10:19 25/12/2008

Kinh tế 2008 từ góc nhìn của các bộ trưởng

Minh Đức

Các bộ trưởng nắm những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cùng nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2008

Phiên họp Chính phủ diễn ra hôm qua (24/12).
Phiên họp Chính phủ diễn ra hôm qua (24/12).
Các bộ trưởng nắm những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế cùng nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2008.

Cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 khác với thông lệ, lần đầu tiên có cùng lúc 6 bộ trưởng lãnh đạo các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế cùng nhìn lại kết quả đạt được sau một năm đầy biến động, gồm: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.

Nhận định chung mà các bộ trưởng đưa ra là kinh tế năm 2008 có nhiều khó khăn, trải qua nhiều biến động khó lường dẫn tới những kết quả chưa được như mong muốn, nhưng vẫn có những thành công và ấn tượng.

GDP không đạt chỉ tiêu, nhưng “đáng nhớ”

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2008, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,23%, không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dù chỉ tiêu đó đã được điều chỉnh từ 8,5% xuống 7%.

Cũng theo báo cáo của bộ này, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 tăng 20%, vượt xa mốc của nhiều dự báo cũng như định hướng mục tiêu kiềm chế của Chính phủ đầu năm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, “Chính phủ đánh giá rằng, trong điều kiện nền kinh tế xã hội như hiện nay, trong bối cảnh khó khăn thì mức tăng trưởng 6,23% là một con số ấn tượng, con số đáng nhớ và không nhiều nước trên thế giới đạt được như chúng ta”.

Bộ trưởng Phúc cho rằng nên đặt kết quả đó trong một năm đặc biệt, khi nền kinh tế đối mặt với những thử thách lớn, chưa từng có và những biến động khó lường đoán. Đó là vấn đề khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam; là sự đảo chiều đột ngột của tình thế giá cả và nhiều biến động trên thế giới và trong nước từ tháng 9 trở lại đây so với giai đoạn trước đó.

Với lạm phát năm 2008, số liệu cụ thể mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra “chỉ là” 19,9%. Và theo ông, đây là một điều đáng mừng. Nguyên do là trước đây có lúc nhiều dự báo cùng nhìn về khả năng có thể bùng phát lên mức 30%; mức 19,9% cũng cho thấy sau những giải pháp của Chính phủ thì lạm phát đã giảm.

Còn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, năm 2008, công tác điều hành nền kinh tế cũng đã đạt được những thành công nhất định. Mức tăng 6,23% của GPD được xem là cao so với các nước trong khu vực; bên cạnh đó, các cân đối đến thời điểm này có thể nói là an toàn.

Đầu tư, đối ngoại khả quan

Năm 2008 cũng là một năm thành công theo đánh giá của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trong các mục tiêu đối ngoại gọi vốn và thu hút đầu tư.

Dẫn chứng mà ông đưa ra là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, thu hút vốn ODA có chuyển biến tích cực, cho thấy nhà đầu tư và các nhà tài trợ vẫn tin tưởng vào sự ổn định và phát triển dài hạn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh kinh tế và đầu tư toàn cầu đang gặp khó khăn.

Tại hội nghị đầu tháng 12 vừa qua, các nhà tài trợ đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hơn 5 tỷ USD. Giải ngân ODA cả năm ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10% so với thực hiện năm 2007; trong đó, vốn vay đạt 1,95 tỷ USD, viện trợ 250 triệu USD. Đáng chú ý là trong kết quả của nguồn vốn này không có sự tham gia của Nhật Bản.

Về nguồn vốn FDI, Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh đến kỷ lục của năm 2008 và xem đó là một thành công ấn tượng. Tuy nhiên, trong năm nay cũng đã có những dấu hiệu chậm tiến độ đầu tư ở một số dự án.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 12, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,473 tỷ USD, đưa tổng vốn năm 2008 của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang hoạt động ước đạt hơn 64,011 tỷ USD, tăng tới 229,8% so với năm 2007; trong đó vốn cấp phép mới là 60,271 tỷ USD với 1.171 dự án, tăng 322% về vốn và tăng 75,8% về số dự án so với năm trước; vốn tăng thêm là 3,74 tỷ USD với 311 dự án.

Xuất khẩu vượt bậc, kìm được nhập siêu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo số liệu ước tính cả năm, xuất khẩu là một thành công lớn của năm 2008 với kim ngạch cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, kim ngạch cả năm ước đạt xấp xỉ 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Ngoài 10 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã được thực hiện từ năm 2007 trở về trước, là dầu thô (10,5 tỷ USD), than đá (1,44 tỷ USD), dệt may (9,1 tỷ USD), giầy dép (4,7 tỷ USD), điện tử và linh kiện máy tính (2,7 tỷ USD), đồ gỗ (2,78 tỷ USD), thủy sản (4,56 tỷ USD), gạo (2,9 tỷ USD), cà phê (2 tỷ USD), cao su (1,6 tỷ USD), trong năm nay xuất hiện thêm 1 mặt hàng có khả năng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là dây điện và cáp điện (1,014 tỷ USD).

Bộ trưởng Hoàng giải thích, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt được mức cao một phần là do trong những tháng đầu năm dầu thô, than đá và nhiều mặt hàng nông sản gặp thuận lợi về giá và thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, đó cũng là hai bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam; dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2009 do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ngược lại, trong những tháng đầu năm, giá các mặt hàng, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao dẫn tới đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh. Tính chung cả năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 79,91 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2007.

Nhập siêu cả năm theo đó ước khoảng 17 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 27%, giảm so với năm 2007 (29,1%). So với mục tiêu ban đầu là 20 tỷ USD thì nhập siêu năm nay đã kìm được 3 tỷ USD.

“Việc kìm được nhập siêu cũng là một trong những lý do làm cho cán cân thương mại và những cân đối vĩ mô của chúng ta về tiền tệ an toàn hơn, nhất là vấn đề ngoại hối. Đặc biệt, đây cũng là năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau một số năm tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch của nhập khẩu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo ông, nếu tiếp tục đảm bảo được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn, hoặc ít nhất là bằng với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu thì dần dần có thể hướng tới cân bằng cán cân thương mại.