07:24 09/02/2011

Kinh tế 24h qua: Vàng, dầu “theo chân” Trung Quốc

Diệp Anh

Việc Trung Quốc nâng lãi suất lần thứ hai trong vòng 6 tuần đã ngay lập tức ảnh hưởng tới các thị trường vàng, dầu, chứng khoán

Vàng tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần do tác động từ chính sách của Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Vàng tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần do tác động từ chính sách của Trung Quốc - Ảnh: Getty.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nâng lãi suất cho vay và huy động thêm 0,25%, nhằm kiểm soát lạm phát hiện đang đứng trên mức 4% tháng thứ ba liên tiếp. Thông tin này ngay lập tức tác động tới các thị trường hàng hóa toàn cầu, như vàng, dầu, chứng khoán.

Trong phiên giao dịch 8/2, giá vàng thế giới đã xác lập mức cao 3 tuần. Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tại New York tăng 15,9 USD/ounce (+1.2%) lên 1.364,10 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 19/1. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.348,90 - 1.368,70 USD/ounce.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán Mỹ suy yếu. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 trên sàn New York giảm 54 xu xuống còn 86,94 USD/thùng. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3 trên sàn London tăng 67 xu lên 99,92 USD/thùng, trong khi đầu phiên lên tới 100,42 USD/thùng.

Ông George Gero, Phó chủ tịch tập đoàn RBC Wealth Management nhận định: “Giá vàng tăng sau động thái kiểm soát lạm phát của Trung Quốc”. Còn theo các nhà phân tích của Commerzbank, khi các ngày lễ tết âm lịch kết thúc, Trung Quốc sẽ trở lại thị trường và nhu cầu lớn từ nước này sẽ hỗ trợ giá vàng.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, các nhà sản xuất ống thép hàng đầu của nước này sẽ phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của Mỹ với mặt hàng này. Mỹ áp thuế chống phá giá 86% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này có hiệu lực từ tháng 2/2011.

U.S. Steel Corp, tập đoàn sản xuất thép lớn nhất của Mỹ và liên đoàn các nhà sản xuất thép của Mỹ tỏ ý đồng tình với quyết định này. Giới sản xuất của Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã bán phá giá thép tại Mỹ, đồng thời lại được hưởng trợ cấp từ chính phủ.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Bộ Công Thương Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước này trong năm 2010 tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 206,53 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt đạt 77,05 tỉ USD, các mặt hàng may đạt 129,48 tỉ USD.

Xuất khẩu dệt may của Trung Quốc trong năm 2010 vẫn tăng mạnh, bất chấp tình trạng thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng và đồng Nhân dân tệ tăng giá từ giữa năm 2010. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất toàn cầu.

Các quan chức Ấn Độ đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm tài khóa từ tháng 4/2010 đến hết tháng 3/2011 lên 8,6%, nhanh nhất trong 3 năm qua và gần bằng tốc độ trước khủng hoảng. Mức dự báo trước đây là 8,5%.

Dự báo của giới chức Ấn Độ về cơ bản tương đồng với những nhận định của giới phân tích kinh tế. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách càng tin tưởng rằng, Ấn Độ vẫn có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Kể từ tháng 3/2010 đến nay, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã 7 lần tăng lãi suất. Các nhà phân tích dự đoán trước tháng 3/2011, định chế tài chính này sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm ít nhất là 0,25 điểm phần trăm.

Giới chuyên gia kinh tế thế giới cảnh báo, tình trạng lạm phát đã trở thành hiểm họa lớn nhất đe dọa các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Hiểm họa này ngày càng phức tạp và khó xử lý do kết hợp giữa hoạt động quá nóng của nền kinh tế trong nước với giá hàng hóa tăng cao trên toàn cầu.

Mạng phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" cho rằng, 2010 là một năm gặt hái đối với các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi do các tài sản của những thị trường này tạo ra lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, trong năm nay, dù khu vực này vẫn năng động nhưng triển vọng lợi nhuận sẽ giảm đi.

Ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Brazil lạm phát đã lên tới mức cao nhất của trần cho phép.

Lo ngại hiểm họa lạm phát đã khiến hầu hết các nhà quan sát thị trường đều cảnh báo thận trọng về triển vọng của các chứng khoán ngắn hạn bằng những đồng tiền nội tệ, vốn là các lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn trong năm 2010.

Chỉ trong 20 ngày của tháng 1, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo tới 1,3 tỷ USD trái phiếu chính phủ của Indonesia sau khi đổ xô mua tới 9,4 tỷ USD trái phiếu này trong năm 2010. Trái phiếu bằng đồng nội tệ của Indonesia đã sụt hẳn 5% giá trị chỉ trong tháng Giêng.

Đồng rupi Ấn Độ đã mất giá 4% trong tháng 1 vừa qua buộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phải tăng lãi suất, nhưng vẫn không làm dịu được lo ngại của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã giảm 10% và bị đánh giá là thị trường hoạt động tồi tệ nhất thế giới.

Các cuộc biểu tình tại Ai Cập từ hai tuần qua có nguy cơ làm cho nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất khu vực Trung Đông phải trả một cái giá rất đắt. Sự bất ổn chính trị đã khiến cho rất nhiều du khách rời bỏ nước này và có thể sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với Ai Cập.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng nổ từ ngày 25/1 khiến các ngân hàng, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động trong 10 ngày, kéo theo xuất khẩu của nước này trong tháng Giêng giảm tới 60%. Thị trường chứng khoán Cairo mở cửa trở lại trong ngày 6/2 và đã bị thiệt hại tới 12 tỷ USD chỉ trong hai ngày.

Về du lịch, có hàng chục nghìn du khách đã rời khỏi đất nước này vào đúng mùa cao điểm, trong khi ngành du lịch chiếm 6% GDP. Du lịch đem lại doanh thu 13 tỷ USD cho Ai Cập trong năm 2010, với lượng khách kỷ lục là 14,7 triệu.

Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra lo lắng về thị trường này. Trong những ngày biểu tình vừa qua, chính phủ đã quyết định cắt Internet trong 5 ngày, làm gián đoạn công việc kinh doanh của rất nhiều người. Nhiều công ty lớn đã tạm dừng hoạt động hoặc rút toàn bộ hoạt động tại Ai Cập.

Hôm qua, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn đà mất giá của đồng nội tệ pound và nạn đầu cơ tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã quyết định "bơm" một lượng lớn ngoại tệ cho thị trường tiền tệ. Đây là lần đầu tiên trong hai năm qua, cơ quan này cung cấp đồng USD nhằm ổn định thị trường tiền tệ trong nước.

Hãng thông tấn quốc gia MENA dẫn phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ai Cập Hisham Ramez khẳng định, thị trường ngay lập tức đã phản ứng tích cực với động thái này. Tỷ giá hối đoái giữa đồng pound và đồng USD đã được cải thiện ở mức 5,870 pound/1 USD, tăng mạnh so với một ngày trước đó.

Những diễn biến chính trị bất ổn trong nhiều tuần qua đã khiến các ngân hàng Ai Cập phải tạm ngừng hoạt động trong 10 ngày. Đồng nội tệ của nước này liên tục mất giá so với đồng USD và rơi xuống mức gần thấp nhất trong 6 năm qua.