15:49 18/08/2011

Kiều hối đổ vào bất động sản đang tăng mạnh

Bảo Anh

Dù thị trường bất động sản trầm lắng từ đầu năm đến nay, song lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực này lại đang tăng mạnh

Có đến 52% lượng kiều hối được đổ vào lĩnh vực bất động sản, theo khảo sản của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: Từ Nguyên.
Có đến 52% lượng kiều hối được đổ vào lĩnh vực bất động sản, theo khảo sản của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: Từ Nguyên.
Dù thị trường bất động sản trầm lắng từ đầu năm đến nay, song lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực này lại đang tăng mạnh.

Thông tin trên được TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra tại hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính”, do cơ quan này tổ chức sáng nay (18/8).

Theo đó, kết quả điều tra 4.000 hộ nhận kiều hối mới đây cho thấy, có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại được dùng để gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Thống kê của cơ quan này cũng cho thấy, lượng kiều hối đổ vào bất động sản trong thời gian qua đang tăng nhanh.

Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong khi lượng kiều hối đổ vào bất động sản đang có xu hướng tăng nhanh thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản giảm mạnh. Theo đó, vốn đăng ký từ mức 26,6 tỷ USD năm 2008 xuống 6,84 tỷ USD năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 chỉ còn 305 triệu USD.

Liên quan đến tình hình dư nợ bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tính đến cuối tháng 6/2011, dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là khoảng 245.000 tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 3%.

Đặc biệt, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm khoảng 40%. Tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào hai thị trường Tp.HCM và Hà Nội với tỷ lệ tương ứng là 45% và 18% tổng dư nợ bất động sản.

Theo ông Nghĩa, rủi ro của bất động sản đối với hệ thống ngân hàng hiện nay không phải là không có. Bởi trong khi dư nợ tín dụng bất động sản của chúng ta là khoảng 10% thì các nước trong khu vực Đông Nam Á lại chỉ khoảng 6 -7%.

Hơn nữa, rủi ro lại tập trung ở các ngân hàng nhỏ với việc các cổ đông của ngân hàng lại chính là các chủ các dự án bất động sản.