06:47 17/05/2007

Kinh tế ASEAN trước cơ hội và thách thức

Nguyễn Thế Nghiệp

Kinh tế ASEAN có thể sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay nhờ hoạt động thương mại nội, ngoại khối khởi sắc

Biểu tượng của ASEAN.
Biểu tượng của ASEAN.
Tổng thư ký Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) Ong Keng Yong đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm nay lên 6%, cao hơn mức tăng 5,8% đạt được trong năm 2006 cũng như mức dự báo 5,6% của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Cũng theo ông Ong Keng Yong, nguyên nhân của mức dự báo cao hơn này là hoạt động thương mại nội khối tăng và xuất khẩu sang các thị trường mới khởi sắc.

Các bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 13 họp tại Bandar Seri Begawan (Brunei) và Hội nghị bộ trưởng tài chính ASEAN lần thứ 10 họp tại Kyoto (Nhật Bản) cho rằng, kinh tế ASEAN vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao do nhu cầu trong nước cải thiện và xuất khẩu đã cân bằng hơn. Chính phủ các nước thành viên đang thực thi những chính sách kích cầu trong nước, coi đây là một trong những động lực quan trọng tạo đà tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh hợp tác nội khối

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nội khối ASEAN tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, đạt hơn 300 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại 1,44 nghìn tỷ USD của ASEAN.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, bà Mari Pangheustu cho biết các bộ trưởng kinh tế quyết định ưu tiên đẩy nhanh hội nhập trong 12 ngành, bao gồm nông nghiệp, cao su, sản phẩm gỗ, hàng không, ôtô, điện tử, ngư nghiệp, hậu cần, dệt may, du lịch, điện tử và y tế. Theo số liệu mới thống kê, 9/12 ngành hàng này đã chiếm hơn 50% tổng lượng thương mại hàng hoá nội khối. Các bộ trưởng kinh tế nhất trí bắt đầu thảo luận việc điều chỉnh Hiệp định về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA).

Về tài chính, ASEAN+3 đã đưa ra cam kết chung tăng cường hợp tác đa phương thông qua việc thiết lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tương tự như đã xẩy ra 10 năm trước đây. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ nhiều nước ở châu Á tăng mạnh, có khoảng 3.000 tỷ USD, chiếm gần 2/3 tổng số vốn dự trữ của thế giới. Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước có nhiều vốn dự trữ ngoại tệ nhất: Trung Quốc có 1.200 tỷ USD và Nhật Bản đứng thứ 2 có 900 tỷ USD. Trước đó, 8 nước trong khu vực ký kết 16 thoả thuận tài chính song phương, trị giá 80 tỷ USD. Theo thoả thuận mới, mạng lưới trao đổi tiền tệ song phương hiện nay sẽ được chuyển đổi thành hệ thống đa phương.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Ong Keng Yong cảnh báo kinh tế ASEAN vẫn đang đứng trước khó khăn do các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản giảm nhập khẩu. Các cuộc tấn công khủng bố, tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động du lịch, đầu tư và có thể giảm đà tăng trưởng kinh tế. Các bộ trưởng cũng đề cập tới những nguy cơ đối với kinh tế khu vực như sự tăng trưởng chậm của các nền kinh tế lớn, sự mất cân đối toàn cầu ngày càng tăng, thị trường tài chính bấp bênh và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Chalongphob Sussangkarn cho biết những rủi ro mà Thái Lan đang phải đối phó giống như những rủi ro đã xuất hiện năm 1997, đó là nguy cơ dòng vốn luân chuyển biến động. Trái với ý kiến của ông S.Chalongphob, nhà kinh tế trưởng Ifzal Ali thuộc ADB cho rằng tình hình hiện nay hoàn toàn khác với năm 1997, khó có thể tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Mở rộng hợp tác với bên ngoài

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ASEAN và các nước ngoài khu vực đang được mở rộng. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại với ASEAN năm 2006 đạt 160,8 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2005. Dự báo năm nay kim ngạch thương mại với ASEAN đạt 180-190 tỷ USD. Hiện nay ASEAN là bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc, và là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong nhóm các nước đang phát triển. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN, một xu hướng tất yếu và phù hợp với chính sách của Đại lục. Sau khi ASEAN đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, các cuộc đàm phán FTA giữa ASEAN với các đối tác khác được thúc đẩy.

Tại Hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 13, cuộc đàm phán về FTA với Nhật Bản được tiến hành. Hai bên thảo luận về buôn bán tự do theo khuôn khổ chặt chẽ hơn với nỗ lực đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương. Vòng đàm phán FTA giữa Nhật Bản và ASEAN khởi động từ năm 2005 với mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán trong vòng 2 năm. Nhật Bản có tham vọng thành lập Khu vực tự do thương mại Đông Á (EAFTA), gồm 16 nước, trong đó có 10 thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand và Australia, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và EU.

Các bộ trưởng kinh tế ASEAN còn thảo luận với Uỷ viên Thương mại EU Peter Mandelson khởi động các cuộc đàm phán FTA giữa 2 bên sau 2 năm chuẩn bị. Tiến trình đàm phán này sẽ dựa trên sự tiếp cận từng khu vực, trong đó có sự thừa nhận và tính đến những mức độ khác nhau về sự phát triển của từng nước thành viên ASEAN. Sẽ thành lập một uỷ ban chung gồm các quan chức cấp cao của cả 2 bên để phát triển các chi tiết của chương trình hoạt động và lộ trình đàm phán. Hai bên nhất trí xem xét các biện pháp hỗ trợ và đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN trong suốt quá trình đàm phán FTA.

Ông Peter Mandelson cho rằng những cuộc đàm phán thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-EU, còn góp phần phát triển thương mại quốc tế và thúc đẩy kinh tế thế giới. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, kim ngạch thương mại song phương năm 2005 đạt 140,5 tỷ USD. Dự báo khi FTA giữa ASEAN-EU thực hiện, hoạt động xuất khẩu của EU sang thị trường ASEAN tăng thêm 24,2% và kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang thị trường EU tăng thêm 18,5%.