07:35 16/11/2010

Kinh tế 24h qua: Dự báo “khủng”

Vinh Nguyễn

Năm 2020, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và 10 năm sau, kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi Mỹ

Kinh tế Trung Quốc sẽ vô địch thế giới vào năm 2010? - Ảnh: Getty.
Kinh tế Trung Quốc sẽ vô địch thế giới vào năm 2010? - Ảnh: Getty.
Năm 2020, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và 10 năm sau, kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi Mỹ, ngân hàng lớn thứ hai của Anh - Standard Chartered Plc nhận định trong một bản báo cáo công bố hôm qua (15/11).

Theo báo cáo, khối lượng kinh tế Trung Quốc và tài sản của xã hội nước này tăng lên, phần lớn là nhờ sự gia tăng tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD. Báo cáo cho hay, những thay đổi trong 20 năm sắp tới là to lớn. Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 24% tổng lượng GDP của thế giới, so với con số 9% hiện nay.

Standard Chartered Plc cũng nhận định, hiện nay đang diễn ra sự phân bố lại cán cân lực lượng mang tính chiến lược trong nền kinh tế thế giới. Các quốc gia có nền kinh tế mới nổi đứng đầu là nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) sẽ vượt lên, giành vị trí dẫn đầu từ tay các nước công nghiệp phương Tây.

Ngược với dự báo lạc quan về kinh tế Trung Quốc, phát biểu trước thềm công bố báo cáo ngân sách và nợ công vào ngày 1/12/2010, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan cảnh báo, Mỹ cần kiềm chế thâm hụt ngân sách khổng lồ, nếu không sẽ đối mặt với rủi ro khủng hoảng thị trường trái phiếu.

Theo ông, Mỹ cần giải quyết vấn đề nợ trước khi nó bật ngược trở lại và tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Ông tin tưởng rằng, các đề xuất giảm thâm hụt ngân sách cuối cùng sẽ được Quốc hội thông qua. Câu hỏi đặt ra chỉ là những đề xuất đó sẽ có trước hay sau một cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu.

Theo ông Greenspan, mức thâm hụt đạt đến 1,3 nghìn tỷ USD năm nay có thể bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu, làm suy yếu đà phục hồi và đẩy nền kinh tế trở lại suy thoái. Vấn đề nghiêm trọng và to lớn là liệu triển vọng thâm hụt dài hạn có đe dọa thị trường trái phiếu tới mức là lãi suất dài hạn và lãi suất vay thế chấp sẽ tăng cực mạnh hay không. Bởi nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kép.

Nợ công của Hy Lạp trong năm 2010 sẽ vào khoảng 144% GDP, Bộ Tài chính nước này dự báo. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất, Hy Lạp là nước có thâm hụt ngân sách và nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2009.

Theo số liệu điều chỉnh của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt ngân sách 2009 của Hy Lạp ở mức 15,4% GDP, cao hơn so với con số 13,6% công bố ban đầu. Cơ quan này dự báo, tổng nợ công sẽ đứng ở mức 126.8% GDP, cao hơn so với ước tính lần trước là 115%.

Chính phủ Hy Lạp cho biết kế hoạch cắt giảm 6% thâm hụt ngân sách, lớn hơn so với mức dự kiến trước đó và nước này vẫn kiên trì mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2014.

Trả lời phỏng vấn tờ Joongang Ilbo, ông Christophe de Margerie - Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng lớn nhất nước Pháp Total, cảnh báo thế giới hãy sẵn sàng đón nhận một đợt tăng giá dầu mới. Ông Margerie cho rằng, giá dầu trên thị trường thế giới chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo ông, các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc tiếp tục phát triển mạng lưới sản xuất công nghiệp và hệ thống cung cấp nhiên liệu. Chính vì vậy nhu cầu dầu thô sẽ tăng mạnh và tới mức các quốc gia này không thể tự cấp, buộc phải nhập khẩu từ bên ngoài. Theo đó, giá dầu thô tất yếu sẽ tăng lên.

Tuy nhiêm ông Margerie hy vọng tiến trình tăng giá này sẽ diễn ra chậm và từng nấc, chính phủ các nước sẽ có biện pháp hỗ trợ nhằm duy trì đà phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Việc tăng giá dầu trên thị trường thế giới sẽ dẫn đến tác động dây truyền lên một loạt các sản phẩm khác như dầu hỏa, khí gas... Các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dựa vào năng lượng gas như hàng không, vận tài sẽ bị ảnh hưởng. Giá dầu thô tăng cũng sẽ dẫn đến việc giá nhiều sản phẩm, dịch vụ có đầu vào liên quan đến nhiên liệu, tăng theo.

Cùng quan điểm này, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Nobuo Tanaka cho biết, sản lượng khai thác dầu mỏ thế giới sẽ tăng gấp rưỡi trong 25 năm đầu thế kỷ này, song thị trường dầu thô cũng sẽ chuyển sang giai đoạn “bất ổn định chưa từng có”.

Ông Tanaka kêu gọi các nước có nền kinh tế phát triển và đang phát triển giảm mức tiêu thụ năng lượng, nếu không sẽ làm cho nhu cầu năng lượng trên toàn cầu tăng vọt, và khiến giá cả nhảy vọt.

Theo ông, nếu không xảy ra sự tăng giá đột biến trên thị trường trong vòng 25 năm tới, vào năm 2035 giá một thùng dầu sẽ vào khoảng 113 USD. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước lệ, vì sự phát triển của thị trường dầu mỏ trong thập kỷ qua cho thấy rất khó dự báo chính xác giá của mặt hàng này.