08:20 10/02/2011

Kinh tế 24h qua: Những vụ thâu tóm khổng lồ

Diệp Anh

Đầu năm 2011, kinh tế thế giới chứng kiến nhiều vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp rất lớn và thuộc nhiều lĩnh vực

M&A hiện là một trong các xu thế lớn của kinh tế thế giới.
M&A hiện là một trong các xu thế lớn của kinh tế thế giới.
Deutsche Boerse AG, hãng điều hành sàn chứng khoán Deutsche Boerse của Đức đang đàm phán mua lại NYSE Euronext của Mỹ, nhằm xây dựng đơn vị điều hành sàn chứng khoán lớn nhất thế giới về doanh thu và lợi nhuận.

Nếu sáp nhập thành công, hai bên sẽ tiết kiệm được khoảng 300 triệu Euro (411 triệu USD) cũng như gia tăng được doanh thu. Trong đó, cổ đông của Deutsche Boerse sẽ nắm giữ từ 59 - 60% cổ phần của công ty sau sáp nhập, còn cổ đông của NYSE sẽ nắm giữ từ 40 - 41%.

Nhà điều hành sau sáp nhập sẽ là nơi giao dịch của các công ty trị giá khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 28% giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu. Dự kiến, Duncan Niederauer, CEO của NYSE Euronext sẽ giữ chức tương tự tại công ty mới, còn Reto Francioni, CEO của Deutsche Boerse sẽ lên làm chủ tịch.

Tuy nhiên, cả hai bên cho hay, chưa có gì đảm bảo rằng, cuộc đàm phán sẽ thành công.

Hôm qua, đơn vị điều hành Sở Giao dịch chứng khoán London, London Stock Exchange Group PLC (LSE), cũng cho biết đã đồng ý sáp nhập hoàn toàn bằng cổ phiếu với nhà điều hành sàn chứng khoán Toronto của Canada, TMX Group Inc (TMX).

Kế hoạch sáp nhập giữa LSE và TMX sẽ tạo ra sàn chứng khoán số một thế giới về tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết. Các sàn chứng khoán của tập đoàn sau sáp nhập sẽ là nơi giao dịch của khoảng 6.700 doanh nghiệp với tổng vốn hóa thị trường bình quân khoảng 3.700 tỷ bảng Anh.

Trong đó, các cổ đông của LSE sẽ kiểm soát 55% cổ phần của công ty sau sáp nhập, còn các cổ đông TMX sẽ kiểm soát 45% còn lại. LSE cho biết, thương vụ sẽ tạo ra lợi ích doanh thu khoảng 100 triệu bảng Anh/năm sau 5 năm và khoản tiết kiệm chi phí khoảng 35 triệu bảng Anh/năm vào cuối năm thứ 2.

Cũng liên quan tới hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), hãng đồ uống Suntory mới đây cho biết sẽ đầu tư 200 tỷ Yên cho các dự án M&A tại Đông Nam Á, nhằm mở rộng thị phần tại khu vực này.

Chủ tịch Nobutada Saji của Suntory cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động tại khu vực nhiều tiềm năng này, đặc biệt là tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Mục tiêu của Suntory là nâng lợi nhuận từ thị trường nước ngoài lên mức 25% trên tổng lợi nhuận so với mức 20% như hiện nay.

Tương tự Suntory, các hãng đồ uống lớn khác của Nhật Bản như Kirin, Sapporo và Asahi cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động tại châu Á nhằm tăng doanh thu và mở rộng thương hiệu. Hiện Sapporo đang hướng tới việc mua lại tập đoàn Pokka Corp của Singapore.

Kirin cũng mới đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh sản xuất nước giải khát với một công ty thuộc Tập đoàn China Resource Enterprise vào tháng 6/2011 tới. Trong khi đó, mục tiêu chiến lược của Asahi là tiến hành các vụ M&A tại châu Á với số vốn đầu tư có thể lên tới 500 tỷ Yên.

Cũng liên quan tới Nhật Bản, hôm qua, Phó chủ tịch Tom Byrne của tổ chức định mức tín dụng Moody’s cho rằng, việc Chính phủ Nhật Bản không mấy thành công trong cải cách tài chính, có thể tác động tiêu cực đến mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này.

Ông Byrne chỉ ra rằng, chỉ tăng trưởng kinh tế không thể giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách mà cần phải có các biện pháp tài chính. Moody’s hiện giữ mức xếp hạng tín nhiệm Nhật Bản ở Aa2 với triển vọng ổn định.

Cùng ngày, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Naoyuki Shinohara cũng lên tiếng cảnh báo, các khoản nợ công và thâm hụt ngân sách khổng lồ của Nhật Bản, đồng thời hối thúc Tokyo tiến hành cải cách tài chính.

Phát biểu bên lề một cuộc hội thảo ở thủ đô Tokyo, ông Shinohara cảnh báo Nhật Bản sẽ phải đối mặt với mối đe dọa trước mắt do các vấn đề tài chính, cho dù phần lớn nợ công của Chính phủ được tài trợ bởi vốn đầu tư trong nước.

Ông Shinohara cho rằng, nếu Nhật Bản để tình trạng hiện nay tiếp diễn, nó sẽ dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng trong tương lai. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đạt được thỏa thuận cụ thể về các biện pháp phục hồi nền tài chính càng sớm, càng tốt”.

Theo ông, Chính phủ Nhật Bản cần phải đồng thời “thúc đẩy tăng trưởng thông qua các cuộc cải cách cơ cấu”. Tuy nhiên, ông bác bỏ nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu do Chính phủ Nhật Bản phát hành.

Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Herman Van Rompuy cho biết, các nhà lãnh đạo 17 nước thành viên Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh bất thường vào giữa tháng 3, nhằm dự thảo kế hoạch hành động tránh nguy cơ tái phát của cuộc khủng hoảng nợ.

Hội nghị này là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận về các chính sách kinh tế được áp dụng tại Eurozone, trong bối cảnh liên minh tiền tệ này đang triển khai các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập và tăng cường các quỹ cứu trợ.

Các nhà lãnh đạo Eurozone muốn tổ chức hội nghị này trước khi hội nghị cấp cao toàn EU diễn ra vào ngày 24 - 25/3, với mục tiêu đưa ra quyết định về quy mô, hình thức và phạm vi của cơ chế cứu trợ thường trực nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ.

2010 là năm kỷ lục về sản xuất vàng trên toàn cầu, với sản lượng đạt 2.652 tấn, khi nhu cầu trên thị trường quốc tế tăng mạnh đẩy giá vàng lên mức cao. Trong đó, châu Phi đạt sản lượng hơn 600 tấn. Nam Phi với 300 tấn/năm, Ghana 75 tấn và Mali 50 tấn là 3 nước sản xuât vàng lớn nhất của châu Phi.

Châu Phi đã thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyên về khai thác và sản xuất vàng. Những tập đoàn lớn như New-Mont Minning đã đầu tư đáng kể vào châu lục này, nhất là khu vực Trung và Tây Phi, những khu vực với hơn 80% mỏ vàng có trữ lượng lớn.