “các giải pháp đều để ngỏ” và các nước này sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp chính trị hay ngoại giao.

Cuộc gặp do Ai Cập và Yemen đồng chủ trì, có sự tham gia của đại diện Jordan, Saudi Arabia và Sudan. Sự tích cực của Ai Cập trong việc giải quyết nạn cướp biển cũng vì nguyên nhân kinh tế: trong nửa đầu năm 2008, Ai Cập thu được 2,6 tỉ USD từ 10.497 con tàu sử dụng kênh đào Suez giữa biển Đỏ và Địa Trung Hải. Cùng ngày, Liên Hiệp Quốc đã họp thông qua quyết định thắt chặt cấm vận vũ khí Somalia hòng ngăn chặn khả năng bọn hải tặc tiếp cận thêm các loại vũ khí.

Nhưng trước mắt, các thương đoàn có lẽ phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”!

Duy Văn (Tuổi Trẻ)