09:34 09/12/2011

Kinh tế 24h: Chuếnh choáng vì châu Âu

Diệp Anh

Giá vàng, chứng khoán, xăng dầu cũng đồng loạt sụt giảm mạnh sau hàng loạt tin tức bất lợi từ châu Âu

Những tin tức từ châu Âu khiến nhà đầu tư toàn cầu cảm thấy bất an.
Những tin tức từ châu Âu khiến nhà đầu tư toàn cầu cảm thấy bất an.
Những thông tin kinh tế từ châu Âu vẫn là chủ lưu trong phiên giao dịch hôm qua (8/12). Bất chấp sự kỳ vọng của giới đầu tư toàn cầu, giới chức khu vực này vẫn phát đi những tín hiệu đủ để khiến nhiều người mất thăng bằng.

Giá chốt trên các thị trường hàng hóa

Chốt phiên giao dịch ngày 8/12, trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm 198,67 điểm xuống 11.997,70 điểm. S&P 500 hạ 26,66 điểm xuống 1.234,35 điểm. Nasdaq trượt 52,83 điểm, còn 2.596,38 điểm.

Tại châu Âu, FTSE 100 của Anh giảm 1,14% xuống còn 5.483,77 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp bốc hơi 2,53% xuống mức 3.095,49 điểm. Chỉ số DAX của Đức trượt 2,01% xuống còn 5.874,44 điểm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 năm tới trượt 2,15 USD, tương ứng 2,1%, xuống mức 98,34 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Đây là mức chốt thấp nhất của dầu loại này kể từ hôm 28/11.

Trên thị trường vàng, giá vàng giao kỳ hạn tháng 3 trên sàn Comex, New York giảm 31,4 USD/ounce, tương đương 1,8%, xuống 1.713,4 USD/ounce. Trên sàn Kitco, giá vàng giao ngay là 1.710,7 USD/ounce, thấp hơn phiên trước 32,4 USD.

ECB hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ 0,25% lãi suất chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xuống mức thấp kỷ lục, 1%. Quyết định này là nhằm hỗ trợ kinh tế Eurozone đang gặp khó.

ECB cho biết, mức lãi suất thấp có thể sẽ kích thích các doanh nghiệp vay tín dụng đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, ngược lại, mức lãi suất thấp cũng có thể làm tăng lạm phát vốn đã cao tới 3,0% so với chỉ tiêu đề ra là 2%.

Ngân hàng châu Âu cần 115 tỷ Euro

Tổ chức giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) hôm qua cho rằng, các nhà băng khu vực này cần thêm 114,7 tỷ Euro thì mới có thể đứng vững trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và để khôi phục niềm tin của giới đầu tư.

Theo EBA, sự thiếu hụt nguồn vốn của 71 ngân hàng châu Âu cao hơn khoảng 8% so với mức 106,4 tỷ Euro ước tính hồi tháng 10.

Tổ chức này cho rằng các ngân hàng ở Đức, Italy, Áo và Bỉ cần tìm kiếm thêm nguồn vốn thông qua việc phát hành các quyền, thu hẹp các khoản cho vay, bán tài sản hay cắt giảm cổ tức hoặc tiền chi trả cho nhân viên.

Khó đạt đồng thuận

Theo một quan chức ngoại giao châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về những quy định tài chính chặt chẽ hơn nhằm chống lại cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung Euro.

Quan chức này cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo khối đã nhất trí về cái gọi là một "thỏa thuận tài khóa" nêu rõ các quy định về ngân sách của EU, nhưng "vẫn chưa thảo luận về hình thức pháp lý" của thỏa thuận.

Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao của Đức cho biết nước này đã bác bỏ một số biện pháp, trong đó có việc cấp cho Cơ chế Bình ổn châu Âu giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và phát hành trái phiếu chung Eurobond.

Thất nghiệp ở Mỹ giảm

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 3/12, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 23.000 xuống 381.000 người, thấp nhất kể từ tháng 2. Trước đó, dự báo của Bloomberg cho rằng số đơn xin trợ cấp giảm còn 395.000.

Giới phân tích cho rằng, các công ty đã sa thải ít nhân viên hơn nhưng có thể vẫn không muốn tăng tuyển dụng cho tới khi nhu cầu tăng lên và có dấu hiệu rõ ràng hơn về quyết định giãn thuế sẽ hết hạn vào cuối năm.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng trước bất ngờ giảm xuống 8,6%, thấp nhất hơn 2 năm, tăng trưởng việc làm nhanh hơn cần thiết để giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng chi tiêu tiêu dùng.

Lạm phát tại Trung Quốc giảm mạnh

Cơ quan Thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 5,5% trong tháng 10. Đây là mức tăng chậm nhất trong 14 tháng qua.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 thậm chí chỉ tăng 2,7%, so với 5% trong tháng 10, tăng ít nhất trong 23 tháng. Các số liệu này đều thấp hơn dự báo trước đó của Dow Jones Newswire, rằng CPI tăng 4,4% và PPI tăng 3,2%.

Việc lạm phát giảm mạnh dự kiến sẽ giúp các nhà lập pháp có thêm cơ hội nới lỏng chính sách, khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro. Theo cơ quan trên, lạm phát có thể khoảng 4% vào cuối năm nay.

Thặng dư tài khoản Nhật giảm sâu

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/12, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 10 vừa qua giảm 62,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 562,4 tỷ Yên (khoảng 7,2 tỷ USD).

Đây là tháng thứ 8 liên tiếp thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm. Số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 vừa qua đã leo lên tới 206,1 tỷ Yên.

Cũng trong tháng 10, tổng giá trị đặt hàng máy móc tư nhân của Nhật, trừ đơn hàng từ các công ty điện và đặt hàng tàu biển, giảm 6,9% so với tháng trước, xuống còn 687,4 tỷ Yên. Giá trị đặt hàng trong tháng 9 cũng giảm 8,2%.