07:28 16/01/2007

Kinh doanh theo chuỗi giá trị

Phong Lan

Một kết quả nghiên cứu lý thú về tác động của chuỗi giá trị cây hoa hồng đối với sự phát triển kinh tế tại miền Bắc

Theo kết quả nghiên cứu, ước tính tổng số hoa hồng tiêu thụ tại Hà Nội vào khoảng 261 triệu bông/năm.
Theo kết quả nghiên cứu, ước tính tổng số hoa hồng tiêu thụ tại Hà Nội vào khoảng 261 triệu bông/năm.
Trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, đã có hai xu hướng quan trọng trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Đó là sự hình thành nhiều tiểu khối nông nghiệp và sự phát triển nhiều hình thức chuỗi giá trị.

Thực chất, nó chính là việc phát triển các chính sách và sự phân phối các nguồn lực một cách hiệu quả.

Mới đây, nhóm M4P (Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo) đã nghiên cứu về chuỗi giá trị cây hoa hồng, cho thấy nó có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế và giảm nghèo ở miền Bắc.

Vào đầu những năm 90, hầu như chưa xuất hiện những diện tích sản xuất hoa hồng ở miền Bắc. Ví dụ như tại huyện Mê Linh, diện tích trồng hoa hồng đã tăng từ 18 ha (năm 1994) lên 371 ha (năm 2004). Đến năm 2004, có khoảng 2.100 hộ ở Mê Linh trồng hoa hồng, trong đó 1% có những thửa ruộng trồng hoa hồng lớn, từ 5.400m2 - 1.800m2; 81% có khoảng 1.800m2 trồng hoa hồng và 18% có khoảng 360 - 720m2.

Theo cán bộ xã ở đây, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 12% năm 1990 xuống còn 1% năm 2003 nhờ sản xuất hoa hồng. Nhờ kết quả của “sự thịnh vượng hoa hồng” mà tỷ lệ sinh giảm, còn giáo dục thì được nâng cao.

Nhiều rào cản trong chuỗi giá trị hoa hồng


So với việc canh tác các loại cây trồng khác ví dụ như rau, củ quả, trồng hoa hồng đòi hỏi nhiều vốn hơn. Đặc biệt, năm đầu tiên rất khó khăn vì phải đầu tư cây giống và đào giống, nếu như nguồn nước tưới không đảm bảo. Tại Mê Linh, đầu tư cho năm đầu trồng hoa hồng vào khoảng 4 triệu VND/sào (262 USD/sào).

Trong suốt 10 năm qua, những người nông dân nghèo của Mê Linh chỉ có thể vượt qua bước khởi đầu này nếu họ được cấp tín dụng. Còn với người nông dân ở Sapa, một rào cản khác là sự cần thiết phải có mối quan hệ với những người kinh doanh ở Hà Nội. Vì hiện tại chưa có nhà kinh doanh nào tự đến Sapa. Người bán buôn đặt hàng qua điện thoại.

Rất nhiều người trồng hoa hồng ở đây đã từng trồng hoa hồng ở Mê Linh và có mối liên hệ chặt chẽ với những người kinh doanh hoa. Đối với những người nông dân H’mông thì đây có thể là một rào cản vì họ chưa có được mối quan hệ này.

Việc thiết lập nên các chuỗi giá trị khác nhau sẽ tạo ra những giá trị kinh tế rất khác nhau. Quan trọng là chúng ta cần chú trọng vào việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho nông dân sản xuất nhỏ hay là cho những doanh nghiệp lớn hơn kinh doanh trong ngành nông nghiệp?

Tất cả những câu hỏi trên, đòi hỏi phải có sự phân tích tốt cả về trên đồng ruộng cũng như trên cả chuỗi giá trị nông dân - cửa hàng - người bán buôn, bán rong - công ty - người tiêu dùng.

Với người tiêu dùng Hà Nội là điểm cuối, có thể xã lập ra đây các chuỗi giá trị như: nông dân - người bán buôn - người bán rong - người tiêu dùng; nông dân - người bán buôn - cửa hàng - người tiêu dùng; nông dân - người tiêu dùng; hay công ty - người bán buôn - cửa hàng - người tiêu dùng. Tuỳ vào sự thuận tiện khác nhau mà xác lập ra những chuỗi giá trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Ở đây, các chuỗi giá trị có công ty tham gia mới chỉ có ở Sapa và Đà Lạt trong khi các chuỗi giá trị khác có thể khởi đầu tại bất kỳ khu vực trồng hoa hồng nào mà chủ yếu là từ các huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc, Từ Liêm - Hà Nội.

Giá trị khác nhau - sinh lời khác nhau


Theo kết quả nghiên cứu, ước tính tổng số hoa hồng tiêu thụ tại Hà Nội vào khoảng 261 triệu bông/năm. Với dân số 3 triệu, con số này đã tương đương với 87 bông/người/năm.

Phần lớn số hoa này được cung ứng bởi huyện Từ Liêm (50%), Mê Linh (30%) sau đó là Sapa (6%). Khả năng sinh lời và tạo việc làm ở các chuỗi giá trị khác nhau cũng khác nhau.

Ngành trồng hoa hồng đang phát triển rất nhanh. Do nhu cầu của thị trường, nông dân đã phản ứng như những nhà doanh nghiệp, với nhiều sáng kiến cải tiến. Ngoài ra những người kinh doanh với đầu tư vào kho lạnh đã đóng một vai trò quan trọng trọng sự phát triển nhanh chóng này.

Thị trường tiêu thụ hoa hồng ở Hà Nội ước tính đã tạo cho 17.000 việc làm toàn thời gian và một giá trị ròng 7,5 triệu USD. Đối với những người nông dân Mê Linh, việc tham gia vào chuỗi giá trị hoa hồng đã giúp 39% trong số họ thoát nghèo, so sánh với các phương án làm nông nghiệp.

Nếu người nông dân không thể tổ chức việc bán hoa cho người bán lẻ theo cách khác với cách mà họ đang làm, thì khi họ bán cho những người bán buôn, sẽ thu được một giá trị ròng trên việc làm toàn thời gian cao hơn so với khi họ bán trực tiếp cho người bán lẻ. Lợi thế và giá khi bán cho người bán lẻ lại bị ảnh hưởng bởi những bất lợi về việc dành thêm rất nhiều thời gian để bán cùng một khối lượng hoa.

Vì vậy, trong điều kiện hiện tại, người nông dân sẽ có lợi nhất khi bán trực tiếp cho một người bán buôn, hơn là bán cho một số lượng lớn những người bán lẻ.

Việc phát triển chuỗi giá trị hoa hồng ở các vùng miền núi có khí hậu mát mẻ trong giai đoạn mùa hè nóng nực là cơ hội tốt đẻ giảm nghèo vì nó tạo việc làm ở những vùng nông thôn xa xôi.

Để thị trường hoa không bão hoà

Cần thiết lập một chính sách cho ngành hoa hồng và việc đầu tiên là phải xem xét các yếu tố làm bão hoà thị trường.

Theo kết quả các cuộc điều tra thảo luận nhóm chuyên đề với nông dân Mê Linh, lợi nhuận thu được trên mỗi sào trồng hoa đã giảm từ 8 triệu VND năm 1993 xuống còn 5 triệu VND năm 2004. Những người nông dân dự đoán lợi nhuận trên mỗi sào sẽ giảm xuống 3,5 triệu VND vào năm 2010.

Lý do của việc này là những vấn đề ngày càng gia tăng về sâu bệnh (làm giảm sản lượng và tăng nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu), về việc chi phí đầu vào tăng cao và việc hoa giảm giá. Lợi nhuận trên một diện tích trồng hoa giảm cho thấy việc tăng cung đã đuổi kịp tăng cầu.

Theo đánh giá của những đối tượng chính, giá hoa hồng ở Sapa dự đoán sẽ giảm khi diện tích trồng hoa đạt 70 ha. Toàn bộ nhu cầu của thị trường miền Bắc sẽ được thoả mãn khi có 250 ha trồng hoa hồng ở Sapa. Việc thị trường bão hoà có thể tránh được bằng cách đa dạng hoá các chủng loại và màu sắc hoa hồng bằng việc trồng các loại hoa khác.

Ngoài ra cũng cần phát triển thị trường xuất khẩu. Chi tiêu cho hoa cắt cành trên toàn thế giới ước đạt khoảng 35 tỷ USD vào cuối những năm 90. Năm 2003 giá trị xuất khẩu hoa toàn cầu là 11,3 tỷ USD. Việt Nam chỉ xuất khẩu được 5,2 triệu USD trong năm 2003 (theo số liệu của ITC/WTO).

Bất chấp với số liệu khiêm tốn này, xuất khẩu hoa đang tăng mạnh với tốc độ 38%/năm kể từ năm 1993. So với thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước quan trọng hơn và cũng tăng trưởng nhanh hơn, từ ước tính 3.500 ha trồng hoa và cây cảnh năm 1999 lên 12.100 ha năm 2003.Điều này cho thấy tín hiệu của mức tiêu thụ tăng.

Trong số đó, diện tích hoa hồng chiếm khoảng 35%. Khu vực trồng hoa quan trọng nhất là ở Châu thổ sông Hồng, đặc biệt là Vĩnh Phúc, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt.

Một xu hướng tương đối mới là việc tăng diện tích sản xuất hoa ở Sapa nằm trên độ cao 1.600 mét so với mực nước biển. Thị xã này đang cung ứng hoa hồng cao cấp trong mùa nóng từ tháng 3 đến tháng 10. Công ty nước ngoài Đà Lạt Hasfarm đã chứng tỏ hoàn toàn có thể làm được điều này tại Việt Nam.

Đến nay, hoa hồng miền Bắc hầu như chưa xuất khẩu, ngoại trừ một số ít xuất sang Trung Quốc. Giá hoa hồng rất cạnh tranh nhưng chất lượng cũng cần được nâng cao hơn nữa. Cần chú trọng vào việc tăng tuổi thọ cho hoa cắm trong lọ. Còn nhiều việc phải làm với vấn đề nâng cao chất lượng.