08:24 25/12/2007

Kinh doanh với “cần câu” âm nhạc

“Mọi người đều ít nhiều yêu âm nhạc” - đó có lẽ là một tâm lý của người tiêu dùng đang được rất nhiều thương hiệu sử dụng

Tiếp thị bằng âm nhạc không còn là điều quá mới mẻ.
Tiếp thị bằng âm nhạc không còn là điều quá mới mẻ.
“Mọi người đều ít nhiều yêu âm nhạc” - đó có lẽ là một tâm lý của người tiêu dùng đang được rất nhiều thương hiệu sử dụng.

Trẻ hoá thương hiệu

Đêm 19/12, nhà thi đấu Nguyễn Du, Tp.HCM lại bừng cháy với sự thoả sức gào thét, nhảy nhót và tận hưởng không gian nhạc rock của chương trình “Rock your passion” (tạm dịch: hãy rock bằng niềm đam mê của bạn).

Có 4.000 con người say trong điệu nhạc, có lẽ chỉ hơn một nửa trong số đó là có niềm đam mê thực sự. Số còn lại, cũng nhanh chóng bị cái không khí ma mị này thiêu cháy. Những ban nhạc tham dự có trình độ hát và biểu diễn chỉ ở mức… trung bình khá, nhưng cũng đủ để các nhà truyền thông tiếp thị của Tiger beer mỉm cười hài lòng.

Không hài lòng sao được, khi mà chỉ mới là một chặng đường vừa phải, họ đã nhìn thấy được hiệu quả tích cực của nó. Ngày xưa, Tiger beer luôn muốn mình là một người đàn ông chững chạc và bản lĩnh.

Nhưng tại Việt Nam, có lẽ những người đàn ông kiểu này thì thích khẳng định mình bằng… rượu ngoại, hoặc những hình thức khác, vì Tiger đã vô tình (hoặc cố ý) bị người anh em Heineken của mình giành trọn phân khúc thị trường của người tiêu dùng sang trọng và đẩy xuống vị trí hạng trung bình khá, vốn dĩ lại là đất tung hoành của nhiều thương hiệu nội địa khác gần gũi hơn.

Chính vì thế, chiếm lĩnh hình ảnh “rock” đã tạo ra được một hình ảnh trẻ trung, một chút sành điệu và một chút nổi loạn trong định vị thương hiệu này đối với người tiêu dùng. Thương hiệu trẻ, dĩ nhiên, phải kéo theo khách hàng trẻ.

Và khách hàng mới của Tiger trẻ đến mức, website về cuộc chơi nhạc rock phải cảnh báo từ trang đầu tiên: bạn đã đủ tuổi uống bia chưa?

Mở rộng thị trường

Cũng trong đêm 19/12, tại một quán cà phê nhỏ hơn, Nokia chính thức giới thiệu sân chơi âm nhạc không giới hạn mang tên IAC của mình. IAC thực chất là một website âm nhạc, nơi mà mọi người có thể đăng ký để đưa lên những đoạn nhạc do chính mình sáng tác, biểu diễn. Nhạc sĩ Đức Trí sẽ “gác cửa” và đưa những đoạn nhạc này vào kho tàng âm nhạc đang ngày một lớn dần lên của Nokia.

Có mặt trong kho nhạc đã chứa hàng triệu bài của hãng âm nhạc Universal này đồng nghĩa với việc đặt bước chân đầu tiên cho việc quốc tế hoá bản nhạc có thể là đầu tay của mình. Chính vì thế, website www.nokia-asia.com/iac đã là một nơi quẩn quanh của tất cả những ai có trong người một chút xíu hy vọng cầu may sẽ có ngày âm nhạc hoặc giọng hát của mình được tôn vinh trên toàn cầu.

Ông Mark McCallum, Giám đốc tiếp thị của Nokia khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Âm nhạc là một trụ cột quan trọng của chiến lược dịch vụ internet tiêu dùng của chúng tôi. Do đó, điều quan trọng là chúng tôi phải nuôi dưỡng nền âm nhạc tại mỗi quốc gia để nó trở thành chất xúc tác tuyệt vời được người tiêu dùng khám phá và đánh giá”.

Quả thật, không hề đơn giản để chiếm được âm nhạc trong trái tim người tiêu dùng, nên những cuộc đầu tư và liên kết hết sức ngoạn mục của tập đoàn truyền thông di động lớn nhất toàn cầu này với hàng loạt đối tác chỉ nhằm một mục tiêu cuối cùng: “trở thành một nguồn đáp ứng nhu cầu âm nhạc của người tiêu dùng”.

Thật đơn giản để có thể nhận ra rằng, chỉ cần trở thành nguồn âm nhạc di động lớn nhất, thì điện thoại Nokia bán ra nhiều hơn đã đành, mà còn có thể tìm được một nguồn lợi tức khổng lồ từ việc kinh doanh nhạc trực tuyến lẫn di động.

Tiếp thị bằng âm nhạc, đó không là điều quá mới mẻ. Chỉ đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa biết tận dụng công cụ này.